Ông Tạ Quang Ngọc: 'Tri thức hóa nông dân cần được coi là cương lĩnh để thực hiện lâu dài'

Văn Chinh - Thứ Bảy, 10/02/2024 , 11:26 (GMT+7)

'Tôi không thích cái mặc cảm chúng ta là một nước đi sau. Giờ đây, trong một thế giới phẳng không còn bất cứ sự khuất lấp nào', nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc.

Đây là một chủ trương của Bộ NN-PTNT và cần được bàn bạc thấu đáo, sâu rộng. Nhưng nói về tri thức hóa nông dân lại cần bắt đầu từ trí thức. Nhân năm mới Giáp Thìn, ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản đã có cuộc chuyện trò với nhà văn Văn Chinh về vấn đề lớn và mới mẻ này theo góc nhìn của mình. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, tri thức hóa nông dân là vấn đề cần, nhưng muốn làm được không thể chỉ 1 - 2 nhiệm kỳ. Ảnh: Hồng Thắm.

Nhà văn Văn Chinh:

Thú thật là do tôi hằng quý trọng họ Tạ Quang Hoành Sơn ở Nam Đàn Xứ Nghệ nên Báo Nông nghiệp Việt Nam bảo là tôi vui vẻ nhận lời mặc dù lạnh giá quá. Tôi đã mấy lần viết về ông Tạ Quang Bửu, bác ruột ông. Còn cụ thân sinh bác, nhà báo Quang Đạm thì may mắn là đồng nghiệp. Tôi thán phục ông Tạ Quang Bửu ở chỗ hồi ở trên Việt Bắc, ông viết về di truyền, trong khi không phải là chuyên gia?

Nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc:

Thực ra trong thời gian ở Pháp, bác tôi có đi nghe một vài nhà sinh học nổi tiếng của thế giới giảng về di truyền học và về sinh học phân tử, ông cũng đã say mê, tìm hiểu sâu sắc những lĩnh vực sinh học và ngoài sinh học liên quan, nhất là toán học, vật lý, kể cả vật lý lượng tử.

Giữa tháng 8/1945, GS Tạ Quang Bửu (hàng đứng, thứ hai từ phải sang) cùng Luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia chính quyền cách mạng non trẻ.

Cuốn sách anh nói đến viết năm 1947 hay 1948 gì đó và in ở Việt Bắc. Sách có tiêu đề là “Sống”. Thời gian này, ở mình Học thuyết về di truyền của Lysenco được coi là chính thống. Còn “Sống” lại dẫn giải theo Học thuyết di truyền sinh học của Menden - Morgan bị coi là thủ lĩnh sinh/nông học tư bản. Vì vậy sách bị thu hồi, sau này, bác tôi có nói với tôi là bác bị phê bình; nhưng đến năm 1959 người ta bắt đầu thấy thuyết đó là đúng nên Báo Khoa học Thường thức thời đó thông báo và tìm lại được ít cuốn. Sau đó, khoảng năm 1968 - 1969, lúc ông đang làm Bộ trưởng thì GS Tôn Thất Tùng là bạn ông đã mời ông giảng những chuyên đề về sinh học phân tử. Ông nói, ông đọc khoảng 400 cuốn sách để nói về một chuyên đề 2 ngày ở trường y.

Nói với trường y xong thì bác tôi lại có những bài nói chuyện ở trường Kiến trúc khi bàn về kết cấu trong kiến trúc. Sau đó mấy ngày nữa thì có cuộc nói chuyện tương tự với ngành điện. Tôi hỏi ông tại sao lại có thể nói nhiều cái xa nhau thế, ông bảo nó rất gần nhau. Khi tri thức đạt đến đến một cấp độ nhất định, “ngôn ngữ” của vạn vật rất gần nhau.

Nhà văn Văn Chinh:

Chỉ qua việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ hơn 1 năm. Vậy mà Bộ đã cử một nhóm người mang vàng sang Thái Lan mua máy bộ đàm và các khí tài, lại để người ở lại buôn bán lấy lãi mua sắm khí tài cho đến mãi về sau. Rồi ngay những ngày đầu của kháng chiến chống Pháp, ngành cơ yếu đã được thành lập, do ông thân sinh bác, Tạ Quang Đạm đề xuất luật mật mã, được chính thức dùng rộng rãi mà không thấy nói mật mã từng bị lộ lần nào. Chỉ một việc ấy đã thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng trí thức giỏi như thế nào? 

Nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc:

Đây là một vấn đề khó bàn vì mỗi thời mỗi khác. Hồi ấy còn ít người, người này biết rất rõ người kia. Ngay như việc ông cụ tôi tổ chức Phòng Mật mã, lấy ai cũng đều biết kỹ người đó tuy không hề có đơn xin, có hồ sơ xét tuyển nào cả. Điều lo lắng nhất của cụ là khóa mã bị lộ. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Nói chung, thời ấy người người đều chỉ có một ý thức, một ý chí là làm tốt chuyên môn của mình để dân tộc tự do, đất nước độc lập.

Nhà văn Văn Chinh:

Vâng, bác. Nhưng vẫn phải thừa nhận Cụ Hồ rất giỏi dùng người. Lại cũng phải nói thêm, cái thời xưa học thật, tri thức thật. Từ cái tri thức thật nên nhờ cái gốc luật, ông cụ nhà bác mới có phương pháp luận để soạn thảo Luật Mật mã sử dụng lâu dài đến thế. Cũng như nhờ tri thức thật, cụ Võ Nguyên Giáp mới vận dụng lịch sử về chiến tranh để làm Tổng tư lệnh một cuộc chiến tranh xuất sắc đến thế.

Chủ trương mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đang triển khai là tri thức hóa nông dân. Đây là một ý tưởng rất đúng và cần thiết. Tuy nhiên cái căn bản là người nông dân ở vùng nông thôn hướng vào tri thức nào?

Chẳng hạn như gần đây người ta đưa kỹ thuật số vào và muốn số hóa đời sống, hành chính, thủ tục…, kể cả muốn vận dụng số hóa trong các thao tác để cho cá ăn, chăm sóc ao cá… Điều này tất nhiên là cần thôi. Trong phong trào Tây hóa cũng khuyến khích người nông dân dùng mạng và tiêu thụ văn hóa mạng.

Văn hóa mạng như bác biết rồi, nó giống như đường cống ngầm Paris, cái gì ở dưới đó cũng có, nhưng mà chúng ta thấy rằng, nếu cứ để cho một người nông dân bắt đầu bằng cái đó để tiến dần đến tinh hoa của nó thì vô cùng khó khăn, có khi càng đi càng lạc.

Ở các làng xưa chỉ có vài người biết chữ thôi, một ông thủ từ, một ông sư, một thầy đồ, ông thầy đồ thì có khi cũng chỉ học được dăm ba bát chữ nên ở Việt Nam mới có câu “tôi hết chữ rồi, tôi không dạy được anh nữa”, phải đến chỗ nọ chỗ kia để học. Họ là những tiểu tri thức nông thôn và chính tiểu tri thức nông thôn tạo nên văn hóa nông thôn, mà văn hóa nông thôn tạo nên văn hóa Việt Nam.

Còn một công trạng rất quan trọng của tri thức nông thôn, là ở vùng nào có nhiều tri thức nông thôn thì nơi đó sinh ra được/nuôi dưỡng được nhiều nhân tài. Ví dụ, các cụ tổ nhà bác ngày xưa có câu nổi tiếng vùng Nghệ Tĩnh rồi sau đó nổi tiếng cả nước: “Phụ giáo tử đăng khoa/cử nhân tại quán…”. Cứ đời nối đời thế mà tạo nên một nền tảng tri thức nông thôn và chính tri thức nông thôn, cụ thể ở đây là Thanh Nghệ Tĩnh mới sinh ra được những đấng bậc kiểu như Cụ Hồ, cụ Phan Bội Châu…

Không biết bác nghĩ sao chứ tôi cho rằng, muốn tri thức hóa nông dân thì trước hết cần bắt đầu bằng gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị do các tiểu tri thức nông thôn xác lập từ đời này sang đời khác. Bác là người có kinh nghiệm, hơn tôi có mấy tuổi thôi nhưng đã kịp đi theo kháng chiến và sinh ra trong một gia đình như thế nên sớm lĩnh hội được nhiều điều…?

Nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc:

Ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan là một ý lớn mà tôi cho rằng, không phải chỉ một nhiệm kỳ mà làm được. Có một sự chuyển đổi rất lớn mà chúng ta đã làm trong thời gian vừa rồi, đó là chuyển từ một nền kinh tế gần như hoàn toàn dựa vào tài nguyên thiên nhiên thành nền kinh tế dựa vào tài nguyên con người. Con người đó không phải chỉ có sự thông minh đơn thuần mà phải bằng những công cụ nó giúp cho sự thông minh, nó chuyển vào trong công việc một cách rất rõ ràng.

"Ngư dân của chúng ta, hôm nay đi tàu này, mai tàu khác, hôm nay làm nghề này, mai nghề khác thì làm sao mà chuyên sâu được", Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc trăn trở. Ảnh: Huy Hùng.

Vả chăng, dựa vào tài nguyên thiên nhiên bây giờ cũng đã cạn kiệt rồi và hơn nữa còn bị chậm bởi những vấn đề rất lớn của thời đại, đó là biến đổi khí hậu. Chúng ta thấy rõ rằng từ COP 26 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, COP 27 ở Sharm el-Sheikh, Nam Sinai, Ai Cập và COP 28 vừa qua ở Dubai. Mỗi COP như thế đưa ra những chương trình, dự án rất quyết liệt để khắc phục những gì mà biến đổi khí hậu đã và đang gây ra, đồng thời phải chống lại những điều gì cần phải chống.

Một tiêu chí không phải dễ đó là phát thải ròng carbon bằng “0” vào năm 2050. Đây là vấn đề lớn với cả thế giới, nhất là những nước chưa phải là công nghiệp phát triển như Việt Nam. Phát thải carbon nói chung, người ta cũng nói nhiều đến phát thải khí metan thì nó lại đụng đến ngành chăn nuôi của chúng ta, chủ yếu là chăn nuôi mang tính gia đình, chứ không phải là tập trung.

Thứ hai cũng phải nói rằng, chúng ta nói đến vấn đề số hóa và các hoạt động kỹ thuật mang tính thông minh, nói nhiều đến trí tuệ nhân tạo (AI), rõ ràng nó cũng đang là một vấn đề cực lớn mà bất cứ trang thiết bị hay công cụ nào bây giờ cũng khác nhiều so với 10 - 20 năm trước.

Tôi lấy ví dụ như trước đây những cái điều hòa không khí chỉ nghĩ làm thế nào cho nó mát mà thôi nhưng sau đó mới bắt đầu tính đến chuyện lãng phí quá. Điều quan trọng là những lãng phí đó khiến người tiêu dùng không chịu nổi với giá năng lượng, vì vậy phải giảm năng lượng sử dụng. Vì thế có nhiều giải pháp, trong 10 năm gần đây người ta nói nhiều đến invector (tức là dùng biến tần) để có thể giảm được. Cho đến tận bây giờ không phải chỉ sử dụng biến tần mà thực ra là những vấn đề liên quan đến thao tác, hoạt động kỹ thuật mang tính thông minh cao, từ đó tiệm cận đến AI.

Ông Tạ Quang Ngọc:  "Tôi nghĩ tri thức hóa nông dân là vấn đề cần, nhưng muốn làm được không phải 1 - 2 nhiệm kỳ".

Ngày 25/1, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tổ chức liên hoan đón Xuân Giáp Thìn với chúng tôi. Tôi không có thời gian để phát biểu nhưng có một việc rằng, trước đây chúng ta mừng vì chúng ta có những con số, nhưng bây giờ bắt đầu mừng vì thấy những cái ló ra phía đằng sau những con số, đó là điều quan trọng, bao nhiêu triệu đô, bao nhiêu tỷ đô la, bao nhiêu tấn nọ, tấn kia, điều đó rất quan trọng nhưng sau cái đó nó là cái gì, đó là chất lượng tăng trưởng, mà chất lượng tăng trưởng đó gắn giữa vấn đề làm hiệu quả và bền vững. Bền vững phải là bạn của môi trường và phải làm cho cuộc sống người dân đi lên. Khi người dân sống được với nghề nông thì người ta mới say mê với nghề nông và cải tiến công việc nghề nông của mình.

