| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Mạng nhà nông' góp phần giải quyết những bức xúc của ngành nông nghiệp

Thứ Bảy 21/10/2023 , 05:52 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, 'Mạng nhà nông' sẽ góp phần giải quyết những bức xúc của ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua những bức xúc của người nông dân.

Tri thức sẽ tạo ra giá trị thặng dư

Thưa Bộ trưởng, vì sao đặt tri thức hóa nông dân được xem như là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hiện nay?

Nền nông nghiệp truyền thống của chúng ta là nền nông nghiệp dựa trên kinh nghiệm, cha truyền con nối. Chúng ta chưa xem nông nghiệp là một nghề dù vẫn hay nói là nghề nông. Theo truyền thống, làm quen tay, quen việc chúng ta gọi đó là nghề. Tuy nhiên theo định nghĩa, nghề là phải có trí thức, phải được đào tạo, phải được huấn luyện.

Kinh nghiệm có thể phát triển được nhưng tiệm tiến rất thấp, trong khi đó tri thức là đồ thị tăng cao theo chiều đứng. Nền nông nghiệp muốn tiến nhanh hơn nữa, xa hơn nữa và thích ứng được với xu thế nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế tri thức không có cách nào khác đó là tri thức hóa nông dân, bởi nông dân là người quyết định đầu tiên của chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: 'Tri thức hóa nông dân để phù hợp với một nền nông nghiệp tri thức'. Ảnh: Nhật Quang.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: "Tri thức hóa nông dân để phù hợp với một nền nông nghiệp tri thức". Ảnh: Nhật Quang.

Nông dân là người gieo hạt lúa xuống đồng ruộng, đưa con giống vào chuồng, đưa con cá xuống ao… Như ông bà ta đã từng nói “đầu có xuôi đuôi mới lọt”, ngay từ đầu vào chuỗi ngành hàng mà đảm bảo chuyên nghiệp, chuẩn hóa sẽ là tiền đề để chuỗi ngành hàng phía sau, từ thu hoạch, sau thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói đi theo. Nếu đầu vào chi phí cao, chuỗi ngành hàng chi phí sẽ cao. Nếu đầu vào chi phí thấp, chuỗi ngành hàng sẽ thấp theo. Nếu đầu vào chất lượng, chuỗi nông sản đó sẽ chất lượng theo.

Sự cạnh tranh hiện nay dựa vào chi phí và chất lượng. Ví dụ chúng ta làm ra được một loại xoài nhưng nếu chi phí cao, chất lượng kém sẽ không thể cạnh tranh được với những quốc gia xuất khẩu xoài có chi phí thấp hơn, giá bán thấp hơn, chất lượng lại cao hơn, chiếm được niềm tin của thị trường. Thành ra nếu chúng ta thay đổi được đầu vào thì sẽ thay đổi được ngành hàng, tăng lợi thế cạnh tranh hơn.

Trong rất nhiều nghị quyết, báo cáo của ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, sức cạnh tranh của chúng ta không cao và đầy rủi ro. Như vậy thì đầu chuỗi ngành hàng đó chính là người nông dân.

Bài liên quan

Tri thức hóa người nông dân, hướng đến người nông dân chuyên nghiệp là một mệnh lệnh không chỉ riêng cho người nông dân mà còn cho cả chuỗi ngành hàng.

Tôi đọc một tài liệu khuyến nông ở nước ngoài có nói, muốn thay đổi một nông trại trước hết hãy thay đổi người nông dân, họ chính là người quyết định nông trại đó. Xưa giờ chúng ta tập trung cho một ngành, một nghề nhưng ít quan tâm cho con người. Con người ở đây chính là nông dân, hàng chục triệu hộ nông dân, bao nhiêu người sản xuất theo kinh nghiệm, bao nhiêu người sản xuất tiếp cận được xu thế tri thức để tăng hàm lượng khoa học công nghệ trên nông sản của mình. Đó là nền kinh tế tri thức.

Tri thức hóa nông dân để phù hợp với một nền nông nghiệp tri thức. Chính tri thức sẽ tạo ra giá trị thặng dư, lợi thế cạnh tranh và giúp người nông dân có tầm nhìn rộng hơn chu vi miếng đất của mình để bà con hiểu được thế giới đang vận động thế nào, nhu cầu thế giới đang thay đổi ra sao và đâu là trách nhiệm của người sản xuất.

Tri thức còn mua cách tạo ra sản phẩm đó. Người ta không chỉ mua hạt lúa, trái xoài hay con cá nữa mà sẽ quan tâm nhiều hơn đến cách làm sao có được sản phẩm đó, có tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, có phát triển bền vững, có làm suy thoái đất đai hay không.

