Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) cùng với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là hai nhân vật của Việt Nam được Unesco đưa vào danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử được vinh danh năm 2022.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được Unesco ghi nhận là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, bà được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”. Thơ Hồ Xuân Hương là biểu hiện của sự vận động, lạc quan. Với tư tưởng mới mẻ cùng lối làm thơ phá cách, ngôn ngữ bình dị và sáng tạo, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền từ quá khứ đến hiện tại. Các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.
Vì vậy, triển lãm “Hồ Xuân Hương” lấy cảm hứng từ cuộc đời và tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, được trưng bày tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội rất được công chúng quan tâm. Triển lãm “Hồ Xuân Hương” của hai họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan khai mạc ngày 21/7 và dự kiến diễn ra một tuần.
Đáng tiếc, một vài tác phẩm trong 25 bức tranh của triển lãm “Hồ Xuân Hương” bị nhiều ý kiến cho là dung tục, khiến Hội đồng thẩm định phải xem lại và yêu cầu gỡ bỏ. Tại sao như xảy ra cơ sự khó hiểu ấy? Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Sự sơ sẩy ở đây chính là do Hội đồng thẩm định đã tôn trọng sự sáng tạo của các họa sĩ. Tuy nhiên tranh vẽ minh họa cho thơ Hồ Xuân Hương khác với tranh chân dung nữ sĩ. Đây là điều đáng tiếc cho Hội đồng thẩm định đã không nhận ra sớm”.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thẳng 68 tuổi, thổ lộ: “Tôi vẽ Hồ Xuân Hương lúc dịu hiền, đằm thắm, lúc nổi loạn, phong trần, sexy. Đó là vẻ đẹp hoàn mỹ, thánh thiện, không phải dung tục”.
Không đồng tình với việc phải gỡ bỏ một vài tác phẩm theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, triển lãm “Hồ Xuân Hương” đã quyết định đóng cửa sớm.
Đây là một điều đáng tiếc nuối. Bởi lẽ, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một tài liệu khả tín nào để xác định chân dung thật của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Các tác phẩm của họa sĩ Lê Lam hoặc họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng là vẽ theo tưởng tượng cá nhân.
Đọc thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, mỗi người đều có một cảm nhận riêng. “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây đá mấy chòm” hoặc “Triền đá cỏ leo sờ rậm rạp/ Lạch khe nước rỉ mó lam nham” không thể suy diễn thuần tục hay thuần thanh.