Điều thứ hai mà tôi nói là vấn đề cần phải xem xét. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng là một vấn đề thời đại. Một trong các giải pháp một thời là việc người ta đưa ra một tiếp cận, gọi là các “công nghệ trung gian”. Không ít ý kiến cho rằng, những nơi lạc hậu, ở không ít nước đang phát triển người dân khó tiếp nhận được các công nghệ đỉnh cao, kỹ thuật hiện đại. Vì thế, phải qua một giai đoạn mà đòn bẩy phát triển là các công nghệ trung gian, nhất là trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Bản thân công nghệ trung gian mang một ý nghĩa nhất định, nhiều giải pháp kỹ thuật dễ hiểu, dễ làm được xây dựng và áp dụng, mang lại một số thành quả trong sản xuất và đời sống. Tuy nhiên khoảng cách giữa công nghệ trung gian và công nghệ tiên tiến không bao giờ thu hẹp cả. Cho nên nếu chúng ta làm không khéo về tri thức hóa nông thôn thì cũng đẩy đến một khoảng cách như thế. Tất nhiên ở xã hội giai tầng bao giờ cũng có, khi có con người thì sẽ có vì còn nhiều lý do cho việc này, dù rằng chúng ta nhân đạo nhất, nhân quyền nhất nhưng vẫn luôn luôn có điều này.

Ông Tạ Quang Ngọc: "Tôi không thích cái mặc cảm chúng ta là một nước đi sau. Giờ đây, trong một thế giới phẳng không còn bất cứ sự khuất lấp nào".

Nhưng, nếu chúng ta đi thẳng vào tiên tiến chúng ta vẫn đi được; chứ không phải đi tìm một cách trung gian để giảm bớt cái gì đó liên quan đến trình độ thì tôi cho rằng đây là một quan điểm rất sai lầm. Bản thân công nghệ trung gian đó chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn, khoảng độ mươi năm cách đây khoảng 4 - 5 thập kỷ, sau đó không thấy nữa. Bây giờ nên xem xét và tính đến những vấn đề này một cách kỹ lưỡng.

Tôi nghĩ tri thức hóa nông dân là vấn đề cần, nhưng muốn làm được không phải 1 - 2 nhiệm kỳ. Chúng ta có 2 mốc thời gian, năm 2030 và 2045 và trên thế giới này người ta suy nghĩ nhiều, nghề cá thế giới đến năm 2050, tất cả những vấn đề đó chúng ta phải lên một phương pháp luận rất chuẩn, một kế hoạch dài hơi và gắn vào với các nội dung quy hoạch, đó là phải nhìn vấn đề này như thế nào cho nó đầy đủ. Bởi vì nếu chỉ là chủ trương thì vấn đề này rất khó vì hôm nay nhiệm kỳ này làm thế này, ngày mai nhiệm kỳ khác làm khác. Nên điều này phải đưa ra như một cương lĩnh.

Nhà văn Văn Chinh:

Vâng, cần phải có cương lĩnh hoặc ít nhất phải có chương trình mục tiêu quốc gia. Tôi luôn dị ứng với cái tư duy nhiệm kỳ, nó làm cho sự phát triển của đất nước đứt gãy từng đoạn một, nó rời ra và không đâu vào đâu cả.

Nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc:

Nó phải dài hơi vì nếu không dài hơi thì không giống ai cả, bởi vì bây giờ thế giới này đã đi vào những vấn đề đã phải nhìn trước. Người ta đã nhìn thấy nhiệt độ tăng lên, cuối nhiệm kỳ này là lên bao nhiêu độ rồi; mực nước dâng là bao nhiêu rồi; người dân mất đất do tăng nhiệt độ và nước biển dâng là như thế nào; một số nghề đã và đang có những thay đổi lớn…, trong khi đó chúng ta vẫn phải làm theo mô hình mà trước kia gọi là nghề cá nhân dân.

Nhà văn Văn Chinh:

Vâng, không nhìn thấy trước, không nhìn toàn cảnh thì, ví dụ như du lịch lại ngăn chặn sự phát triển của ngư dân. Bây giờ dọc bờ biển người ta làm bãi nghỉ hết rồi và trở thành của tư nhân hết rồi. Vụ ngư dân ở Sầm Sơn mấy năm trước bị “lấy mất” bến cá chỉ là một trong vô vàn điểm nóng. Vậy là nghề cá trở nên bị chặn, ngư dân tản mát. Vừa nãy bác có nói tập hợp đội ngư dân cũng giống như là đi tập hợp thợ hồ. Không ưu tiên tính chuyên nghiệp. Không thấy người ta bám biển, đổ mồ hôi sôi nước mắt vì con cá thì đấy là chúng ta đang lấy cái nọ ngăn chặn sự phát triển của cái kia.

Nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc:

Tôi nói về lao động ngư dân nói riêng. Đây là vấn đề rất lớn. Các ông nói về khoa học rất giỏi nhưng cụ thể gắn với ngư dân thế nào thì lại là vấn đề rất khó. Tôi thấy chúng ta có hiện có khoảng 700.000 ngư dân, số lượng tàu giảm xuống còn 70.000 chiếc, mỗi tàu khoảng 10 người, dân thì tứ xứ, không được học hành từ nhỏ.

Tiếp theo phong trào nông thôn mới, trên cơ sở hạ tầng ở nông thôn đã phát triển sẽ phù hợp để làm tri thức hóa nông dân.

Đi tàu cũng thế, hôm nay đi tàu này, mai tàu khác, hôm nay làm nghề này, mai nghề khác thì làm sao mà chuyên sâu được. Năm ngoái tôi viết một bài khi đi Kiên Giang về đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Tôi thắp hương cho ông Tư Mao, trước một huyền thoại tàu không số và nhiều năm làm lãnh đạo thủy sản, sau đó thắp hương cho một anh giám đốc Sở vừa mất 1 năm trước. Chị vợ anh đang đi lo cho 3 con tàu khá lớn ra khơi. Tìm ngư phủ đi tàu và chi phí trả lương cho họ cũng là một khoản lớn. Lo có người làm phải theo từng chuyến là như vậy. Nhưng ngại nhất một điều là người làm bỏ chuyến nửa chừng. Có chuyện như vậy thật.

Thế còn tri thức hóa người lao động như thế nào? Bây giờ học sinh tốt nghiệp cấp 3 ở nông thôn rất nhiều, trong đó có nhiều người rất giỏi. Vấn đề là, một khi không áp dụng được trong các ngành nông nghiệp thì họ sẽ áp dụng vào ngành khác. Thậm chí người ta đi chế tạo máy bay trực thăng, tàu ngầm, thế còn đưa cái này vào trong nông thôn như thế nào thì chưa nhiều, coi như một cái gì đó là tự phát thôi. Đó là điều tôi nghĩ nên xem lại, chúng ta chưa có một chính sách khuyến khích đủ mạnh.

Bây giờ những người có tiền bắt đầu tham gia vào ngành nông nghiệp nhiều chứng tỏ ngành này đang hấp dẫn. Thành công nhất là phong trào nông thôn mới và không khí thi đua Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tôi chắc tiếp theo phong trào nông thôn mới, trên cơ sở hạ tầng ở nông thôn đã phát triển sẽ phù hợp để làm tri thức hóa nông dân.

Nhà văn Văn Chinh:

Xin bác nói thêm về lộ trình trong hành trình tri thức hóa nông dân?

Nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc:

Tôi muốn quay lại một vấn đề, nó hơi cổ một tí nhưng nó vẫn đúng từ ta và rộng ra cả phương Đông. Con người có lập thân trước, lập chí thứ hai và lập nghiệp thứ ba. Lập thân - lập chí - lập nghiệp, ba thứ đó gắn với nhau rất là rõ ràng và phải hình thành từ lúc nhỏ, chứ không phải đến khi mà người ta thành tài rồi chúng ta mới quy tụ họ. Và bản thân lập thân - lập chí - lập nghiệp nó gắn liền giữa quá trình đi học cho đến khi đi làm.

Cũng có nhiều lúc, tôi nói thế này có thể không đúng lắm, có người lập thân chưa tốt, lập chí chưa đủ mà chỉ chú ý đến lập nghiệp.

Lập thân phải đầy đủ, từ đạo đức, tư cách, kiến thức cần thiết của một con người, mà trong quá trình như thế phải rèn luyện mình lập chí và có đầy đủ nền tảng lập thân và lập chí thì khi vào đời, con người mới định hướng tốt và có bản lĩnh để lập nghiệp. Phong hóa ngày xưa của mình đã có những bài học như thế rồi.

