Nước ngọt cho Cà Mau và những ồn ào quanh chủ đề ngọt hóa

KS. Thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn - Thứ Năm, 13/06/2024 , 14:19 (GMT+7)

Ngọt hóa là ước vọng, là hoài bão của con người, có bề dày lịch sử từ ngàn xưa đến nay, thời kỳ nào cũng vậy, ở ĐBSCL, ở Bán đảo Cà Mau, ở Cà Mau hay bất cứ nơi đâu.

Bài viết “Giữ nước, giữ đất, giữ người Cà Mau” phản ánh tình trạng nắng hạn, xâm nhập mặn khắc nghiệt trong mùa khô năm 2023 - 2024 ở Cà Mau, cho thấy: Cà Mau chưa được hưởng lợi từ giai đoạn 1 và người dân Cà Mau kỳ vọng đầu tư giai đoạn 2. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sẽ có giải pháp cấp nước mặt cho Cà Mau để giảm thiểu tình trạng khai thác nước ngầm và khắc phục các hậu quả do sụt lún đất gây ra hiện nay. 

  • Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có phải câu trả lời cho Cà Mau?

Tên của tỉnh Cà Mau không được nêu trong mục tiêu đầu tư giai đoạn 1 nên việc Cà Mau chưa được hưởng lợi từ Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 là có lý do của nó. Tuy nhiên, Mục 11: “Những vấn đề lưu ý giai đoạn sau” tại Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 của Thủ tướng Chính phủ có đoạn: “Bổ sung quy hoạch cho một số hạng mục trong Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2; nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất các giải pháp trữ nước ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau” (gồm thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang). Cho nên kỳ vọng sẽ có giải pháp cấp nước mặt cho Cà Mau ở giai đoạn 2 Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là hoàn toàn có cơ sở. 

Bài liên quan

Sản xuất nước để cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt và các ngành nghề kinh tế thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành xây dựng. Trong điều kiện thực tế hiện tại ở Cà Mau, không thể tránh khỏi phải khai thác nước ngầm cho mục tiêu cấp nước sinh hoạt ở những nơi xa nguồn nước mặt. Bởi mọi sinh vật sống đều cần tới nước ngọt, và vì mạng sống con người là trên hết, cho nên chừng nào còn chưa có nước mặt để thay thế thì việc khai thác nước ngầm để cấp nước cho sinh hoạt ở Cà Mau trong thời kỳ khô hạn hàng năm là bất khả kháng. Phản đối nó là hoàn toàn phi thực tế, thậm chí phần nào đó còn thiếu đi một chút nhân văn! 

Việc cấp nước thô cho các nhà máy cấp nước được thực hiện bằng các công trình do ngành Thủy lợi đảm nhiệm (theo giải thích từ ngữ tại Luật thủy lợi 2017: “Thủy lợi là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; kết hợp cấp, tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước”). Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ mới có lưu ý như trên đối với giai đoạn 2 của Hệ thống công trình Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Có thể chắc chắn: Chỉ khi các nhà máy cấp nước ở Cà Mau được cấp nước thô bằng công trình thủy lợi, tình trạng khai thác nước ngầm ở Cà Mau mới được giảm thiểu, và tiến tới thay thế bằng nguồn nước mặt. 

Cần giải pháp cấp nước mặt cho Cà Mau để giảm thiểu tình trạng khai thác nước ngầm và khắc phục sụt lún đất. Ảnh: Tư liệu.

  • “Món nợ nhớ trả” của ngành Thủy lợi đối với Cà Mau

Không phải đến tận bây giờ, nội dung ngọt hóa và yêu cầu cấp nước ngọt cho Bán đảo Cà Mau nói chung và cho Cà Mau nói riêng mới được được đặt ra. 

Người Pháp đã đào kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp từ năm 1905-1918, sau khi đào xong tàu ghe có thể đi từ sông Gành Hào lên Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, đã cho đào một số kênh khác để tiếp ngọt và giao thông cho Bán đảo Cà Mau. Năm 1940 đã tiến hành nghiên cứu và thiết kế công trình ngăn mặn trên sông Mỹ Thanh tại vị trí Cổ Cò (gần cửa sông Mỹ Thanh), công trình đã bắt đầu thi công năm 1944, bị đình lại vì cuộc đảo chính của Nhật. Năm 1970 chính quyền Sài Gòn đã hợp đồng với hãng Nippon của Nhật khảo sát thiết kế dự án ngăn mặn Mỹ Thanh và hoàn thành báo cáo thiết kế năm 1974, đã lựa chọn một tổ hợp công trình ngăn mặn trên sông Mỹ Thanh tại vị trí Cổ Cò... 

