Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Nhà máy tơ cứu cả vùng nguyên liệu

Dương Đình Tường - Thứ Ba, 28/05/2024 , 06:30 (GMT+7)

Thấy nhà máy rộng thênh thang, những dây chuyền ươm tơ tự động chỉ có ít người mà vẫn vận hành tốt, tôi mê mải chọn góc chụp ảnh đến khi ngã oạch một cái.

Một công nhân trong dây chuyền ươm tơ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có nhà máy làm bà đỡ

Khi nghe tôi kể lại chuyện đó, anh Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Dâu tằm tơ Yên Bái cười, bảo toàn bộ đường đi lối lại trong nhà máy đã lát gạch chống trơn nhưng chỗ tôi vừa đứng chụp ảnh đó lại đúng địa điểm người công nhân vừa vớt kén lên, nước nhớt còn nhỏ ròng ròng, chưa kịp lau.

Mấy năm trước, khi lập đoàn khảo sát ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái anh thấy nơi đây diện tích trồng dâu nhiều, sản lượng lớn, đủ điều kiện nguyên liệu nên mới quyết định khởi công nhà máy ở xã Báo Đáp có tổng diện tích 2,2ha với mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng.

Đầu năm 2023 nhà máy chính thức đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho 80 lao động. Giai đoạn 1 gồm phân xưởng thứ nhất rộng 4.000m2 thiết kế 6 dây chuyền ươm tơ tự động nhưng hiện mới lắp 4 cái, sang tuần sẽ lắp thêm 2 cái nữa. Tiếp theo nữa là san nốt quả đồi để xây dựng phân xưởng thứ hai, nâng tổng công suất lên 300 tấn tơ/năm.

Hiện tại, cả huyện Trấn Yên mới có khoảng 1.000ha dâu, nếu chạy hết công suất của nhà máy ở giai đoạn hai phải cần 6.000 ha dâu nên bà con có thể yên tâm phát triển. Còn trên phạm vi toàn quốc, trong Lâm Đồng công ty anh đã có 2 nhà máy ươm tơ, tới đây xây dựng thêm 1 nhà máy ở Gia Lai nữa.

Các nhà máy đó không chỉ tiêu thụ kén, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, mà còn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân cách nuôi tằm, kết nối các đơn vị cung ứng giống, vật tư để tăng năng suất, chất lượng.

Tôi hỏi tại sao trước đây các nhà máy ươm tơ của Việt Nam hầu hết đã phá sản mà giờ công ty vẫn quyết định đầu tư vào, anh Trường giải thích: Các nhà máy trước đây có hai lý do chính để thất bại, thứ nhất là công nghệ lạc hậu dẫn đến sợi tơ không chất lượng, khó xuất khẩu sang các thị trường cao cấp mà chỉ xuất được sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan. Ngoài ra, d cung cách quản lý của nhà nước với nhiều phòng ban, hiệu quả không cao, khác hẳn với cách quản lý của tư nhân bây giờ.

Mỗi dây chuyền ươm tơ có 10 lao động, tự động từ ngay khâu đầu tiên là rũ mối, tiếp kén, đo kích thước sợi tơ. Cứ hình dung sợi tơ giống như một sợi dây, nếu như đoạn to đoạn nhỏ không đẹp, chất lượng không tốt mà phải đều tăm tắp.

Giờ sợi tơ nếu to quá thì máy sẽ tự động ngắt đứt để người công nhân đến nối, còn sợi tơ bé quá thì máy sẽ tự động bù thêm vào. Mỗi dây chuyền như thế làm ra được 4 tạ tơ mỗi ngày trong khi trước đây, mỗi dây chuyền ươm tơ cơ khí có 20 lao động nhưng sản lượng chỉ ra được 2 tạ tơ mỗi ngày.

Mùa này nhà máy đang tiêu thụ kén trắng với giá thu mua ở mức 190.000đ/kg, sắp tới sẽ là mùa của kén vàng. Trung bình 7 tấn kén thì sản xuất ra được 1 tấn tơ. Hiện, công ty sản xuất được trung bình 120 tấn tơ/năm, xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản với giá 70 USD/kg, tương đương hơn 1,7 triệu đồng/kg.