Tôi muốn nói thêm về những việc cần làm để quy tụ tri thức, hấp dẫn trí thức. Bộ trưởng Lê Minh Hoan có nói bây giờ không nên nói là sản xuất nông nghiệp mà nên nói là kinh tế nông nghiệp. Nói kinh tế nông nghiệp thì tôi nghĩ đến điều đó là chuỗi liên kết. Nói chuỗi cung ứng toàn cầu là nói đến sự hội nhập rất lớn và đây là vấn đề tất yếu. Chuỗi cung ứng, liên kết toàn cầu đó thì bất cứ ngành nào cũng hướng đến cả. Bản thân chuỗi cung ứng đó cũng bắt đầu xuất hiện đến vấn đề chuỗi giá trị, chuỗi liên quan đến chất lượng an toàn và vệ sinh, những chuỗi đó cũng liên quan đến cả các vấn đề về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp đã bắt đầu đi vào thời kỳ đó và nó đã bộc lộ những nét lạc quan ngoài các con số về vấn đề này.

Đi với chuỗi liên kết này, đặc biệt một chuỗi cung ứng quan trọng, có một vấn đề song hành mà chúng ta đã làm quen, đó là logictis. Logictis chúng ta chỉ hình dung là vấn đề vận chuyển, kho bãi… Trước đây chúng ta chỉ chia sản xuất thành 2 nhóm là hạ tầng và sản xuất, giữa hạ tầng và các quy trình sản xuất, kỹ thuật thì phải có vấn đề logictis khớp vào, nó trở thành một yếu tố thứ ba và rất quan trọng. Hiện tại logictis là chủ đề lớn. Đối với nền nông nghiệp cũng thế, nhất là khi nước ta là một nước có định hướng xuất khẩu rất rõ. Làm ra được hơn năm mấy tỉ đô la thì yếu tố logictis gắn với chuỗi cung ứng là vấn đề rất lớn.

Một vấn đề nữa là, trước đây chúng ta cứ nghĩ làm ra cái gì thì xuất khẩu cái đó, nhưng nếu chúng ta là một nước xuất khẩu chúng ta có thể nhập những cái khác từ các nước khác, rồi sản xuất nó, lấy giá trị gia tăng của nó và xuất khẩu sang nước thứ ba, như vậy mới có chuỗi cung ứng và phải có một logictis thực sự.

Thứ ba, quay trở lại về vấn đề tích tụ tri thức và đưa tri thức về với nông dân, đây là vấn đề sống còn, nhưng nó không phải là vấn đề ngày một ngày hai mà đây là vấn đề mang tính thế hệ, chứ không thể gắn với chỉ riêng một nhiệm kỳ nào cả, mỗi nhiệm kỳ gắn với nhiệm kỳ khác một cách nhất quán. Độ nhất quán và kết nối của nó thể hiện sự thành công hay không thành công của chúng ta. Và nó phải đưa vào một dạng cương lĩnh.

Nguồn nhân lực bây giờ không phải bằng sức vóc, chân tay mà phải bằng trí tuệ.

Nếu như trước đây chúng ta dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ thì bây giờ cấu trúc về dân số của ta cũng có sự thay đổi, thời cơ vàng về cơ cấu độ tuổi chuẩn bị đi qua, khi đất nước ta xấp xỉ 100 triệu dân. Nhìn qua một số nước khác cũng tương tự như vậy, đang cảm thấy bị già hóa, lúc đó chất lượng lao động sẽ trở thành vấn đề quan trọng. Khi đặt ra vấn đề tài nguyên con người với một cơ cấu lao động khác hẳn ngày xưa, thì ngay lập tức cần có chính sách đào tạo thiết thực, phù hợp với từng ngành nghề chứ không thể ồ ạt, chung chung như trước nữa. Bây giờ một số nước như Trung Quốc đã bắt đầu giảm dân số, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải đi kiếm lao động nước ngoài vào. Nếu không ngay lập tức có cơ cấu lao động phù hợp với tình trạng dân số thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển. Nguồn nhân lực bây giờ không phải bằng sức vóc, chân tay mà phải bằng trí tuệ.