Sau năm 1975, ngành Thủy lợi Việt Nam đã tiếp thu các kết quả nghiên cứu cũ, sơ bộ nghiên cứu quy hoạch toàn vùng bán đảo Cà Mau, dự kiến tiếp nước sông Hậu ngọt hóa ra tận biển cho toàn vùng phía đông sông Gành Hào; cũng đã lựa chọn phương án xây dựng 1 tổ hợp công trình ngăn mặn giữ ngọt trên sông Mỹ Thanh tại Cổ Cò (đã khởi công xây dựng năm 1996, sau đó do khả năng đầu tư vốn hạn chế đã phải đình hoãn vô thời hạn)… Chương trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau, đưa nước ngọt về đến tận thị xã Cà Mau (nay là thành phố Cà Mau) được Ngân Hàng Thế giới ủng hộ, chia thành 3 dự án: Quản Lộ - Phụng Hiệp, Tiếp Nhật, Ba Rinh - Tà Liêm để tài trợ bằng vốn vay ưu đãi (mỗi dự án gồm mốt số cống ngăn mặn và 1 trục kênh dẫn ngọt, trong đó tên của trục kênh được lấy làm tên của dự án). 

Quá trình thực hiện đã xảy ra sự cố/sự kiện phá đập Láng Châm năm 2001, khi phong trào nuôi tôm ở Cà Mau bắt đầu khởi sắc và sự tranh chấp giữa cây lúa và con tôm ở Bạc Liêu lên đến đỉnh điểm. Sau sự cố đó, đoạn cuối của kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp vốn đã định là trục kênh dẫn ngọt lại trở thành kênh cấp nước mặn cho vùng sản xuất lúa tôm (nuôi tôm nước lợ) thuộc huyện Hồng Dân, Phước Long tỉnh Bạc Liêu. Mục tiêu cấp nước cho Cà Mau không chỉ bị đứt đoạn mà còn bị lâm vào thế bí khó gỡ! Làm cho mong muốn cấp nguồn ngọt cho Cà Mau bị lỡ hẹn, trở thành “món nợ nhớ trả” của người làm quy hoạch thủy lợi ở ĐBSCL (tâm sự của TS. Nguyễn Xuân Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam).

Ngọt hóa là ước vọng, là hoài bão của con người, có bề dày lịch sử từ ngàn xưa đến nay, trên cả nước, ở ĐBSCL, ở Bán đảo Cà Mau và ở Cà Mau, vẫn vậy. Sự hụt hẫng đó, nỗi niềm đau đớn đó, món nợ đó của dân thủy lợi, đến bây giờ, vào mùa khô 2023 -2024, khi mà nắng hạn gay gắt lên đến cực điểm, khi mà sức chịu đựng thấm đậm đến mức cùng cực đã bật lên thành tiếng kêu kỳ vọng!

  • Những bước đi “phá vỡ thế bí”

Suốt thời gian từ sau sự cố “bất hủ” phá đập Láng Châm đó cho đến nay, ngành Thủy lợi đã âm thầm rút kinh nghiệm từ bài học cay đắng, vừa tự đổi mới cách làm nhằm đáp ứng thực tế đời sống, hợp lòng dân, vừa không ngừng cố gắng tìm tòi đường hướng mới để đưa nguồn nước ngọt về cho Cà Mau. Đó là những bước đi cụ thể:

Từ thực tế tranh chấp giữa trồng lúa với nuôi tôm ở Bạc Liêu và giữa Bạc Liêu và Sóc Trăng, Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” hình thành, mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế, khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm. 

- Trong quá trình hình thành đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, vấn đề đã được nghiên cứu sâu hơn, trên phạm vi toàn Bán đảo Cà Mau, bao gồm đầy đủ các nội dung phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước, vừa mang tính hệ thống, vừa có tính mở, định hướng quy hoạch. 

