Tùy bút Tạ Duy Anh: Tiền của và hạnh phúc

Tạ Duy Anh - Thứ Ba, 07/03/2023 , 06:20 (GMT+7)

Cả tuổi thơ, tuổi trẻ tôi sống trong đói khát, cảm nhận đến tê tái nỗi tủi hổ của kẻ nghèo kiết xác, vì thế tôi luôn ủng hộ hết lòng mọi người làm giàu...

Hóa ra cái sự hạnh phúc, sướng khổ không hoàn toàn phụ thuộc vào giàu nghèo, nhiều tiền hay ít tiền, địa vị xã hội cao hay thấp, ăn toàn đồ sang trọng đắt tiền, ở trong biệt thự kín cổng cao tường, hay ngày ngày cơm bữa đạm bạc trong ngôi nhà chỉ cần đủ thoáng mát.

Càng ngày, càng sống nhiều năm, càng đi nhiều biết rộng, tôi càng tâm đắc với nhận định này.

Xin đừng vội quy kết tôi cổ vũ cái nghèo, cổ vũ lối sống bằng an, chấp nhận thực tại? Cả tuổi thơ, tuổi trẻ tôi sống trong đói khát, cảm nhận đến tê tái nỗi tủi hổ của kẻ nghèo kiết xác (thường cũng đi với hèn), vì thế tôi luôn ủng hộ hết lòng mọi người làm giàu, chống kì thị người giàu.

Nhưng chuyện giàu nghèo và chuyện sướng khổ là hai câu chuyện khác nhau. Nghèo thì chắc chắn khổ, nhưng giàu chưa chắc đã sướng. Chẳng hạn dù giàu đến mấy, dù tiền vàng chất đầy nhà, nhưng vẫn không làm cách nào để thoát khỏi sự bất an, thì chắc chắn còn lâu mới hạnh phúc, nếu không muốn nói nó chính là bất hạnh. Tôi đang nói đến cuộc sống của những người giàu có nhờ vào tham nhũng hoặc làm những việc bất chính để có nhiều tiền. Tôi khẳng định, họ không bao giờ có hạnh phúc. Vĩnh viễn không.

Tôi và chắc chắn cả nhiều người khác, đều biết rõ điều nghịch lý này: Những người tự tử (do chán sống, do bế tắc, do mất hết lý tưởng) phần lớn không hề do nghèo khó. Họ mua những chai rượu hàng chục nghìn đô để đốt nỗi sầu! Họ trầm mình trong bể rượu vang cho đến nghẹt thở theo kiểu đuối nước. Họ đóng cửa ô tô sang trọng, nổ máy, bật điều hòa cho đến khi hết xăng để được chết một cái chết độc đáo!

Một lần tôi đem câu chuyện này nhẩn nha kể với một bác nông dân (gọi là bác theo thói quen, chứ tôi chắc chắn nhiều tuổi hơn) mà tôi gặp trong chuyến du hí về đồng quê (thực ra là cuộc trốn chạy thành thị vì mệt mỏi). Bất ngờ nhất là tôi được đáp lại bằng một tiếng cười vô cùng sảng khoái.

- Chuyện lạ, còn hơn cả bịa - bác bảo tôi thế. Sao lại có những người rửng mỡ thế nhỉ? Cứ như chúng tôi thì làm quái gì có thời gian để mà chán… sống!

Hôm đó tôi quyết định bỏ hết mọi việc trong kế hoạch, lẽo đẽo theo bác nông dân ra làm đồng một phen. Bác có vài mảnh ruộng, mỗi mảnh một hình hài khác nhau. Vào hôm tôi có mặt, là hôm bác đưa máy vằm đất mảnh to nhất. Gọi là to, thì cũng chỉ hơn kém một sào Bắc bộ, tức chừng 400m2. Của nhà làm được, ý nói máy không phải thuê, nên bác chả thấy có gì phải vội. Sau một điếu thuốc lào nhả khói mù mịt, đầu tiên hẵng múc nước ruộng đổ thẳng vào bồn làm mát, trước khi cho nổ máy “một con công nông” thuộc loại đã cao niên! Chiếc máy giật lên đùng đùng. Nếu không quen, chỉ cần nắm vào cần lái một lúc, đã đủ ê tay, chưa kể có thể bị nó vặn cho vẹo sườn.

