Cuối năm 1994, tôi đưa vợ và con gái từ Cao Bằng về ở tại căn chung cư chúng tôi vay tiền bạn bè mua được ở phố Tân Mai, Hà Nội. Vợ tôi vốn học đại học, ngành phát hành, nhưng chưa thể xin được việc, đành ở nhà trông con.
Tất cả gia đình ba người trông vào tiền lương giảng viên và chút nhuận bút còm của tôi, vì thế, chúng tôi thuộc loại túng bấn. Tìm mãi chưa ra việc cho vợ, chúng tôi chỉ còn biết tiêu pha chắt bóp, tiết kiệm từng đồng và quên hoàn toàn chuyện mua sắm.
Căn nhà tôi mua, thuộc loại cấp 3, tức hơn cấp 4 một bậc. Tầng dưới của hộ khác, tầng trên cũng là tầng áp mái luôn, ngửa cổ nhìn lên là thấy những thanh gỗ xù xì, đen đúa, trông rất ám. Nhưng hồi ấy, có nhà ở là may rồi và vì nó có tận hai buồng, nên cũng không đến nỗi nào.
Nhà ở tầng hai nhưng mọi sinh hoạt bên ngoài lại phải xuống tầng một. Khi chúng tôi dọn đến, thì phần “lưu không” bên dưới, gia đình tầng một đã chiếm gần hết. May mà họ còn để lại cho một khoảng sân nhỏ và chúng tôi dùng cái sân đó làm chỗ đun nấu, phơi phóng.
Gần Tết âm lịch, lúc này con gái đã đi học, rảnh việc, vợ tôi lục lọi tủ quần áo cả nhà, lôi ra giặt một mẻ để “tống cựu”, rồi căng dây phơi ngay trước cửa. Nhìn đám quần áo, bất cứ ai cũng hiểu ngay ra gia cảnh của chủ nhân. Chúng đều rất rẻ tiền, hầu hết mua hàng thùng. Nhưng nó cũng đủ phấp phới xanh đỏ. Và lạy giời, nó cũng gây được sự chú ý của một vài người, trong đó có tay kẻ trộm nào đó. Nhất là lại đang tháng củ mật.
Buổi chiều hôm ấy, khi tôi từ cơ quan trở về với một gói quà nhỏ cho con gái nên có phần khá phấn khích. Vừa vào đến đầu ngách, tôi suýt “vấp” phải chính vợ mình, đang lộ rõ vẻ bức tức. Hóa ra cô ấy đứng đó để ngóng chồng. Thấy vợ hậm hực, tay chống nách, tôi đã vội tưởng tượng có chuyện gì với gia đình vợ chồng gã hàng xóm, vốn là khắc tinh của chúng tôi và của cả khu phố từ khi họ dọn về đây. Nhà ấy có cô vợ lười nhác, không đi làm, chỉ thích lê la hóng hớt chuyện và nói xấu người khác. Chồng cô ta từng bị đi tù vì tội trộm cắp, ra tù quyết hoàn lương. Họ bám vào nhau, 4 khẩu sống chật vật trong căn nhà chỉ 15 mét vuông và luôn đổ lỗi về sự nghèo khó cho những người xung quanh.
Biết tính vợ, mỗi khi đi làm, tôi đều dặn thôi thì “nhịn” họ một chút cho đời nó lành. Vậy mà cũng đã một lần, vì xót con, vợ tôi và vợ gã “sống mái với nhau một phen”. Bên nọ cố dìm đầu bên kia xuống rãnh nước. Mặc dù mới sinh nở, nhưng sức mạnh của cơn xót con khiến mụ kia suýt bị vợ tôi làm cho tắc thở. Sau bận ấy, cô ta có phần e ngại chúng tôi hơn. Nhưng hễ có cớ là lại cạnh khóe, gây sự.
“Chắc lại đòi đánh nhau đây”- tôi nghĩ thầm, nhưng nhẹ nhàng hỏi vợ:
- Lại có chuyện gì thế?
Vợ tôi bèn đi theo tôi về và khi đến trước cổng, giơ tay chỉ vào cái dây phơi quần áo trống trơn, nói trong cơn uất ức:
- Em đang chờ anh về để đi báo công an đây, kẻ trộm trèo cổng vào vơ sạch sành sanh quần áo nhà mình rồi.
Chả hiểu sao nghe thế, tôi bỗng thở trút ra, y như kẻ vừa thoát án. Trong khi đó, miệng nói, vợ tôi đã định bước đi, ý chừng cô ấy sợ nếu chậm thì kẻ gian tẩu tán mất. Từ nhà tôi đến nhà của ông công an khu vực, vốn cũng là chỗ quen biết, chỉ chừng 300 mét. Tôi nhìn vào cái dây trống trơn một lát, rồi bảo với vợ:
- Thôi mình ạ, của đi thay người, báo công an làm gì, coi như mình đãi họ.
- Anh nói lạ thật, mất trộm mà trông mặt lại cứ như anh vừa được của ấy.
- Được của thì không, nhưng em hãy cứ nghe anh nói đã. Anh cũng xót lắm chứ. Số quần áo đó chả hơn gì giẻ rách, nhưng mua lại cũng mất khối tiền. Nếu làm căng, nếu công an nể anh mà tra xét những gia đình vừa từ nhà quê lên, có thể cũng tìm ra. Nhưng… tìm ra để làm gì?
- Sao lại tìm ra để làm gì! Anh làm sao thế? Nó vơ đến cả quần áo ngủ của em, của anh, của con rồi mà lại bảo tìm ra để làm gì. Tìm ra để đòi lại quần áo và để từ rày nó kiềng nhà mình ra, nghe chưa?
- Cái chính là ở chỗ ấy, ở chỗ tên trộm nào đó vơ cả quần áo ngủ. Liệu bình thường ai cho em quần áo ngủ cũ em có mặc không? Nhất định là không. Vậy mà cái thằng kẻ trộm nào đó phải lấy cả những thứ ấy, chắc chắn là vì vợ, con anh ta vừa ở quê lên, đang thiếu quần áo để mặc. Lại tết nhất đến nơi rồi, mình đói rách không sao, chứ để vợ con đã đói lại còn rách rưới, thì nhục mặt thằng đàn ông lắm. Cứ suy từ anh ra cũng thấy.
Ngừng một lát, chờ cho vợ bớt hậm hực, tôi nói như dỗ dành:
- Bất cứ thằng đàn ông nào liều mình vào chỗ đá rơi gạch lạc chỉ để vì vợ vì con, thì như anh là anh rất kính phục. Chứng tỏ hắn rất có trách nhiệm với gia đình. Này, nếu gặp hắn, nhất định anh sẽ cho thêm ít tiền. Phải là thằng đàn ông có vợ có con, thì em mới hiểu được hành động của ông bạn trộm nào đó có chỗ tử tế đấy. Trộm có năm bảy loại. Trộm yêu vợ hiếm lắm, rất hiếm, nên tha cho nó mình ạ. Nếu anh ở vào hoàn cảnh ấy thì quả thực anh cũng chưa nghĩ được cách nào hay hơn cách của ông ta.
Vợ tôi vẫn chưa thôi hậm hực, nhưng có phần cũng chùng cơn giận xuống. Một lúc sau thì cô ấy theo tôi lên nhà. Tức là cô ấy thôi không đi báo công an, như tôi muốn. Ngoái nhìn cái dây phơi lần nữa, chưa hết xót của, cô ấy buông một câu:
- Không khéo mà anh thương thằng trộm hơn cả em đấy nhỉ? (Còn nữa)