| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản xanh, trăn trở của TS Tạ Quang Ngọc

Chủ Nhật 22/01/2023 , 07:00 (GMT+7)

Tết Quý Mão này, TS. Tạ Quang Ngọc về hưu đúng 15 năm, nhưng ông là Bộ trưởng ở những thời điểm đặc biệt.

“Máu nhà báo” ngấm vào tôi cả đời, nên lúc nào cũng sầm sập những niềm vui và lo toan. Những ngày cuối năm, quá đỗi vui mừng khi kết thúc năm 2022, ngành thủy sản đã xuất khẩu gần 11 tỷ đô la, tăng 25% so với năm 2021. Con cá, con tôm Việt Nam đã “hiên ngang” có mặt ở những thị trường “khó tính” nhất, như Mỹ, EU... Gọi là “khó tính” bởi mức sống dân họ cao, bởi “hàng rào” khắt khe về thực phẩm nhập khẩu. Trong tâm thế ấy, tôi tìm đến nhà nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản (cũ) - TS. Tạ Quang Ngọc.

13

Ông Tạ Quang Ngọc kiểm tra tình hình tôm nuôi ở Hà Tiên (Kiên Giang). 

Tết Quý Mão này, TS. Tạ Quang Ngọc về hưu đúng 15 năm, nhưng ông là Bộ trưởng ở những thời điểm đặc biệt. Ông từng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII và khóa IX, làm Bộ trưởng, nếu tính đủ ngày tháng là 10 năm 8 tháng 19 ngày. Gọi là thời điểm đặc biệt, vì tôi còn nhớ, tại Đại hội VIII, Tổng Bí thư Đỗ Mười có nói một câu: “Con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ hơn”; đó là giai đoạn Việt Nam chính thức gia nhập WTO...

Quan trọng hơn, ngành thủy sản và cá nhân TS. Tạ Quang Ngọc, lúc ông nghỉ hưu, Bộ Thủy sản chấm dứt tư cách “thành viên Chính phủ”, sáp nhập vào Bộ NN-PTNT. TS. Tạ Quang Ngọc chia sẻ: “Phải thành thực mà nói rằng, trong tâm thức, với tôi đây là thời điểm khó khăn”, (Tạ Quang Ngọc: Lắng đọng và suy nghĩ, NXB Khoa học và Kỹ thuật năm 2020).

Từ nhà tôi đến tư gia TS. Tạ Quang Ngọc phải đi qua trụ sở Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội (Seaprodex). Bây giờ ngó vào, tòa nhà ở góc ngã tư Láng Hạ - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng này đã xập xệ, nhưng quãng 1992 - 2002, thật hoành tráng. Thời đó, “mấy anh” Seaprodex con, thành viên của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam, từ Bắc vào Nam đang là doanh nghiệp Nhà nước chủ đạo trên thị trường, ăn nên làm ra, mỡ màng. Thời ấy đã qua.

12

Ông Tạ Quang Ngọc kiểm tra cảng cá Cửa Sót (Hà Tĩnh).

Tạ Quang Ngọc mở cửa. Ông vẫn thế, bình dị trong đời sống; hiền triết, mô phạm ở phong thái, lời ăn tiếng nói; suy tư với ngành thủy sản dù nghỉ hưu đã lâu, đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Câu chuyện mà tôi mang đến, nhờ ông thấu giải là sự phát triển bền vững của ngành thủy sản, của nghề cá, ngoài biển khơi cũng như tôm cá nước ngọt. Ngôn ngữ thịnh hành, “đương đại” bây giờ là kinh tế xanh.

Theo dự báo, trên thế giới đến năm 2030 nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng 18% so với năm 2018, thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu vào năm 2030. Với nhu cầu tăng lên, cơ hội cho ngành thủy sản của Việt Nam cũng mở rộng hơn. “Đất nước còn nhiều dư địa phát triển thủy sản. Anh xem, đất nước nhiệt đới, lắm nắng, nhiều mưa, diện tích mặt nước, sông ngòi, biển cả như Việt Nam, mấy quốc gia có được”, TS. Tạ Quang Ngọc nhẹ nhàng, từng câu nói.

