Nỗi nhớ xa xăm, tùy bút nhà văn Trần Huy Quang: [Kỳ 5] Còn lại Sao Sa

Trần Huy Quang - Thứ Sáu, 29/07/2022 , 07:46 (GMT+7)

Cuộc 'đụng độ' giữa nõn và nường diễn ra ở bãi Sao Sa, một bãi cát lòng chảo rộng chừng vài chục cây số vuông, chỉ toàn mọc một loại cỏ, gọi là cỏ lông.

Minh họa: Công Cừ.

Làm trai chạy Ói, làm gái Sao Sa. Đúng là năm ấy làng làm hội to, trước Tết, ông tôi bận túi bụi, hễ về nhà là kêu đói, giục dọn cơm, ăn xong là đi liền. Thầy tôi thì vắng nhà liên miên, về nhà cũng rất thất thường. Sau tết Thượng nguyên, bà thím họ tôi đứng giữa nương hoa cải vàng, nói với mẹ tôi, “thày chị mê mải với trò chạy Ói, cháu nội cháu ngoại rồi mà còn ham chơi”. Mẹ tôi chỉ tủm tỉm cười. Các cụ hay lo, mẹ tôi không dám ủng hộ ai, cũng không dám bênh bố chồng, chỉ không giấu được nụ cười thích thú.

Bài liên quan

Nhưng trưa hôm ấy ông tôi tất bật về nhà ăn cơm, mẹ tôi chỉ bóng gió nói: "Trò chạy Ói năm nay không biết có bị mưa không?”. Ông tôi nói: “Sắp vũ thủy sao không mưa? Mà có mưa bụi mới hay”. Kèm theo chữ hay là nét mặt hí hửng của ông tôi làm cho bà thím họ sang chơi sầm mặt lại: “Không biết là ai mà bày ra cái trò ấy, xem ngượng chín cả người”.

Sau hội hoa đăng của tết Nguyên tiêu độ một tuần là đến hội Chạy Ói, dù có họ chưa giỗ xong cũng mặc. Cả làng ai cũng náo nức, cả làng đều phải bỏ công sức ra để chuẩn bị cho cuộc chạy. Huy động tre, gỗ, vải, phẩm màu. Còn phải liên lạc với làng Cờn để biết bên kia làm to bao nhiêu hay phải thảo luận với nhau để làm kích cỡ cho tương xứng.

Hội Chạy Ói ở làng tôi không biết có từ khi nào, người bảo đã có hơn năm trăm năm, người bảo hơn. Mà hội Chạy Ói không phải riêng làng Mơ tôi mà làm nổi, phải kết hợp với làng Cờn, hai làng cách nhau đi phải mất nửa buổi. Vì cả hai làng đều liên quan đến một câu chuyện tình bi thảm.

Chuyện ấy có chép trong Thần tích hai đền là đền Ói và đền Cờn. Thời Nam Tống bên Tàu, gặp bước loạn ly đến nỗi triều thần phải đưa hoàng hậu và hai công chúa chạy ra biển rồi bị tan tác vài người may mắn trôi dạt vào vùng rú Ói. Trên rú Ói lúc bấy giờ đã có một cái chùa nho nhỏ, có một nhà sư trụ trì. Người cứu sống ba mẹ con hoàng hậu là nhà sư trụ trì trên ngôi chùa cỏ đó. Bước đường tới ra sao chưa biết nhưng bước gian nguy đã qua, ba người quen dần với cơm cà rau muối đạm bạc, tìm an ủi trong tiếng cầu kinh gõ mõ và tiếng chuông chùa trong u tịch.

Lại nữa, tuy là phong cảnh thủy mạc của chốn dân dã sơn lâm nhưng hữu tình thanh nhã không như nơi lầu hồng gác tía đầy mưu hiểm và binh đao. Khi hoàng hôn vách đá, ánh nguyệt hạ huyền dõi cao sơn, lúc bình minh sóng trải dài bờ cát trắng, đã đưa lại một chút ánh hồng trên má thiếu nữ và thiếu phụ. Ngôi chùa tĩnh lặng với một ân nhân cao tăng thoát tục, ba người cảm thấy được an ủi trong bước sa cơ.

Nhưng ở đời, nhan sắc vốn là điều hiếm hoi, nhất lại là cành vàng lá ngọc và nhất lại là hằng đêm dưới trăng quạnh quẽ mà sóng biển như sóng lòng, cứ ào ạt ào ạt dội vào ghềnh đá. Nhà sư, trong một tình thế ngàn năm có một, sóng lòng cũng không giữ được yên.

