Thời bao cấp là một thuật ngữ để chỉ một giai đoạn được cho là từ khoảng từ năm 1975 tới năm 1986, khi đời sống kinh tế của người dân đều được Nhà nước chi trả, diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa.
Nghĩa là, phần lớn thương nghiệp tư nhân bị loại bỏ, hàng hóa được phân phối theo tem phiếu do Nhà nước nắm toàn quyền điều hành, hạn chế việc người dân tự do mua bán trên thị trường hoặc vận chuyển hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác.
Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau, thời cao cấp được cho là một thời kì mà đời sống nhân dân rất khó khăn. Khi đối mặt với các vấn đề khó khăn kinh tế, thật đáng ngạc nhiên những câu thành ngữ thịnh hành vào thời kì đó một mặt phản ánh chính xác thực tiễn cuộc sống, mặt khác lại có tính chất hài hước, tiếu lâm mà hiện nay vẫn được dùng đối với những người đã sống qua thời bao cấp.
Ví như câu thành ngữ, “buồn như mất sổ gạo”. Thời kì bao cấp, chế độ hộ khẩu được thiết lập nhằm phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người, tiêu biểu nhất là sổ gạo ấn định bắt buộc và mặt hàng mà một gia đình nào đó được phép mua.
Cho nên sổ gạo trở nên rất quan trọng, nếu mất sổ thì là một tai họa cho một gia đình, trong thời gian chờ sổ mới không có lương thực để ăn. Thế nên thấy ai vẻ mặt buồn bã hay ngơ ngẩn vì chuyện gì, người ta lại ví von tiếu lâm “buồn như mất sổ gạo” hay “ngẩn ngơ như người mất sổ gạo”.
Tuy nhiên không phải câu thành ngữ nào cũng có một cấu trúc so sánh dễ hiểu như vậy, có thể hiểu theo nghĩa đen. Dưới đây là một vài câu thành ngữ mà ta cần phải đặt trong bối cảnh xã hội lúc đó mới có thể phần nào thấu hiểu.
Đừng thách nhà giàu húp tương
Tương vốn là một thức ăn phổ biến ở nông thôn, nhà giàu có thể dùng tương nhưng chỉ để kho cá, nước chấm, và dùng với tần suất không cao. Nhà nghèo thì có thể dùng tương để ăn như một thức ăn cùng với cơm mang tính chất thường xuyên. Nên tương - cà, hay cua - cáy, lươn - chạch thường gắn với người nghèo.
Nhưng tại sao lại thách nhà giàu húp tương? Lý do là những người có thể gọi là giàu có đã sống qua thời bao cấp rồi đến thời đổi mới, họ làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, dẫn tới sự từng trải. Ví dụ ta thấy một người kể là "Quá trình thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ, tôi chả thiếu nghề gì trên đời" hoàn toàn có thể đúng với thực trạng thời kì đó.
Ngay như trong gia đình người viết, cha người viết là một giáo viên cấp 2, sinh năm 1960, nhưng vào những năm thập niên 80 và đầu những năm thập niên 90 thì lương giáo viên rất thấp. Vì vậy để kiếm thêm thu nhập, ông đã làm rất nhiều nghề, như làm ruộng, trồng chuối, tiêu, nuôi cá, lợn, dê, gà, nấu rượu. Nghĩa là làm bất cứ nghề gì để có thể có thu nhập. Một số giáo viên còn đi buôn, đi ngược nguồn, thậm chí phiêu lưu hơn là đi đào vàng. Thực trạng ấy cũng không xa lạ gì đối với nhiều người khác.
Vì vậy, nói “đừng thách nhà giàu húp tương” nghĩa là người nói gửi một thông điệp tới người nghe rằng: Tuy tôi giờ có khấm khá hơn, có thể có địa vị xã hội hoặc không phải làm những công việc nặng nhọc nhưng đừng nghĩ rằng tôi không biết, không có sự từng trải. Những gì anh biết có thể tôi đã trải qua hết rồi. Và anh nên tôn trọng tôi và ứng xử cho phù hợp, tôi không phải là người có thể qua mặt được.
Ý nghĩa của nó mới phản ánh được thực tế đời sống sinh hoạt lúc đó, cách giải thích của một số nguồn cho rằng “thách một người làm việc gì quá dễ dàng với họ” là cách giải thích theo nghĩa đen có phần giản đơn và không đặt vào bối cảnh xã hội thích hợp.
Ăn như sư, ở như phạm
Vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Phong trào Bình dân học vụ và đã thu được thành tựu to lớn bằng việc xóa mù chữ cho hàng triệu người. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo thành lập một hệ thống đào tạo giáo viên ngay cả trong chiến tranh chống Pháp.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập vào năm 1951, sau đó các trường sư phạm khác được thành lập như Đại học Sư phạm Vinh (1959), Đại học Sư phạm Thái Nguyên (1966). Các sinh viên sư phạm được nhà nước nuôi ăn học, học trò được miễn học phí. Y tế và sư phạm được coi là hai viên ngọc sáng lấp lánh của đất nước.
Nhưng đối với ngành giáo dục nói chung, ngân sách quốc gia được cấp cực kì giới hạn, trong khi nhu cầu rất cao. Các trường đại học đều phải chịu áp lực tài chánh rất lớn để hỗ trợ việc học tập và đời sống của sinh viên. Câu thành ngữ “ăn như sư, ở như phạm” mô tả cuộc sống khó khăn của sinh viên sư phạm thời kì này. Ăn như sư nghĩa là ăn uống kham khổ như các nhà sư; ở như phạm tức là nơi ở chật chội, kém vệ sinh như phòng của phạm nhân.
Thành ngữ sử dụng cách chơi chữ, bằng cách “chẻ đôi” từ sư - phạm ra bằng hai phép so sánh. Cách chơi chữ này khiến cho việc dịch thành ngữ này sang ngôn ngữ khác là không thể chuyển tải hết được ý tứ của nó. Dịch giả Lady Borton khi dịch câu này sang tiếng Anh trong sách "Family friend and country" của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là: “eat like begging monks, live like prisoners” Có một vài câu thành ngữ khác cũng có nội dung tương đương, đó là “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm bỏ qua”, hoặc “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Khi tìm hiểu một số thành ngữ thời bao cấp chúng ta có thể thấy muôn mặt đời sống xã hội sống động lúc đó. Nó như một vở bi hài kịch có nhiều mặt trái ngược, vừa buồn vừa hài hước, vừa nhớ vừa thương, vừa là một kỉ niệm nhưng có lẽ không ai muốn lặp lại. Nó cũng phản ánh phần nào tính cách tốt đẹp người dân Việt Nam, trong lúc khó khăn gian khổ nhưng vẫn lạc quan để vươn lên.
Năm 1986, công cuộc Đổi Mới bắt đầu, nền kinh tế kế hoạch chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm cuộc sống người dân tốt hơn. Những thành ngữ, tục ngữ, ca dao có thể nói có phần méo mó tự nhiên mất đi như hai câu trên, hoặc các câu như “ăn bẩn sống lâu”, hay “sống mà ăn sắn”.