Tản văn Phan Thị Hà Dương: Đêm sa mạc

Phan Thị Hà Dương - Thứ Ba, 13/12/2022 , 13:11 (GMT+7)

Maroc - đất nước kỳ bí của những dãy Atlas và của sa mạc Sahara. Sahara đã cho tôi một đêm cổ tích, như những ngày bé thơ đọc Nghìn lẻ một đêm.

 

Phó giáo sư Phan Thị Hà Dương học Đại học tổng hợp Toán đến hết năm thứ ba thì sang Pháp. Chị làm tiến sĩ Toán - tin và làm maitre de conférences tại Paris 7 năm 26 tuổi. Năm 2005 chị về nước công tác tại Viện Toán học. Phan Thị Hà Dương là con gái cố giáo sư Phan Đình Diệu, nhà toán học, nhà khoa học máy tính nổi tiếng của Việt Nam.

Đêm trên sa mạc Sahara lạnh buốt, cái lạnh đến bất ngờ không hẹn trước. Chỉ cần tia nắng cuối cùng của hoàng hôn tan trong mịt mùng cát là cái nóng gắt gao của buổi chiều cũng thoắt bay đi.

Tôi nằm trong lều trên sa mạc. Dưới lưng tôi là tấm thảm rộng của cả lều, một lớp thảm dạ làm giường, một lớp chăn len. Trên ngực tôi hai lớp chăn len dày. Nhưng vẫn lạnh. Như thể một bàn tay buốt giá đang bóp nghẹt tim tôi.

Đêm ở sa mạc Sahara.

Đêm ở sa mạc Sahara.

Trằn trọc mãi không biết làm sao trốn chạy cái lạnh, tôi vùng dậy, khẽ khàng bước qua hai cái giường bên cạnh - họ đi thành đôi nên hẳn là ấm lắm, rồi vén cửa lều ra ngoài.

Cái lạnh một lần nữa ùa kín mặt tôi, nhưng mang trong mình hơi giá rét rượi mát của thiên nhiên của một đêm đầy sao lấp lánh.

Đằng kia sáng lên một đốm lửa, tôi tiến lại. Hóa ra một nhóm người đang ngồi bên nhau đốt lửa sưởi ấm trong đêm.

Tôi ngồi xuống một cây gỗ rộng, hơ đôi bàn tay cóng trên lửa nóng, cảm nhận hơi ấm lan dần lan dần qua da, qua thịt, vào đến tim mình.

Mọi người đang hát, có cô gái ngả đầu vào bạn trai, có người đàn ông trầm ngâm hút thuốc, có nhóm bạn tựa lưng vào nhau...

Chàng trai Berber dạy chơi trống.

Chàng trai Berber dạy chơi trống.

Thế rồi mắt lim dim người đung đưa như say tự lúc nào tất cả im lặng lắng nghe một chàng thanh niên kể chuyện. Khuôn mặt trong trẻo và đôi mắt sâu thăm thẳm xa xôi. Chàng trai làm tôi nhớ đến vẻ đẹp của Nốt ruồi trong Nghìn lẻ một đêm, và cũng làm tôi ngờ ngợ như đã gặp. Ô tôi nhận ra rồi, cái ánh mắt này đã mở tròn hoảng hốt trong hoàng hôn trên đồi cát. Ô chính là cậu đấy ư, người đã làm tấm áo dài xanh của tôi bị xẻ làm đôi. Chiều nay khi chạy theo tôi vì sợ tôi sẽ lăn không dừng trên đồi cát - ừ tôi đúng là điên thật mặc áo dài và nằm trên đỉnh đồi lăn xuống với vận tốc ngày càng tăng đến chóng mặt quay cuồng - cậu đã vô tình chạm vào vạt áo tôi, trong cái đà lăn nhanh vút ấy tôi nghe tiếng xé tan tác xát vào lòng. Và vậy là Sahara đã lấy mất của tôi tà áo xanh.

Bây giờ trong khi tôi nhâm nhi một ly vang nóng trong ánh lửa bập bùng này ly vang như những đêm Noel trên tuyết của dãy Alps năm xưa, thì Nốt ruồi đang kể chuyện cổ tích, chuyện về những hạt cát bay đến từ phương nào, về những đoàn người Berber bóc hạt argan trên sa mạc, trong hơi ngà say tôi thấy lướt qua mắt mình những dãy núi hùng vĩ dữ dội pha màu đen và đỏ không một bóng cây xanh, những làng mạc xác xơ lơ thơ vài nóc nhà tường đỏ, những vầng trán đàn ông khắc khổ, những đôi mắt phụ nữ buồn rầu, những gương mặt trẻ thơ ngơ ngác.

Hoàng hôn trên sa mạc Sahara.

Hoàng hôn trên sa mạc Sahara.

Những câu chuyện của cậu trong đêm nay cũng làm tôi nhớ đến người đàn bà trong phim Xa mãi Phi châu ngồi bên đống lửa và kể chuyện cổ tích, cứ mỗi người nói một câu thôi và cô sẽ bắt đầu chuyện cổ tích từ câu nói đó.

Rồi Nốt ruồi đố những câu đố như trong Edop, như những người đàn bà huyền bí của thành Bagdad từng đố. Ai cũng đoán, những câu đoán và gợi ý đưa chúng tôi gần nhau hơn trong những hình dung những tưởng tượng mơ hồ hư ảo.

Lạ lùng thay đầu óc tôi bỗng nhạy cảm khác thường, tôi đoán ra rất nhiều câu đố.

Và tôi cũng đố, tôi đố một câu mà ngày xưa cậu Văn Như Cương đã đố bọn tôi:

- Có một lần làng quê mất điện, bầu trời mùa thu không có trăng sao, một người đàn ông lái chiếc ô tô cũ kỹ đã vỡ đèn trên đường. Bỗng một thiếu phụ vận váy đen dài đi ngang qua đường. Vậy mà người đàn ông đã kịp phanh lại không đâm vào nàng. Vì sao?

Người đàn ông Berber bán những lọ cát Sahara mang lại niềm vui.

Người đàn ông Berber bán những lọ cát Sahara mang lại niềm vui.

Ô những người bạn tứ xứ của tôi, các bạn bắt đầu đoán bắt đầu tưởng tượng thêm thắt cho câu chuyện, cả tình yêu, cả hận thù, cả kiếp trước. Chẳng ai đúng cả.

Cuối cùng sau nhiều lần đoán sai, Nốt ruồi bật kêu lên thích thú và đoán lần cuối. Cậu đã đúng.

Cậu mời tôi nhảy một điệu tôi không biết, cậu dạy cho tất cả mọi người, và các bạn cậu đập trống và lắc lắc những quả lắc đồng kẽm gì đó phụ họa. Điệu nhảy nào tôi không hay chỉ biết đến lúc nó quay tròn cả hai quay tròn mỗi lúc mỗi nhanh, không còn nhìn thấy gì chỉ thấy loáng thoáng ánh lửa lướt qua, cát lướt qua, những túp lều lướt qua, và những vì sao nữa cũng lướt qua, như sao băng.

Hay là chính sao băng?

Rặng Atlas khốc liệt đá.

Rặng Atlas khốc liệt đá.

Phan Thị Hà Dương
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.