Trong tác phẩm "Studies in Vietnamese (Annamese) Grammar" (1951) của tác giả người Mĩ là Murray Barnson Emeneau đã cho rằng: từ quấc (kṷâk), được viết thiếu qui tắc thành quốc; nó là một danh từ nghĩa là “quốc gia, đất nước, tổ quốc”. Ví dụ trong một số từ như kṷâk ŋữ (phát âm: quốc ngữ). Từ quấc được viết sai thành quốc, và bản thân từ quốc cũng bị phát âm sai thành như “cuốc”.
Vấn đề mà Murray Barnson Emeneau đặt ra hoàn toàn là có cơ sở bởi vì về mặt phát âm, theo PGS.TS Hoàng Dũng chữ “quốc” sẽ được đọc là Quờ+ ốc, đằng này từ “quốc” đang được phát âm giống với từ “cuốc”. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, những bằng chứng xác thực ở thế kỉ 19, 20, cha ông ta đã dùng từ quấc rất chính xác thay cho quốc như hiện nay, có một số bằng chứng mà chúng ta sẽ xem xét dưới đây.
Bà Huyện Thanh Quan (1805 - 1848) có hai câu thơ được dịch từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ trong bài thơ "Qua Đèo Ngang" như sau:
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Nhiều người sẽ thắc về hai cụm từ “quốc quốc” và “gia gia” ở trên, thực tế tác giả đã nói tới hai loài chim có tiếng kêu rất nổi bật ở các vùng đồi núi và bán sơn địa miền Trung cũng như Bắc Trung bộ, như một số loài chim khác như tu hú, bìm bịp, cu gáy, chào mào, chích chòe. Đó là chim quấc quấc và chim đa đa.
Quấc quấc (từ Nghệ Tĩnh) hay gà nước (gọi là gà nước để phân biệt với gà rừng, gà nhà) hoặc chim quấc, hoặc chim quốc hoặc đỗ quyên là tên một loài chim nhỏ, màu đen. Loài chim này có đặc tính rất nhanh nhẹn do có đôi chân khá dài, thường kiếm ăn ở các vùng có nước, do vậy dân địa phương cũng gọi là gà nước và thường dùng bẫy cò ke để bẫy chúng.
Ở quê người viết là Thanh Chương (Nghệ An), buổi chiều tối chúng thường kéo nhau từ nơi trú ẩn ra đồng lúa hoặc suối kiếm ăn, và kêu “quấc, quấc” đúng theo phát âm từ “quấc”. Do trong chiều tối muộn hay xẩm tối, yên tĩnh, tiếng kêu quấc quấc của loài chim tác động với tâm lý con người, khiến cho người ta cảm thấy buồn buồn, cô đơn.
Như vậy ở vùng Nghệ Tĩnh họ gọi chim cuốc là chim quấc quấc và việc Bà Huyện Thanh Quan dùng từ con quốc quốc (đáng lẽ là con quấc quấc) vốn đã bị dịch sai trong bài thơ "Qua Đèo Ngang" là hợp với thực tiễn.
Điều này khiến cho một số chuyên gia ngôn ngữ học, có thể có một số hạn chế về việc tìm hiểu tên loài chim này ở một số địa phương đã lý giải rằng “Quấc: Là cách đọc trong Nam bộ” bằng cách viện dẫn cuốn sách “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) của Huỳnh Tịnh Của.
Hình ảnh chim quấc cũng xuất hiện trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du viết rằng:
Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.
Theo chú giải của Trương Vĩnh Ký (bản "Ttruyện Kiều" năm 1911), “quyên là con quấc (đỗ quyên, đỗ vũ, tử qui, vọng đế), con quấc kêu thì đã qua mùa thu”.
Một vài tài liệu nữa để chứng minh rằng, từ quấc được dùng thay cho từ quốc vào thế kỉ 20 là thẻ căn cước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris (Pháp) năm 1919 và bản "Yêu sách của nhân dân An Nam". Thẻ căn cước ghi nguyên văn là Nguyen Ai Quâc chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc và bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" cũng được ký nguyên văn là NGUYÊN AI QUÂC.
Chúng ta có thể tóm tắt như sau, ở Nghệ Tĩnh chim quấc (quốc, đỗ quyên) được người dân bản địa gọi là chim quấc quấc. Trong quá khứ, vào thế kỉ 19, 20, các tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ nổi bật như "Đại Nam quấc âm tự vị" đã dùng từ quấc; các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) vào khoảng năm 1919 cũng dùng từ quấc thay cho quốc.
Như vậy, có thể kết luận rằng từ từ gốc là quấc được viết thành quốc hiện nay được dùng là một từ sai chính tả, nghĩa là sai cả mặt từ vựng và sai cả phát âm, nhưng nó được số đông hiểu đúng về nghĩa của nó.
Chúng ta cũng có thể đoán định rằng, nguyên nhân đời sau dùng từ quốc và phát âm như cuốc là do sự khó khăn trong việc phát âm từ quấc. Và để phân biệt với từ cuốc (như trong cái cuốc), người ta đã dùng “qu” thay cho “c” trong chữ quốc với ý nghĩa là quốc gia, đất nước, mang tính chất trang trọng hơn.
Sai lầm này có lẽ vĩnh viễn tồn tại trong ngữ pháp tiếng Việt khi mà từ “quốc” đã được toàn bộ người dân chấp nhận và được dùng rộng rãi, từ các văn bản cấp quốc gia cho tới ngôn ngữ trao đổi hàng ngày.
-------------
Tư liệu tham khảo:
Studies in Vietnamese (Annamese) Grammar (1951), tác giả Murray Barnson Emeneau, trang 30.
Đại Nam quấc âm tự vị, tr 237,1895.
Truyện Kiều, tác giả Nguyễn Du, bản dịch của Trương Vĩnh Ký, tr 97,1911.
https://afamily.vn/chuyen-gia-hang-dau-ve-ngon-ngu-hoc-noi-gi-ve-cach-danh-van-gay-tranh-cai-20180910215146505.chn
https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/hanh-trinh-tu-nguoi-tim-duong-den-nguoi-dan-duong-cua-nguyen-ai-quoc-ho-chi-minh/212817.htm