+ Vùng màu vàng trên bản đồ Phụ lục III dưới đây thể hiện vùng ngọt sau khi hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (gồm 4 hạng mục: Cống Cái Lớn, cống Cái Bé, đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61, sau được bổ sung thêm cống Xẻo Rô nhờ vốn kết dư tiết kiệm được), trong điều kiện đã có Cống âu thuyền Ninh Quới và Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu. Qua đó cho thấy đường tiếp ngọt ngắn nhất cho thành phố Cà Mau phải bắt đầu từ vị trí điểm cao nhất của đường gạch đứt màu đỏ (có tên là Ngã 3 Đình do trùng với vị trí điểm giám sát môi trường màu vàng tại Ngã 3 Đình trên bản đồ Phụ lục IV). Từ Ngã 3 Đình dòng nước có thể lan truyền tiếp theo đoạn rạch nhánh sông Cái Lớn có tên là rạch Xẻo Chít và theo kênh Chắc Băng (đoạn đường gạch đứt màu đỏ nối tiếp) thẳng tới gặp sông Trẹm (điểm nối đường gạch đứt màu xanh phía dưới với đường gạch đứt màu đỏ), dài khoảng 40 km.

Bản đồ hiện trạng Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kèm theo Quy trình vận hành tạm thời Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé).

Trên bản đồ này ở giữa vùng nước lợ (màu tím) lại có một vùng nước ngọt (màu vàng) là phạm vi của Vườn Quốc gia U Minh Thượng, nơi cây tràm phát triển, cho thấy ngay cả tự nhiên cũng có sự ngọt hóa ngọt ngào, kỳ diệu của nó, trách gì con người chẳng học theo!

Bản đồ các điểm kiểm soát và giám sát môi trường Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kèm theo Quy trình vận hành tạm thời Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé).

- Sau khi Dự án “Cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thủy lợi ven biển Tây” hoàn thành (hiện đã được duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 7/2022, đang trong giai đoạn thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận tài sản Hạng mục cống âu thuyền Tắc Thủ từ Bộ Giao thông Vận tải để chuẩn bị thực hiện giai đoạn xây dựng công trình), vùng màu tím sẽ kiểm soát được mặn từ phía sông Đốc và sông Gành Hào. Tuy nhiên, dự án này sẽ không có ảnh hưởng đáng kể đến việc lan truyền nước ngọt trên rạch Xẻo Chít và kênh Chắc Băng.

- Sự lan truyền nước ngọt từ Ngã 3 Đình theo kênh Chắc Băng về phía sông Trẹm và về phía thành phố Cà Mau xa hơn bao nhiêu phụ thuộc việc tiếp nước từ sông Hậu vào vùng dự án sẽ được thực hiện như thế nào trong giai đoạn 2 Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (còn lại sẽ do ngành xây dựng vận chuyển tiếp bằng đường ống cho đến nhà máy nước). Tại tài liệu Báo cáo tổng hợp tư vấn bổ sung của gói thầu “Khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình”, dự án cống Cái Lớn – Cái Bé tỉnh Kiên Giang (lập năm 2018), Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đã đề cập đến các nội dung nạo vét kênh Thốt Nốt, kênh KH6, Cụm công trình bờ Đông kênh Chắc Băng và sông Trẹm nhằm phục vụ cho mục tiêu này.

Ruộng lúa 4ha của nông dân đã làm đất sẵn, chờ nước ngọt để canh tác. Ảnh: Tư liệu.

  • Những ồn ào quanh chủ đề ngọt hóa

Các trình bày trên đây cho thấy ngọt hóa là quá trình không thể đảo ngược của tự nhiên, là ước vọng muôn đời của con người, cần được thích ứng với những nhu cầu phát sinh mới của cuộc sống. Có câu: “Nợ người nhớ trả, người nợ quên đòi”. Tuy nhiên, dường như “Cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng”, vẫn có những ồn ào không đáng có về vấn đề này, đến mức có cảm tưởng dường như mọi hệ lụy của thời tiết nắng nóng, hiện tượng sụt lún đều quy chụp cho ngọt hóa, cho ngành Thủy lợi! Đơn cử một vàì thí dụ:

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, một số công trình được đầu tư với “tham vọng” ngăn mặn đưa nước ngọt đi vào, nhưng không phát huy được tác dụng, thậm chí còn tạo ra những tác động tiêu cực do thiếu nước.

“Thời điểm cực đoan như năm 2016, 2020 và năm nay, ở một số nơi như: Cà Mau bị sụt lún nặng, có nơi ở Trần Văn Thời lên tới 2 mét và nó diễn ra rất nhanh, dù địa phương đã cố gắng hạn chế xe, giảm tải trọng… Tuy vậy, ngay cả ban đêm không có xe chạy vẫn sụt lún một cách đột ngột”, ông nói.

Theo ông, việc thiếu nước ngọt trong khi nước mặn bị ngăn không vào được, khiến áp lực nước lên bờ không còn, nên những tác động trên bề mặt làm đất sạt lở một cách đột ngột. “Chúng ta mong muốn có nước ngọt, nhưng đôi khi việc này lại dẫn tới một cái hệ quả khác và cái thiệt hại này nó cũng không phải nhỏ”, ông Tuấn cho hay.

