Núp dưới danh nghĩa báo hiếu, nhà nhà - ở khắp nơi chứ chả riêng vùng miền nào - tiếp tục thi nhau xây mồ mả to cho người quá cố, đến mức tạo ra cả những “thành phố âm phủ” mà nhiều người vô gia cư nằm mơ có một "ngôi mộ để ở hàng ngày” cũng không thấy. Những thành phố âm phủ ấy đang ngày một lấn dần đất dành cho người sống.
Trong khi “tệ nạn” đó chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm, tạo ra một thứ chạy đua phô trương sự giàu có khá hài hước (mả xây sau thường phải cao to hơn mả trước, rồng phượng nhiều hơn, vật liệu dùng để trang trí sang hơn… để chứng tỏ con cháu phú quý hơn, báo hiếu đậm hơn...?), thì lại nảy sinh thêm một “tệ nạn” khác cũng liên quan đến mồ mả, tạm gọi là nạn nghĩa trang gia đình.
Những nghĩa trang loại này đang tràn ngập mọi làng quê ở nông thôn. Thậm chí nói không ngoa, cứ chỉ cần ra khỏi ngõ là gặp. Chúng có đủ mọi loại diện tích, hình thù tùy vào mảnh đất mà họ dùng để làm nghĩa trang. Chúng mọc lên ở bất cứ chỗ nào mà con cháu của người chết muốn. Bất tiện nhất là chúng nằm rải rác trên những thửa ruộng ngày ngày vẫn dùng để cấy trồng, khiến mảnh đất vì thế không chỉ bị “xé nát”, mà còn gây khó khăn cho việc cày bừa, làm đất (cả bằng sức người, bằng trâu hay bằng máy).
Tìm hiểu kĩ thì thấy thế này: Khá nhiều nghĩa trang gia đình đã tự phát hình thành khá lâu. Chúng thực sự là “vấn đề” của lịch sử! Chỉ có điều trước kia mỗi ngôi mộ thường là một mô đất nhỏ, phủ cỏ xanh, không chiếm bao nhiêu diện tích, thì ngày nay, chúng được con cháu thi nhau xây cất, làm mái, dựng bia khiến chúng nằm chềnh ễnh trên các thửa ruộng như những ngôi “biệt thự” thu nhỏ! Chúng cũng được bê tông hóa với tốc độ chóng mặt.
Do tình hình đất đai ở nông thôn ngày một mang tính tư nhân, nên việc chôn cất người chết, làm nghĩa trang gia đình cũng khá là… tự do! Phần lớn những mảnh ruộng 5% trước kia, giờ nếu chưa thành đất vườn, thì cũng thành đất nghĩa trang. Chuyện động đến người chết, nên ít chính quyền cơ sở nào dám mạnh tay ngăn cản. Mà muốn ngăn cũng khó, khi chưa có một chế tài đủ mạnh làm cơ sở pháp lý. Hoặc đã có nhưng việc chấp hành nó bị xem nhẹ. Trong khi đó đất cho người chết cũng mỗi ngày một hiếm. Nhiều người đã ra phố ở cả nửa thế kỉ, cuối đời cũng về quê tìm mua một mảnh ruộng để… làm nghĩa trang gia đình! So với mua đất tại các khu công viên tâm linh dành cho người chết, có quy hoạch cảnh quan đẹp, đậm tính phong thủy (thường cách xa thành phố) thì không chỉ rẻ hơn, mà còn tạo cảm giác chết vẫn được gần con cháu. Lại không phải chịu các thủ tục hành chính khi an táng. Những nghĩa trang của những “công dân thành thị” này thường bề thế, nhuốm màu phong lưu, với đủ phong cách kiến trúc mặc dù làm kiểu gì nó cũng vẫn lộ ra sự… trọc phú của người sống.
“Con gà tức nhau tiếng gáy” vẫn là não trạng bám chặt nhiều người, không chỉ sinh sống suốt đời ở nông thôn, mà với cả những người đã thành dân phố từ lâu. Nhà hàng xóm con cháu đều làm ruộng, mà còn có nghĩa trang cho ông bà, thì nhà mình con cháu toàn thành đạt, kém gì mà không làm được ngang bằng hoặc to hơn. Sẵn đất ruộng mua rẻ, sẵn tiền, họ tự đổ đất đá, tôn cao nền, làm đường để hình thành nên khu chôn cất gia đình theo thẩm mỹ và quan niệm về phúc đức của mình. Tôi đã tận mắt thấy một cái nghĩa trang mini có cả vườn đá, hồ nước, phòng thưởng nguyệt, phòng uống trà… mô phỏng cảnh giàu sang phú quý trần gian. Chỉ còn thiếu vài bức tượng phụ nữ... là hoàn hảo như một công viên tiền tỷ vẫn thấy ở quanh nhà những đại gia!
Một người Mỹ bạn tôi kể rằng, việc xây cất mồ mả như vậy ở nước của anh là bất hợp pháp. Trước hết nó phá vỡ mọi cảnh quan. Nhưng nguy hiểm hơn, nó biến những diện tích dành cho người đã khuất thành đất chết vĩnh viễn. Đất vốn đã không sinh thêm, nay lại cứ chết dần chết mòn theo thời gian, là điều rất nguy cấp về mặt phát triển. Vì thế, những nghĩa trang ở Mỹ thường cũng là những công viên cỏ xanh tốt, phẳng lỳ, mỗi ngôi mộ chỉ cần được đánh dấu bằng tấm bia đá nhỏ.
Tôi biết là còn nhiều người, kể cả những người có trách nhiệm, sẽ tặc lưỡi cho qua chuyện này, hoặc chưa xem chuyện này là vấn đề gì ghê gớm. Xưa nay đụng đến chuyện mồ mả vẫn kiêng kị! Nhưng tôi không thể không đưa ra hình dung: Cứ đà này, mỗi làng quê của chúng ta rồi sẽ thành nơi chung sống giữa người chưa sinh và người đã khuất. Mất vệ sinh là chuyện khỏi bàn. Nhưng một nông thôn như vậy mà mong phát triển, mong văn minh, mong đẹp đẽ thanh bình… để thành nông thôn văn hóa… thì chém đầu ngay tôi cũng không tin.