Bị hoàng hậu từ chối, nhà sư ân hận và xấu hổ, nhảy xuống biển mà chôn vùi tấm tình si. Sáng hôm sau, hoàng hậu thấy người đã cứu mạng ba mẹ con mình đã vì mình mà chết, cũng lao từ trên vách đá xuống biển tự tử. Xác của họ trôi đến lạch Cờn, dân làng Cờn thấy biết là người tiết liệt liền lập đền thờ bà. Ngôi chùa cỏ ít lâu sau, không hiểu sao, bốc cháy dữ dội, đám tro tàn còn lưu trên đỉnh rú như mối sầu thiên cổ.

Ngày nay đền Cờn còn có tượng của ba bà hoàng và nữ tì ấy, gọi là Tứ vị Thánh Nương.

Đền Ói sau được xây dưới vòm đá, vị trí này liên quan đến một sự tích khác có thể mang thêm một hàm nghĩa nữa. Một hôm có một cây gỗ to trôi ngoài biển vào. Dân làng ra khênh thì không sao khênh được. Buộc dây gì cũng đứt. Có người bảo là hồn nhà sư nhập vào đó, để khấn xem có đúng không. Liền biện lễ hương, cung kính khấn rõ to: “Nếu là hồn nhà sư thì cho chúng tôi khênh vào. Dây thừng ngài không ưng thì chúng tôi lấy lụa, vải làm dây”. Quả nhiên, đưa lụa và vải làm dây thì khiêng được. Đi được khoảng trăm thước đến chỗ vòm đá thì dây đứt, buộc lại khênh thì không thể nào đi được nữa.

Nghĩ nhà sư muốn dựng đền thờ ở chỗ này. Thế là dân làng dựng đền ở đó, dưới vòm đá đẹp, ba bên núi bao bọc, đền hướng ra biển. Cây gỗ được đặt thờ ở hậu cung. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép: “Năm Hưng Long thứ hai mươi (1312) đời Trần Anh Tông, vua thân đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở cửa Cờn, đêm mộng thấy Thần nữ”, cũng chính vua đã ngủ ở vùng này. Chuyện còn chép ở thần phả đền Ói.

Như vậy đền Cờn thờ bà hoàng hậu. Đền Ói thờ nhà sư, không thấy tượng mà chỉ có khúc gỗ dài và to, là biểu tượng của ngài. Có lẽ vì mối tình bi ai ấy mà hai làng làm ra trò chạy Ói hàng năm vào sau tiết Thượng nguyên. Đến ngày ấy, dân làng Cờn rước cái nường làm bằng tre và giấy, dân làng Mơ rước cái nõn, cũng làm bằng tre và giấy hoặc vải, hai bên gồm những trai tráng khỏe mạnh rước chạy, xuất phát cùng thời gian. Theo sau là dân làng.

Và cuộc “đụng độ” giữa cái nõn và cái nường diễn ra ở bãi Sao Sa. Bãi Sao Sao là một bãi cát lòng chảo rộng chừng vài chục cây số vuông, chỉ toàn mọc một loại cỏ, gọi là cỏ lông, lá như cây kim nhưng lại rất mềm, xanh tốt quanh năm. Lạ là không có cây gì mọc ở đó, kể cả cây tàu bay gió đưa quả đi khắp nơi nhưng ở đó cũng không có. Bãi Sao Sa là vì đã từng có một ngôi sao sa xuống, tức có thể đã có một cục thiên thạch, ở một thời nào đó rơi xuống vùng này mới lưu lại tên Sao Sa.

Năm ấy, như báo hiệu một điều gì đó, chạy Ói làng Mơ và làng Cờn đông chưa từng có. Cái nõn làng tôi khi dựng lên mới thấy oai phong lừng lững. Đường kính đến một mét, dài bốn mét. Đằng trước nhòn nhọn, đắng sau là hai khối to, đường kính cũng phải mét rưỡi, làm cho cái nõn oanh liệt, bề thế, vững chắc mà lại luôn luôn như muốn phóng tới.

Đêm hôm trước ngày khai hội, cả làng rậm rịch. Nhà ai cũng đỏ đèn đến nửa đêm. Bởi vì không chồng thì con, dù không có việc cũng tụ tập tại sân đình, nơi đó cạnh cái nõn đầy uy lực, là đống lửa to như đống lửa trại rừng rực suốt đêm. Hàng chục bàn cờ, hàng chục hội tổ tôm, không bài không cờ thì rượu, không về ngủ nữa, thức cho đến sáng.

Và sáng là bắt đầu cuộc diễu hành sự oai phong, uy lực của một cái nõn vĩ đại của làng Kẻ Mơ. Dẫn đầu là đoàn các cụ, các ông, áo the khăn xếp, ngực vồng lên, cơ bắp cuồn cuộn, toàn đàn ông đi biển, ăn sóng nói gió, rượu uống từng vò. Đến đội quân vài chục thanh niên phải to cao với mười đòn khênh, khênh cái nõn được che lọng, uy nghi tiến lên.