Theo vị cố vấn khoa học của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, cần tính toán những thiệt hại như nêu trên để thấy có cần thiết cố tìm mọi cách ngọt hóa để chuyển sang sản xuất lúa hay không”.

(Thông tin từ 02/4/2024: Dự án ngọt hóa ở ĐBSCL và ‘mặt trái’ trên thực tế - https://thesaigontimes.vn/du-an-ngot-hoa-o-dbscl-va-mat-trai-tren-thuc-te/).

Vấn đề khoa học cơ bản ở đây là: Đê và cống dưới đê ở vùng này không phải là công trình ngọt hóa (chỉ giữ ngọt vào mùa khô). Việc không lấy nước mặn vào là lỗi ở khâu vận hành, không phải lỗi của công trình! Nguyên nhân tại sao nước ngọt chưa đến được vùng này đã được nói ở trên. Còn việc người dân mang can nhựa ra các vòi nước công cộng để lấy nước ở vùng Ngọt hóa Gò Công là do lượng mưa trong mùa khô năm nay giảm tới 20 - 30%. Sự thiếu hụt này lại càng có nghĩa cần tăng cường các biện pháp ngọt hóa, không phải ngược lại.

TS Dương Văn Ni, Chủ tịch Quỹ bảo tồn Mekong (Mekong Conservancy Foundation - MCF), một chuyên gia về đa dạng sinh học ở ĐBSCL cho biết: Ngay cả thời Pháp, việc đào con kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp cũng kỳ vọng dẫn nước ngọt về Bán đảo Cà Mau. “Nhưng từ thời đó đến bây giờ có một thực tế đã được chứng minh là nước ngọt sông Hậu không về tới đó được”.

(Thông tin từ 19/4/2024: Hiểu để thích ứng hạn mặn (kỳ 2): ‘Rót’ tiền tỉ ngọt hóa hay thích ứng tiết kiệm? - https://thesaigontimes.vn/hieu-de-thich-ung-han-man-ky-2-rot-tien-ti-ngot-hoa-hay-thich-ung-tiet-kiem/)

Nguyên nhân tại sao nước ngọt sông Hậu đến bây giờ chưa về tới Cà Mau và đường hướng để đưa nước ngọt về đó đều đã được giải thích rõ ở trên. 

TS Dương Văn Ni còn giải thích việc sông Hậu không có nhánh nào ra tới biển Tây, cũng không có nhánh nào đưa nước ngọt xuống tới Cà Mau một phần là do cơ chế hình thành đất mặn:

Hạt phù sa muốn lắng được thì phải thay thế thành phần hóa học, mà cụ thể, khi ở trong môi trường nước ngọt nó mang các “ion” như canxi, magie, kali…, tức nhóm “ion” không mặn và rất nhẹ. Tuy nhiên, khi hạt phù sa đi ra tới môi trường nước mặn thì các “ion” có kích cỡ lớn hơn như natri, clorua, sulfate “nhảy vào” thay thế các “ion” ngọt.

Lúc này, hạt phù sa nặng hơn, thắng được lực đẩy của nước mặn để lắng xuống, tạo thành đất. Tuy nhiên, khi đó là đất mặn, bởi nó đi ra biển rồi vòng vô bồi lắng lại.

Điều này cũng giải thích cho việc sông Hậu từ Châu Đốc (An Giang) xuống tới Sóc Trăng không có nhánh nào đi tới biển Tây cũng không có nhánh nào đưa nước ngọt xuống tới Cà Mau” (!). 

TS Dương Văn Ni cũng giải thích: Ở vùng Bán đảo Cà Mau, nếu để khô sẽ có hai hệ luỵ: (1) muối tăng ở tầng mặt và (2) phèn xì lên tầng mặt. Vì vậy, cách khống chế tốt nhất, đó là phải giữ cho đất ướt suốt năm, tức cho nước mặn từ biển vào nhằm mục đích “ém” phèn, và giảm độ mặn. Đây là cơ chế căn bản nhất của vùng đất này và đặt câu hỏi: “Mục đích của việc đầu tư các dự án ngọt hóa vùng Bán đảo Cà Mau là tạo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, liệu câu chuyện tiền đổ ra, nhưng hiệu quả không như mong đợi có tiếp tục xảy ra hay không, nhất là đặc tính của vùng đất này là đất “phèn, mặn”?”.