“Tuy nhiên, sự va đập với mục tiêu tăng trưởng các lĩnh vực khác như hệ thống các đập thủy điện đầu nguồn, đô thị hóa và mở mang công nghiệp ven biển, khai thác khoáng sản... đã và đang tạo nên những nguy cơ về cạn kiệt tài nguyên, về sự cố môi trường và đe dọa tới đa dạng sinh học”, TS. Tạ Quang Ngọc nói tiếp. Trong đầu óc tôi, ám ảnh những dòng sông “cạn kiệt” ở hạ lưu, nhiều dòng sông đang kêu cứu...

TS. Tạ Quang Ngọc kể cho tôi cặn kẽ về vòng đời sinh trưởng của con cá chình, con cá mòi, cả những loài thành quý hiếm như anh vũ... “Làm thủy điện, nước dâng lên, tức làm biến đổi nơi 'làm tổ' của cá anh vũ. Đường bơi của đàn cá mòi ngược dòng lên nguồn cũng đã ngắn lại... nên ngày càng ít đi, bé hơn”, ông tâm sự. Những điều này trong cân bằng vĩnh cửu, ít ai biết đến.

Có một lẽ phải là: “không thể tàn phá môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá, nhưng không thể nhịn đói nhìn môi trường trong sạch”. Cũng cùng quan điểm đó, giải quyết những vấn đề về môi trường và tài nguyên hài hoà với phát triển kinh tế, xuất phát từ lĩnh vực kinh tế và người sản xuất. Điều này đã có khuynh hướng quốc tế thông qua các chiến lược phát triển bền vững và các quy tắc ứng xử có trách nhiệm (trong nghề cá có sự cam kết thực hiện “Luật ứng xử nghề cá có trách nhiệm”). Nghề cá trách nhiệm phải có cơ cấu phù hợp trong mối tương tác với các ngành nghề sông biển khác.

Bây giờ quá trình nhận thức, chuyển đổi “xanh hóa” ngành thủy sản không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng mà còn là một cách bảo vệ môi trường sống, của con cá, con tôm, rộng ra của chính con người. “Chuyển đổi xanh trong ngành thủy sản có 3 mục tiêu cốt lõi, bao gồm: mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững; quản lý hiệu quả tất cả nghề cá; nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản”, ông nhận định.

15

Ông Tạ Quang Ngọc: Đã đến lúc phải làm nhiều việc vì sức khỏe của hệ sinh thái các dòng sông, hệ sinh thái biển Việt Nam.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của mọi “Tư lệnh ngành”, từ trước đến nay là xây dựng thể chế luật pháp, và chiến lược, quy hoạch ngành. Thời TS. Tạ Quang Ngọc làm Bộ trưởng, ông đã cùng tập thể lãnh đạo xây dựng Luật Thủy sản (năm 2003) thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, được Hội đồng Nhà nước (nay là Quốc hội) thông qua từ sau đổi mới (năm 1989).

Thời đó, nguồn lợi, tái tạo nguồn lợi, đất nuôi trồng, khai thác thủy sản, ngư trường... đã được luật định. “Bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tính đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Việc phát triển các lĩnh vực trong hoạt động thuỷ sản phải theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành thuỷ sản trong phạm vi cả nước và của từng địa phương”, đây là nguyên tắc đầu tiên của hoạt động thủy sản được luật hóa (Điều 4, Luật 2003).

Tính hợp lý và bền vững trong phát triển thủy sản là nguyên tắc đầu tiên được TS. Tạ Quang Ngọc theo đuổi, thời kỳ ông làm “Tư lệnh ngành”. Tất nhiên, sự “va đập” giữa lợi ích các ngành, như đã nói, làm cho tính bền vững đứng trước những thách thức. Ngành thủy sản, nếu tính cả lực lượng khuyến ngư, bảo vệ nguồn lợi trải rộng đến các địa phương cũng chỉ hơn 4.000 người, không phải có “nghìn tai, nghìn tay, nghìn mắt”, nếu chính quyền từ xã đến huyện - tức là cấp cơ sở không vào cuộc để lo bằng các công cụ luật pháp hiện hữu thì Bộ Thủy sản (trước đây), hiện nay là Bộ NN-PTNT cũng bất lực. Mấu chốt hơn, nếu người dân chưa có “văn hóa môi trường”, biết bảo vệ nguồn lợi từ nơi họ đang sống thì vấn đề bảo vệ môi trường cho ngành thủy sản vẫn chỉ dừng ở mức “khuyến nghị”.

Được biết, theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021) của Thủ tướng Chính phủ, là phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.