Những sợi tơ sắp ra lò. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Thị trường may mặc thế giới bây giờ người ta rất quan tâm đến những sản phẩm thân thiện môi trường, mà tơ tằm hoàn toàn tự nhiên rồi, cái lá dâu để nuôi tằm cũng không phải dùng đến thuốc BVTV. Để nâng cao giá trị, theo định hướng của công ty, sang năm 2030 chúng tôi sẽ tạo ra được sản phẩm cuối cùng ngay tại đây chứ không chỉ xuất thô tơ như hiện tại”, anh Trường ấp ủ.

Tương lai của dâu tằm tơ Việt Nam

Huyện Trấn Yên có 15 HTX dâu tằm, đã bước đầu hình thành chuỗi giá trị gắn kết giữa nông dân với nhà máy ươm tơ, giúp cho không ít người đổi đời. 

Ở bản Chiềng của xã Hồng Ca không ai không biết đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Nguyễn Thị Chanh. Bà có bốn đứa con, khi chúng trưởng thành những tưởng bà đã được nghỉ ngơi lúc tuổi già thì không may một người mất sớm để lại hai đứa cháu nhỏ.

Thương cảnh con dâu góa bụa phải tất tả đêm ngày, bà phụ đỡ xin nhận một cháu về nuôi. 3 sào ruộng nước chẳng đủ lúa để đủ sống cho mấy miệng người, không quản tuổi già bà ngày ngày đi làm thuê cho các xưởng gỗ bóc, kiếm ít đồng bạc lẻ về nuôi cháu ăn học.

6 năm về trước khi nghề trồng dâu nuôi tằm được truyền về Hồng Ca, bà cũng hăng hái tham gia cùng với mọi người. Thủa ban đầu ấy, do non kinh nghiệm nên nuôi tằm cứ bị dịch bệnh luôn, mọi người chán nản bỏ dần, diện tích dâu chỉ co lại còn có 13ha, bà vẫn kiên trì bám nghề.

Gần đây, cùng với sự du nhập của kỹ thuật nuôi mới, dụng cụ nuôi mới do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương và cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, chuyển giao, nghề nuôi tằm của xã đã được vực dậy, diện tích trồng dâu mở rộng lên tới gần 30ha.

Thu hoạch kén trong né gỗ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 2022 bà Chanh được vay vốn hộ nghèo để trồng 1ha dâu và dựng lên một nhà nuôi tằm có diện tích 150m2. Vợ chồng bà bảo ban nhau chăm sóc đúng kỹ thuật và chịu khó làm ăn nên vụ tằm năm 2023 đã lãi được 66 triệu đồng, vụ tằm năm nay mới được ba bốn lứa đã lãi được hơn 30 triệu đ. Bởi thế họ đã quyết định làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường phần vốn vay ưu đãi cho những hộ khác hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình.

Theo tính toán, cứ 1ha trồng dâu nuôi tằm sẽ cho thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng/năm, cao hơn từ 2-3 lần so với việc trồng các loại hoa màu khác. Đó là mới chỉ sản xuất đơn giá trị.

Theo ông Sohn KeeWook chuyên gia dâu tằm của Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) thì ở Hàn Quốc sản xuất dâu tằm hiện nay không mở rộng quy mô diện tích mà đi sâu vào chất lượng, sản xuất theo hướng đa giá trị.

Không giống như Việt Nam vừa nghiên cứu vừa sản xuất thì Hàn Quốc hệ thống nghiên cứu lại tách bạch hẳn với hệ thống sản xuất riêng. Ngoài sản phẩm chính là tơ còn tạo ra những sản phẩm phụ như mỹ phẩm gồm kem dưỡng da, kem đánh răng, xà phòng, cùng các sản phẩm y tế như màng nhĩ, xương nhân tạo, chỉ khâu tự tiêu…

Ông Sohn KeeWook chuyên gia của KOPIA đang kiểm tra tằm nuôi trên giá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong mối quan hệ với Việt Nam, Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất giống tằm và các sản phẩm chuyên sâu từ tơ tằm. Hiện, giống tằm trắng mà Việt Nam nuôi hơn 90% có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc.