Ngày nay người ta không chỉ mua một sản phẩm đơn thuần mà người ta mua cách tạo ra sản phẩm đó. Do đó không tri thức hóa nông dân thì nông dân cứ mãi nghĩ rằng tại sao chúng tôi là những người “chân lấm tay bùn”, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà thu nhập luôn thấp, nông sản làm ra cố gắng đạt chất lượng cao nhất nhưng vẫn không được mua với giá cao. Để bà con nông dân hiểu rằng một phần cũng chính là do mình. Chúng ta không thể trách bà con nông dân mà phải trách cả bộ máy, phải nhìn lại người nông dân, lấy họ làm chủ thể trong quá trình cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng một nền nông nghiệp phát triển minh bạch, bền vững cho chính sức khỏe của người nông dân.

Tri thức hóa nông dân, tri thức là sự hiểu biết, đơn giản vậy thôi, đừng nói quá hàn lâm để bà con sợ hãi. Các chuyên gia cũng đừng mong muốn những điều lớn lao quá. Hiểu biết là một quá trình, hôm nay chúng ta cung cấp sự hiểu biết này, ngày mai cung cấp hiểu biết khác cho bà con, quá trình đó thấm dần thấm dần. Đòi hỏi muốn chuyển đổi nông nghiệp phải chuyển đổi người nông dân theo hướng trí thức hóa nông dân, mục tiêu trí thức hóa nông dân là vậy.

Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh chuyển đổi số

Trong cuộc họp gần đây, Bộ trưởng đã nói chuyển đổi số là công cuộc thay đổi tư duy, các đơn vị không được sợ hãi. Vì sao vậy, thưa Bộ trưởng?

Nếu giải thích thì phải nói từ người nông dân. Bà con đối mặt hàng ngày với việc canh tác không có quy chuẩn nào, đa phần thấy người khác làm thì làm theo, thấy sầu riêng lên giá thì đốn cây điều để trồng sầu riêng… Như vậy thấy rằng còn có một khoảng trống rất lớn giữa thông tin, tri thức, kiến thức, quy chuẩn giữa chúng ta đến với người nông dân.

Ngày nay người ta không chỉ mua một sản phẩm đơn thuần mà người ta mua cách tạo ra sản phẩm đó. Ảnh: TL.

Ngày nay người ta không chỉ mua một sản phẩm đơn thuần mà người ta mua cách tạo ra sản phẩm đó. Ảnh: TL.

Thi thoảng có nông dân gọi điện hỏi tôi, hiện có quá nhiều đại lý vật tư phân bón, sinh học nên không biết cái nào là thật, giả, vàng, thau, cái nào được nhà nước chứng nhận. Ai cũng nói sản phẩm của mình là tốt nhất nên không biết lựa chọn thế nào. Rồi thì giá cả không biết đã hợp lý chưa. Thành ra chúng ta phải cảm nhận được những bức bối, nhu cầu có thật của bà con và cũng chính là của ngành nông nghiệp.

Như vậy chuyển đổi số đầu tiên là để làm sao minh bạch được điều này. Qua công cụ số bà con có thể tiếp cận được bất kỳ lúc nào, dù là ban ngày hay ban đêm, cần một thông tin để đỡ rủi ro hơn. Để làm được điều đó cần một người, một cơ quan nào trả lời được cho bà con về giá cả, dịch bệnh, đầu vào, đầu ra… Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của chuyển đổi số. Người ta chỉ cần tham gia vào một mạng nào đó được nhà nước chứng nhận an toàn về mặt thông tin, dữ liệu… thì ngay lập tức sẽ có các nhà khoa học, tổ khuyến nông… trả lời những thắc mắc đó.

Chuyển đổi số bắt đầu từ người nông dân. Khi tích hợp nhiều người nông dân ra một ngành hàng, tích hợp ngành hàng sẽ phục cho công tác lãnh đạo điều hành của ngành nông nghiệp xã, huyện, tỉnh, tích hợp cho cả ngành hàng dưới sự điều hành của Bộ NN-PTNT. Chúng ta đừng nghĩ là áp từ trên xuống dưới mà phải lấy từ đơn vị gốc, tế bào là chuỗi đầu vào của người nông dân để nâng dần mục tiêu chuyển đổi số.

Chúng ta cũng đừng sợ hãi, hãy làm rồi tiếp tục tích hợp bởi vì dữ liệu mở, chứ không phải khép kín. Chúng ta đừng quá cầu toàn, nghĩ điều gì đó quá lớn, mà hãy đơn giản lại để trước tiên phù hợp với người nông dân, thậm chí là phù hợp với ngay cả chúng ta.

Chúng ta cần biết mục tiêu rõ ràng bởi nếu không sẽ thấy nó rối rắm, không có động lực. Mục tiêu là giúp cho người nông dân. Chuyển đổi số không phải là cho chúng ta, mà trước tiên là cho người nông dân, từ đó mới gắn với chuỗi ngành hàng, với doanh nghiệp. Dữ liệu nông dân, dữ liệu doanh nghiệp có thể sẽ tích hợp thành một ngành hàng. Tri thức hóa nông dân hay chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp phải đi theo hướng đó.