Từ hồi TS. Tạ Quang Ngọc làm Bộ trưởng, ông đã đau đáu với tái cơ cấu, kiểm soát nguy cơ và rủi ro với tầm nhìn dài hạn. “Đồng bằng sông Cửu Long về lâu dài đang hứng chịu những hậu quả của biến đổi khí hậu và rủi ro của nước đầu nguồn”, ông tâm sự.

Đúng vậy, lũ ít về liên quan đến phù sa, nguồn lợi thủy sản ít đi; mặn hóa... đang hiện hữu. Nhiều tỉnh ở “vựa lúa”, “vựa tôm cá” trong khu vực, với sự trợ giúp của nhiều tổ chức quốc tế như IBRD, WB... đang có những hành động cấp bách, gắn nuôi trồng thủy sản với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Ở tầm vĩ mô, ngày 29/7/2022,  Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã ký Quyết định số 911/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030. Theo đó, nhấn mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản; phấn đấu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học...

“Các dòng sông và lưu vực của nó đã và đang cho con người lúa, tôm cá. Người Việt Nam cổ từ sông ra biển, biển ngày càng có vị trí quan trọng trong kinh tế xã hội của mọi quốc gia, không chỉ của Việt Nam. Đã đến lúc phải làm nhiều việc vì sức khỏe của hệ sinh thái các dòng sông, hệ sinh thái biển Việt Nam”, TS. Tạ Quang Ngọc trầm ngâm.

Theo ông, với đất nước đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam, về quy hoạch tổng thể của quốc gia phải theo đuổi “chiến lược Tăng trưởng xanh” (Green). Trong cái màu xanh chung đó, lĩnh vực nghề cá có cái đặc thù và cần theo đuổi chủ trương đã được quốc tế hóa về tăng trưởng “xanh lam” (Blue Growthe Initiatives) như hai thập niên vừa qua và công cuộc Chuyển đổi xanh (Blue Transformation) hiện nay trong cộng đồng nghề cá thế giới nhằm đạt các mục tiêu bền vững đến năm 2030, bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển.

14

Ông Tạ Quang Ngọc hỏi chuyện bà con tại bến Cửa Tùng, Quảng Trị.

Thời còn tại vị, TS. Tạ Quang Ngọc luôn trăn trở với quan điểm ngư dân phải được hưởng thành quả xuất khẩu. “Khác với các ngành khác, cơ bản dựa vào nguyên liệu trong nước, chủ yếu do ngư dân và người nuôi trồng làm ra. Vì vậy họ phải được hưởng xứng đáng thành quả của xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu thật sự ý nghĩa nhiều hơn khi tiêu thụ được tốt hơn nguyên liệu từ lao động trong khai thác và nuôi trồng”, ông nêu quan điểm.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định, đặt con người ở vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người là động lực và mục tiêu của quá trình phát triển đất nước. Điều này không chỉ nằm trong chủ trương của Đảng và nhà nước ta mà còn là cam kết quốc tế của Việt Nam. Từng ngành, từng lĩnh vực biết “đặt con người vào vị trí trung tâm” trong chiến lược, quy hoạch, phát triển, có giải pháp khả thi nhất để không ai phải ở lại phía sau.

Ông Tạ Quang Ngọc từng làm nghề giáo, nên phong thái, lối sống của ông mô phạm. Cuộc đời ông trưởng thành, đắm đuối cùng ngành thủy sản. Ông từng “cơm nắm, muối vừng”, lặn lội với ngư dân trong mưa lũ, hoạn nạn, tôi hiểu ông không bao giờ hết suy tư, trăn trở. Là người sống nội tâm, ông luôn trăn trở với chiến lược về “con tôm, con cá”; luôn thấy còn có lỗi với ngư dân, nông dân. Với ông, họ là người làm nên thành tích Huân chương Sao Vàng của ngành thủy sản (năm 2007) và đang viết tiếp những chương mới của thời chuỗi giá trị toàn cầu.

Tôi tạm biệt TS. Tạ Quang Ngọc khi ngoài trời đã có dấu hiệu chuyển mùa. Xuân mới sắp đến...

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Chuyện ghi bên phá Tam Giang [Bài 3]: Những làng chài vắng bóng thanh niên

THỪA THIÊN - HUẾ Về những làng quê bên phá Tam Giang bây giờ, hầu như nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ. Hỏi mới biết rằng, thanh niên lớn lên đều tìm đường làm ăn xa.