Thế mà trong khoảng gần hai tiếng đồng hồ, bác nông dân phải bổ sung nước làm mát đến ba lần. Ấn tượng nhất là ở cái cách ngồi cầm lái. Ghế chỉ vừa mông, cheo veo trên một cái cọc sắt, hai chân đi ủng cao gần ngang gối để tránh đất hất ngược va thẳng vào ống đồng. Cứ thế toàn thân bác uốn lượn, nghiêng ngả, rung lắc theo từng vòng quay của hai cái bánh lồng. Hôm đó trời rét dưới 15oC, khiến chỉ đi trên bờ tôi cũng thấy chân tay đều bị cóng. Nhưng với bác nông dân thì đời vui hơn hớn, vì trời đẹp, tuy rét nhưng có nắng vàng như trời rót mật. Phải hôm đã đùng đùng gió bấc, đã rét buốt thịt da lại còn mưa dầm, thì cuộc đời cũng âm u đi vài phần!

Sau khi vằm xong cả mảnh ruộng, bác nông dân bèn tắt máy, lên bờ ngồi kéo thuốc lào xoe xóe, mắt lơ mơ nhìn trời. Tôi tranh thủ sán lại hỏi thăm, thì được biết, trừ đi toàn bộ công vằm đất (phải ba lần), công cấy, chăm sóc, cùng với chi phí giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, các loại phí có tên và không tên, rồi các loại quỹ…, nếu thời tiết mưa thuận gió hòa, mảnh ruộng của bác mỗi vụ sẽ “ăn ra” được quãng tạ thóc. Một tạ thóc nghe thì cũng to, nhưng nếu quy tiền, được khoảng dăm bảy trăm ngàn đồng!

Thấy tôi có vẻ trầm tư, ra chiều không tin, bác nông dân bảo:

- Mà được thế cũng là tươm tất rồi đấy. Không bị thiên tai, bão lụt, hạn hán, sâu bệnh, mưa đá… khiến mất trắng là may. Nói chung nghề nông chả thể giàu được, chỉ mong thoát cơ cực. Nhưng ông anh tính, có thứ gì ngon ngọt, bùi béo, thơm tho trên đời này mà không từ đất chui ra?

Tôi hỏi:

- Có cách khác để làm ít hơn nhưng thu hái nhiều hơn không?

- Nếu có thì cũng chờ ở các bác mách cho, chứ chúng tôi thì chịu.

Tôi hỏi tiếp:

- Hàng ngày bác có theo dõi đài báo, để thấy người ta lấy tiền của công dễ và nhiều như thế nào không?

- Cũng có xem, cũng có nghe, cũng có biết! Nhưng ở đời chuyện nhân quả là có thật đấy. Mình cứ tay làm hàm nhai, như các cụ dạy, mới mong để lại phúc cho con.

Nói rồi lại cười như vừa mơ thấy vàng nén! Lâu lắm tôi mới lại được thấy một gương mặt người hạnh phúc như vậy. Tôi bỗng ngẩn ra mất vài phút, cứ như định tìm điều gì từng rất quen thuộc đang biến mất một cách bí hiểm, nhưng nhất thời không sao tìm ra.

Giờ thì tôi tin rằng, bất hạnh nhất trên thế gian này chính là khiến cho cuộc đời vốn tươi đẹp, hiền hòa trở nên thù nghịch, hung dữ và đáng sợ.

Tạ Duy Anh
Tags:
Tags:
Tin khác
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.

Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.

Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường
Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường

Nhà thơ Phạm Trung Tín đánh dấu hành trình bước vào tuổi thất thập cổ lai hy bằng cuốn sách 'Con chữ tấm lòng' ghi lại những kỷ niệm đường văn và bạn văn.

Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ
Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ

Ký ức biệt động Sài Gòn từng được đưa lên màn ảnh, bây giờ lại tái hiện trong truyện dài ‘Nụ hôn dưới vòm cây’ của tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ

Châu Thành được đặt tên cho vùng đất nằm cạnh tỉnh lỵ, áp dụng hầu hết miền Tây Nam bộ, như một thói quen ngày xưa, như một kỷ niệm hôm nay.

Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan
Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan

Nhớ năm 1988, Hữu Loan trở lại Hà Nội sau bao năm biền biệt. Đưa cụ Hữu Loan cùng đám bạn bám theo về khu tập thể, chợt tôi lóe ra một quyết định.