Hãy nhắm mắt lại, thấy được rủi ro, bức xúc của người nông dân thì cần phải hành động. Có như vậy công cuộc chuyển đổi số mới quyết liệt được. Càng chậm thì rủi ro càng nhiều cho bà con nông dân, cũng chính là rủi ro đến hình ảnh nền nông nghiệp nước nhà, như vậy thương hiệu nông sản Việt Nam sẽ xa dần.

Mạng nhà nông là tư duy mở

Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), Công ty Cổ phần Thế giới công nghệ phần mềm (Worldsoft) và Báo Nông nghiệp Việt Nam cho ra mắt Mạng nhà nông vào ngày 21/10. Bộ trưởng kỳ vọng gì ở nền tảng này, đồng thời gửi gắm những thông điệp gì tới những người sáng lập, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân?

Mạng nhà nông là tư duy mở của chúng ta. Đối với ngành nông nghiệp và hàng chục triệu nông dân, không ai đủ sức đứng ra tự lo hết được. Bộ NN-PTNT cũng chỉ có chừng đó nhân lực mà xã hội thì mênh mông. Có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã và sẽ góp sức với chúng ta vì trách nhiệm chung với nền nông nghiệp của đất nước, với nông dân nước nhà. Mạng nhà nông là một minh chứng cho điều này.

Nền tảng Mạng nhà nông tạo ra không gian chia sẻ và kết nối giữa nông dân và chuyên gia, lên kế hoạch dự báo năng suất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng hiệu quả. Ảnh: TL.

Nền tảng Mạng nhà nông tạo ra không gian chia sẻ và kết nối giữa nông dân và chuyên gia, lên kế hoạch dự báo năng suất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng hiệu quả. Ảnh: TL.

Thời gian đầu có thể chưa được hoàn thiện nhưng không được quyền từ chối, mà phải cảm ơn, cùng những tổ chức, doanh nghiệp làm tốt hơn. Muốn làm được như vậy phải thoát khỏi tư duy nhà nước làm tất cả, không ai qua nhà nước được. Đó là tư duy của người thất bại. Tư duy thành công là phải kết hợp, kết lại những gì xã hội đang làm để chúng ta cùng nhau làm tốt hơn.

Mạng nhà nông sẽ góp phần giải quyết những bức xúc của ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua những bức xúc của người nông dân. Đừng để bà con bơ vơ trên “ốc đảo” của mình. Rõ ràng giữa một người và sự kết nối của một mạng kết nối, giá trị là khác nhau.

Tôi cũng rất háo hức và phấn khích khi lần đầu tiên có một sự kiện chỉ có ba chữ “Mạng nhà nông”, nhưng lại đầy cảm xúc, hướng đến một mục tiêu, một giá trị lan tỏa rất lớn. Hãy cùng nhìn vào giá trị cốt lõi chung để vun vén cho mạng lưới ngày càng tốt hơn, hữu dụng hơn, đến được với nhiều người nông dân hơn.

Tôi gửi lời chúc và lời cảm ơn đến những người sáng lập Mạng nhà nông, những cá nhân, tổ chức đã có một thái độ và hành động trách nhiệm với vận mệnh của nền nông nghiệp nước nhà và sự phát triển của tri thức hóa nông dân.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Sáng 21/10, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), Công ty Cổ phần Thế giới công nghệ phần mềm (Worldsoft) và Báo Nông nghiệp Việt Nam ra mắt nền tảng Mạng nhà nông. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong công tác chuyển đổi số của ngành nông nghiệp.

Nền tảng này là môi trường số, có đầy đủ tính năng của một “mạng xã hội” và được tích hợp nhiều công cụ như: Dự kiến sản lượng/dịch vụ, nhật ký công việc, kết nối các tổ chức tín dụng, giá bán/tỷ suất % lợi nhuận, tính toán chi phí đầu vào.

Khác với một số ứng dụng hướng đến bà con nông dân hiện có trên thị trường chủ yếu tập trung vào giải quyết một khâu, công đoạn hoặc một vấn đề của nông dân. Nền tảng Mạng nhà nông tạo ra không gian chia sẻ và kết nối giữa nông dân và chuyên gia, lên kế hoạch dự báo năng suất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng hiệu quả.

Giải pháp này được kỳ vọng giúp các hợp tác xã, nông dân, trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp quản trị hiệu quả, nắm bắt kiến thức khoa học kịp thời, tối ưu nguồn nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt giúp bà con nông dân chủ động trong mua - bán, lập và theo dõi kế hoạch sản xuất, tài chính.

(thực hiện)

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.