Năm 1992 khi đang làm Vụ phó Vụ Kỹ thuật, Bộ Thủy sản, tôi sang Malaysia, đến đảo Pulau Redang để dự một lớp tập huấn về vấn đề bảo tồn biển, lúc đó tôi đã thấy ở đảo này người ta đưa trẻ em vào bờ (bang Kuala Terenganu) để học Trung học cơ sở, cuối tuần lại đưa về với gia đình ở đảo. Người ta coi đây không những chỉ là cải thiện điều kiện giáo dục mà còn là việc chuẩn bị đa dạng hóa nhân lực một khi hạn chế năng lực khai thác sau này. Thực tế khoảng 8 năm sau, một lần sang làm việc với các nhà chức trách về nghề cá Malaysia, khi có chính sách hạn chế cường lực khai thác, người dân biển đảo nơi đây đã có nghề khác một cách chủ động.

Vâng, khi đã có một cương lĩnh rồi thì phải có một bước đi phù hợp, phải luôn nhìn thấy trước những vấn đề trong một thế giới hội nhập và phát triển rất đa dạng đặt ra. Thế thì bây giờ phải lựa chọn cái gì cho Việt Nam chúng ta?

Tôi không thích cái mặc cảm chúng ta là một nước đi sau. Giờ đây, trong một thế giới phẳng không còn bất cứ sự khuất lấp nào. Chúng ta có thể nhận biết được tất cả, nhưng ưu tiên là phải nhìn rõ kịch bản phát triển của đất nước và lượm lặt tất cả những cái khác của các nước vào để thực hiện kịch bản đó, hơn là đi tìm những kịch bản của các nước khác lắp vào trong điều kiện Việt Nam. Vấn đề này thì giáo dục rất quan trọng. Đó cũng là vấn đề giáo dục đối với nông dân, nông thôn.

Nhà văn Văn Chinh: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thân thiện này. Chúc ông năm mới sức khỏe và hạnh phúc!

Văn Chinh (thực hiện)
Tin khác
Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán
Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Thuận Tân Hội Quán còn thành lập điểm du lịch nông nghiệp, tổ chức các hoạt động cho du khách tham quan, trải nghiệm cuộc sống vùng sông nước.

Câu chuyện thứ mười: Câu chuyện mật ong
Câu chuyện thứ mười: Câu chuyện mật ong

Trong chuyến đi thăm một đất nước bên kia bán cầu, lần mò tìm những sản phẩm nông nghiệp để xem cách họ làm như thế nào, có khác gì mình không?

Hội quán, từ giao lưu chia sẻ đến phát triển hợp tác xã bài bản
Hội quán, từ giao lưu chia sẻ đến phát triển hợp tác xã bài bản

151 hội quán với hàng ngàn thành viên, nông dân Đồng Tháp không chỉ hỗ trợ sản xuất mà còn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể.

Biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn
Biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn

Không chỉ nâng cao giá trị nông sản, các hội quán còn đồng lòng, không ngừng đổi mới, biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 5] Ưu tiên tạo tín chỉ carbon, quản lý rừng bền vững
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 5] Ưu tiên tạo tín chỉ carbon, quản lý rừng bền vững

Muốn thích ứng một cách nhanh chóng, bền vững với những quy định mới như CBAM, EUDR…, chủ rừng buộc phải chuẩn hóa ngay từ khâu giống và trồng cây xuống đất.

Dịch vụ khí hậu số trong nông nghiệp: Đã xóa được 'ngờ', cần mô hình bền vững hơn
Dịch vụ khí hậu số trong nông nghiệp: Đã xóa được 'ngờ', cần mô hình bền vững hơn

Dù chứng tỏ được lợi ích trong dự báo thời tiết, sâu bệnh... các dịch vụ số trong nông nghiệp vẫn cần thời gian để bền vững hơn, nhất là trước những thách thức mới.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu
Thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu

Đầu tư đồng bộ vào công nghệ, quy trình và thương hiệu, ngành chè Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Thị trường carbon quốc tế đang rất sôi động, với giá trị ước tính có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp

Bên cạnh việc góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đảm bảo sinh kế cho người dân, nông lâm kết hợp còn có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu trung hòa carbon.

Tầm quan trọng của giống đối với ngành chè Việt Nam và thế giới
Tầm quan trọng của giống đối với ngành chè Việt Nam và thế giới

Việc mở rộng các giống chè chất lượng cao đang là mục tiêu chiến lược để tăng giá trị xuất khẩu​.