Bởi thế, 3 năm trước, KOPIA Việt Nam bắt đầu thực hiện dự án sản xuất giống tằm tại chỗ và trong thời gian từ năm 2024-2028 sẽ xây dựng hệ thống trại sản xuất trứng. Khi chất lượng trứng tằm được nâng cao, Việt Nam không chỉ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nội địa của mình mà còn có thể xuất khẩu ngược sang Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trong một dịp gần đây làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, ông Chang An Cheol- Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) cho biết, trong số 23 trung tâm KOPIA trên toàn thế giới, ông tin tưởng KOPIA Việt Nam sẽ là trung tâm thích hợp để tăng quy mô về nhân lực, ngân sách, trở thành một đầu mối chuyển giao, phổ biến kỹ thuật nông nghiệp hiện đại sang các nước ở khu vực châu Á.

Riêng về lĩnh vực dâu tằm tơ mục tiêu trên hoàn toàn là điều có thể khi Việt Nam thành lập trung tâm đào tạo về ngành dâu tằm tơ và mời các quốc gia lân cận đến để tập huấn, và góp phần vào sự phát triển của ngành dâu tằm tơ khu vực châu Á nói riêng, thế giới nói chung.

Dương Đình Tường
Tin khác
Tập huấn chuyển đổi phương thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Tập huấn chuyển đổi phương thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Tiền Giang Cục Bảo vệ thực vật xem xét trình Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam các loại thuốc an toàn với sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái, an toàn với nông sản.

Khởi động mô hình nông nghiệp tuần hoàn thứ 2 do IRRI hỗ trợ
Khởi động mô hình nông nghiệp tuần hoàn thứ 2 do IRRI hỗ trợ

Mô hình kinh tế kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm được Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) hỗ trợ tại HTX Tiến Thuận thuộc xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Nâng tầm trải nghiệm du lịch ẩm thực bằng các thực hành tốt
Nâng tầm trải nghiệm du lịch ẩm thực bằng các thực hành tốt

Là điểm du lịch nổi tiếng, Thừa Thiên Huế rất chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm bởi ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe khách hàng và ấn tượng về chất lượng dịch vụ.

Thịt lợn an toàn hơn từ những can thiệp đơn giản
Thịt lợn an toàn hơn từ những can thiệp đơn giản

Sử dụng bề mặt, dụng cụ sạch sẽ; phân tách thịt, nội tạng, thực phẩm sống, chín; vệ sinh và sát trùng tay thường xuyên… sẽ giảm đáng kể nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Châu chấu tre lưng vàng: Cảnh báo phát sinh gây hại và biện pháp phòng trừ
Châu chấu tre lưng vàng: Cảnh báo phát sinh gây hại và biện pháp phòng trừ1

Đến 30/5/2024, tổng diện tích các ổ dịch châu chấu tre lưng vàng là 642 ha, trong đó Cao Bằng 517 ha, Điện Biên 0,5 ha, Sơn La 10 ha, Bắc Kạn 63 ha.

Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Trồng 3 mẫu dâu vẫn có thời gian đánh bóng chuyền
Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Trồng 3 mẫu dâu vẫn có thời gian đánh bóng chuyền

Đôi bàn tay chị Trần Thị Yến rắc dâu vào các giá tằm khổng lồ dài 5m, rộng 1,5m cũng nhanh như những cú đánh bóng chuyền của chị trong đội tuyển địa phương.

Lão nông Chín Hóa tiếp tục tạo thành công giống măng cụt hạt lép
Lão nông Chín Hóa tiếp tục tạo thành công giống măng cụt hạt lép

Ông Chín Hóa, ‘cha đẻ’ của giống sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa vừa công bố chọn tạo thành công giống măng cụt hạt lép với những đặc tính ưu việt.

Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Thăm nhà nuôi tằm kiểu mẫu
Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Thăm nhà nuôi tằm kiểu mẫu

Phải đợi mấy tháng, khi mùa đông kết thúc cái hẹn của tôi với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương mới thành bởi đó cũng là vào mùa tằm.

Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Thoái lui khỏi đồng bằng
Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Thoái lui khỏi đồng bằng

Tổng kết mô hình nuôi tằm trên nền nhà thành công, trong 3 xã chỉ có Việt Thành (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) là duy trì và phát triển mạnh như ngày nay.

Kem đánh răng, xà phòng, chỉ phẫu thuật, xương nhân tạo từ tơ tằm
Kem đánh răng, xà phòng, chỉ phẫu thuật, xương nhân tạo từ tơ tằm1

Tôi sinh ra, lớn lên ở một trại tằm nhưng vẫn hết sức ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được đánh răng bằng thứ kem chế từ tơ tằm, mềm, mượt như lụa ấy.

5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.