(Thông tin từ 18/4/2024: Hiểu để thích ứng hạn mặn (kỳ 1): Đất mặn, đất ngọt và cách xử lý của người xưa - https://thesaigontimes.vn/hieu-de-thich-ung-han-man-ky-1-dat-man-dat-ngot-va-cach-xu-ly-cua-nguoi-xua/).

Thực ra, châu thổ mỗi dòng sông đều do động lực dòng sông, sóng biển và dòng chảy ven biển tương tác lên địa hình ven biển mà tạo thành. Bản thân việc hạt phù sa sông Cửu Long về đến tận Cà Mau cũng là hệ quả sự tương tác của 4 yếu tố này. Vì vậy, quan điểm cho rằng sự hình thành các nhánh sông Hậu có một phần do cơ chế hình thành đất mặn khi hạt phù sa ra đến biển là không có cơ sở và có sự lẫn lộn về nhân quả (giải thích như vậy nhằm mục đích gì còn là điều rất khó hiểu). Còn việc giữ cho đất (ruộng) ướt, bằng nước mặn hay nước ngọt đều được. Không có nước ngọt mới đành phải dùng nước mặn (nếu có thêm nước ngọt bao giờ cũng tốt hơn). 

Cho nên, không thể vì tốn kém trong việc đầu tư các công trình ngọt hóa mà phủ nhận lợi ích cũng như sự cần thiết phải đầu tư chúng. 

Các công trình cấp nước nông thôn tập trung cần được đầu tư. Ảnh minh họa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng, lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Hạn hán có nghĩa không có nước ngọt cũng không có nước mặn, cũng có nghĩa không có nước ngọt mà chỉ có nước mặn (còn gọi là hạn mặn). Nước ngọt hòa với nước mặn theo một tỉ lệ nào đó gọi là nước lợ, là môi trường phát triển của nhiều loài sinh vật quý. Không nên phản bác ngọt hóa vì ngọt hóa là cần thiết để cho đất với nước điều hòa với nhau, cũng là để cho nước mặn và nước ngọt điều hòa với nhau nhằm phục vụ nhiều hơn, tốt hơn cho lợi ích của con người và muôn loài.

Hệ thống công trình Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là sự kế tục của Chương trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau. Với mục tiêu: “Kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định”, Hệ thống công trình Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đúng là câu trả lời cho Cà Mau, sẽ làm cho đất và nước Cà Mau được điều hòa tốt hơn, người dân Cà Mau khỏe mạnh và sung túc hơn.

KS. Thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM
Tin khác
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ

Chăm sóc thanh long trái vụ tốn công hơn nhưng bù lại, giá bán cao hơn hẳn và sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục

Ngày nay, sản xuất không chỉ dựa vào kinh nghiệm, từ những mô hình thành công ở địa phương cho thấy tri thức hóa nông dân đang là nhiệm vụ hàng đầu.

Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức
Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức

ĐBSCL Việc tham gia của nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể còn thấp và công tác đào tạo chưa đồng đều khiến hành trình tri thức hóa nông dân gặp khó khăn.

Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp
Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp

Từ ý tưởng thi đua ‘Người nông dân chuyên nghiệp’, nông dân Đồng Tháp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, khẳng định vai trò trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp.

Câu chuyện thứ mười một: Câu chuyện tiếp thị
Câu chuyện thứ mười một: Câu chuyện tiếp thị

Nguyên tắc thị trường là phải tiếp thị, không tiếp thị hoặc tiếp thị không đúng sẽ giới hạn không gian đối tượng tiêu dùng.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn

Nhiệt độ thích hợp nhất để chuối sinh trưởng là khoảng 27 độ C, nếu xuống quá thấp (dưới 6 độ C), cây sẽ yếu và dễ bị chết nếu không có phương án phòng, chống.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non

Để quả nhãn đủ chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân cắt tỉa đợt 1 khi đậu quả non và giai đoạn 2 khi quả nhãn to bằng đầu đũa.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài

Cây xoài đặc biệt phù hợp với những vùng có hai mùa mưa và khô rõ rệt, trong đó mùa khô ít nhất kéo dài 4 tháng, mùa mưa không quá 7 tháng. 

Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’
Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’

Khi các bên cùng hợp tác và tham gia, chuỗi giá trị sẽ trở nên toàn diện và phát triển bền vững, góp phần đưa ngành rong biển Việt Nam vươn xa.

Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh
Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh

Rong biển được ví như một 'kho báu' trong thời đại chuyển đổi xanh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.