Ra đến đường to, từ làng Mơ đến làng Cờn, từ xa xưa đã có con đường cát rộng đến ba bốn chục bước chân dẫn đến bãi Sao Sa, là bắt đầu chạy. Cái đuôi sau có thể rớt dài đến bao nhiêu cũng được nhưng cái nõn thì phải chạy. Ai mệt thì thay người khác. Chạy trong tiếng reo hò cổ vũ, trong tiếng thanh la não bạt, trong tiếng trống lớn trống con, cường tráng, dồn dập, thúc giục, khao khát và oai vệ.

Bên kia cũng vậy, dường như chạm đến bãi Sao Sa cùng đồng thời. Điều này đã được tính toán trước. Hai bên nhìn thấy nhau thì tiếng trống càng hối hả, càng cuống cuồng. Nhưng cách nhau khoảng hai trăm mét thì dừng lại. Cái lễ đài dựng ở giữa, lư hương nghi ngút, cờ phướn tung bay. Trước khi hai vật thiêng giao hợp, hai đoàn của hai làng đến làm lễ. Cuộc hành lễ kéo dài độ một khắc.

Và hình như người ta có ý định kéo dài thời gian hành lễ này càng dài càng hay. Để cho mọi người có thời gian đến hội, để những người không theo kịp đoàn chạy đến cho đủ. Trong khi đó tiếng trống càng giòn dã, dồn dập, náo nức, cuống quýt. Khoảng một khắc sau, tiếng trống chợt lặng ngắt, cả đám hội cũng lặng ngắt.

Cái thời khắc người ta chờ đợi đã đến. Tiếng trống lại chợt nổi lên, một hồi giòn dã. Dứt hồi trống hai vật thiêng bắt đầu chạy. Đến trước lễ đài thì chúng đâm sầm vào nhau, thực ra thì chỉ có cái nõn đâm xuyên toạc cái nường. Tiếng hò reo dậy lên như động đất. Đàn ông thì hả hê, sung sướng, đàn bà thì đỏ mặt, cấu véo nhau, tủm tỉm cười. Tiếng trống giờ đã khoan thai, đĩnh đạc, đều đặn, trầm bổng, dư âm rền mãi xuống đến bãi biển.

Minh họa: Công Cừ.

Lễ hợp giao năm nay diễn ra rất đẹp. Chắc chắn mùa màng năm nay bội thu, mưa thuận gió hòa, con cháu đầy đàn. Không như năm xưa, sắp được vào nhau thì chợt có trận gió, cái nường không sao mà dựng thẳng lên được, gò mãi mới đưa được vào nhau. Y như rằng năm ấy mất mùa to. Có năm sắp vũ thủy mà không mưa phùn, cái nường trơ ra, cái năm ấy hạn hán khủng khiếp.

Lễ hội không còn việc gì nữa nhưng không ai về. Lâu lắm mới được dịp trai gái gặp nhau, tìm kiếm, nhìn ngắm, trông qua đã thấy thích thì cái sự làm quen, làm thân biết bao thời gian cho đủ. Nhưng cái chính là ai cũng phải chờ cho đến chiều để mỗi người kiếm cho mình một cái gì đó của vật thiêng, con trai thì lấy một mảnh giấy, một thanh tre ở cái nường, con gái cũng thế, một cái gì đó ở cái nõn, đưa về đặt dưới chiếu mình nằm. Có như vậy thì tình yêu mới mặn nồng và việc chăn gối vợ chồng mới sung mãn.

Sau ngày chạy Ói, dân làng Kẻ Cờn còn kéo lễ ra ba bốn ngày nữa. Nhà nào cũng cúng, đó là vì người ta muốn giữ ngài lại thêm vài ngày, chứ cả năm gặp nhau một ngày chả bõ bèn gì.

Khi tôi lớn lên thì hội Chạy Ói không còn. Tôi chỉ nghe các dì các cô tôi kể. Hồi học tiểu học, tôi cũng đã tò mò vào tận hậu cung đền Ói xem cây gỗ có giống cây ấy của đàn ông không, thì thấy rất giống. Nhưng người ta vẫn nói đền Ói thờ Mộc thần. Cũng đúng, cây gỗ ấy là cây gỗ thần, là thần cây. Đền Ói là ngôi đền cuối cùng trong hơn một chục ngôi đền chùa đình của làng Kẻ Mơ còn lại cho đến năm 1967.

Nhà văn Trần Huy Quang.

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

Trần Huy Quang Trích trong “Nỗi nhớ xa xăm”, chưa xuất bản
Tin khác
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức

Thơ hay thường vận vào người. Chung cuộc, cho tới khi rũ áo ra đi, nhà Thơ Phạm Đức chỉ có một mình. Gia tài ông để lại là căn nhà bên mép sông Bùi còn chưa hết nợ, một tủ sách đồ sộ mấy trăm cuốn. Và đàn trâu…, gần hai trăm con.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.