Họ đã phủ màu xanh lên vùng đồi cao, dốc này bằng những vạt tre tứ quý, hay còn gọi là tre 4 mùa. Giống tre có nguồn gốc Đài Loan, do cậu con trai mang về. Đó là vợ chồng bà Nguyễn Thị Sang - Lê Minh Hoàng, ở bon B’Nơr, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Qua giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh, tôi tìm đến trang trại tre 4 mùa của ông Hoàng, bà Sang, nằm trên một quả đồi cao, trải dài xuống dưới chân đồi, ngay lưng chừng đồi, giữa 2 vườn tre là QL28 xuyên qua.
Miệng cười tươi trong bộ quần áo bảo hộ dày, lấm lem đất đỏ, lão nông Lê Minh Hoàng năm nay đã 74 tuổi nhưng còn khá rắn chắc với nước da sạm màu nắng gió Tây Nguyên, cho biết, gia đình ông vốn quê gốc Bình Định, nhưng sinh sống ở Khánh Hòa. Do ở quê ít đất canh tác nên năm 1997, ông bà quyết định lên Đắk Nông lập nghiệp.
Khi đó, vùng đất này còn rất vắng người. Những gia đình người Mạ sống rải rác, họ canh tác lạc hậu, được mất phụ thuộc thời tiết. Mặc dù vậy, do vốn không nhiều, muốn có nhiều đất thì phải mua đất dốc, xấu, với quan niệm chỉ cần chịu khó thì đất sẽ không phụ lòng người.
“Ban đầu chúng tôi trồng nhiều loại cây, từ cà phê, tiêu, đến các loại cây ăn trái như mít, bơ, sầu riêng… Cứ cần cù rồi cũng ổn định, nhưng do còn ít đất nên thu nhập cũng chỉ khá chứ không thể giàu, nên chúng tôi quyết định gom góp mua thêm đất. Đồng thời, làm thêm công việc thu mua măng rừng của bà con về làm khô. Vì măng rừng chỉ có trong mấy tháng mùa mưa, giá lại rẻ, còn mùa khô, măng ít nên giá cao gấp nhiều lần”, ông Hoàng kể.
Năm 2017, người con trai ông Hoàng đi học ở Đài Loan về, mang theo 50 cây tre giống, cậu cho biết, loại tre này ở Đài Loan ra măng 4 mùa, nên gọi là tre tứ quý, hay tre 4 mùa, kêu ông trồng thử. Mặc dù 50 cây tre giống phát triển chưa tốt, và chết hơn chục cây, nhưng cuối năm đó, những cây tre sống cũng lên những mầm măng đầu tiên. Sau khi tìm hiểu, ông Hoàng cho rằng có lẽ nguyên nhân cây chết là do thiếu nước, vì thế, ông thường xuyên theo dõi và tưới đủ nước cho tre. Quả nhiên là cây phát triển tốt hơn.
“Đến mùa mưa năm sau thì mấy chục cây tre bắt đầu cho măng. Mặc dù cây có vẻ chưa phát triển tốt, nhưng có thể trồng được nên tôi quyết định kêu con trai liên hệ bên Đài Loan, đặt mua giống đủ trồng trên diện tích 1ha, tất cả đều sống, ra măng. Để có nguồn nước tưới vào mùa khô, tôi đào giếng trên đồi, nhưng đào sâu hơn trăm mét mà không có nước. Cuối cùng, tôi phải mua 1 chiếc máy bơm công suất lớn, đặt dưới suối cách mấy trăm mét, tốn thêm cả ngàn mét đường ống dẫn lên đồi”, ông Hoàng nói.
Ngoài ra, ông Hoàng nhận định, một nguyên nhân khác khiến vườn tre kém phát triển là do đồi có độ dốc lớn, ít cây cỏ nên bị rửa trôi mạnh, thiếu dinh dưỡng, đất khô cằn. Sau khi có nước, ông bắt đầu công cuộc cải tạo đất bằng cách rải nhiều phân chuồng, trồng cỏ, cây dại để che, giữ ẩm cho đất, ngăn rửa trôi.
Thời gian trôi qua, vùng đồi khô cằn ngày nào nay đã xanh mướt những vạt tre. Hệ thống tưới phun thỉnh thoảng lại tạo ra một cơn mưa nhân tạo, khiến những ngọn tre lả lướt, ướt rượt, tạo không khí mát mẻ dưới cái nắng chói chang”.
Lê Minh, con trai ông Hoàng, bà Sang, hiện là lao động chính tại trang trại măng tre 4 mùa, cho biết, giống tre này nếu đủ nước tưới vào mua khô thì có thể thu hoạch măng liên tục 9 tháng, mỗi ha tre có thể thu 50 tấn măng.
“Mùa mưa, măng tươi rất rẻ, chỉ từ 8 - 10 ngàn đồng/kg măng đã lột vỏ. Còn mùa khô, măng tươi chưa lột vỏ đã có giá trung bình khoảng hơn 20 ngàn đồng/kg rồi”, Lê Minh nói và cho biết thêm, tre dễ trồng, dễ chăm và đầu tư ít, chỉ khoảng 15 triệu đồng 1ha/năm. “Nếu được chăm sóc tốt, phát triển đều quanh năm, thì mỗi ha măng có thể lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Còn không chăm, tre kém thì mỗi ha cũng kiếm được khoảng 100 triệu đồng. Đây là con số mà rất nhiều hộ dân ở đây mơ ước”, Minh nói tiếp.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ thu mua sản phẩm măng tươi từ bà con trong vùng, Lê Minh đã đầu tư một lò sấy để chế biến măng khô, đóng gói bao bì 0,5kg, có đầy đủ nhãn mác và hút chân không. Mỗi kg măng sấy khô bán cho thương lái giá 170 ngàn đồng. Hiện nay, sản phẩm măng tre 4 mùa sấy khô của gia đình ông Hoàng đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước, và theo khách du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ khi được bày bán tại gian hàng ở sân bay.
“Cây tre có bộ rễ chùm, rất tốt trong việc bảo vệ đất, chống xói mòn, chắn gió, cải thiện môi trường, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Loại cây này lại rất dễ trồng, dễ chăm, vốn đầu tư thấp. Đây là một trong những mô hình kinh tế đơn giản mà hiệu quả cao, rất phù hợp với vùng đồng bào nghèo, những người ít vốn, ít kiến thức cũng làm được. Lò sấy măng khô cũng là một giải pháp để nâng cao giá trị, giúp bà con trồng măng vào mùa mưa không phải bán với giá rẻ như cho”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông.