Vẻ đẹp núi rừng vừa gần gũi vừa huyền bí khi được kể lại bằng văn chương của chính con người gắn bó với từng bản làng, từng vạt đồi, từng phong tục. Tác giả Hữu Vi có tên khai sinh là Vi Văn Chôồng, hiểu theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là người con cả, là đích tôn trong nhà. Tác giả Hữu Vi quê ở huyện Con Cuông, nhưng đang sống tại huyện Quỳ Châu, cũng thuộc miền tây Nghệ An.
13 truyện ngắn trong “Cái chết của bầy ong” là những lát cắt cuộc sống của đồng bào Thái đang giằng co giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới, giữa vẻ đẹp núi rừng và sự đô thị hóa. Lời văn Hữu Vi giản dị, thong thả, lặng lẽ như nhịp đời. Anh không bi lụy, không lên gân, không phán xét hay cố gắng nhấn mạnh một thông điệp. Anh dùng chất giọng trầm trầm tự nhiên và bình thản như chính dòng chảy văn hóa dân tộc mình.
Vẻ đẹp núi rừng thấm đượm trong ngòi bút Hữu Vi, thể hiện qua cách ví von con người với cây với trái, qua những từ láy gợi lên thanh âm của môi trường thiên nhiên. “Cái chết của bầy ong” không có nhiều kịch tính, tất cả đều là những mẩu chuyện rất đời thường. Đó là những cặp trai gái gặp gỡ ở hội làng, đến với nhau, lạc mất nhau. Đó là hình ảnh cha mẹ ở miền ngược nhớ nhung những đứa con bôn ba tới miền xuôi lập nghiệp. Đó là những người trẻ cứ mải miết tìm kiếm điều gì không rõ, bất chợt quay quắt nhớ quê cũ nhà xưa…
Đặc biệt, tác giả Hữu Vi luôn chia sẻ từ một góc độ riêng tư, gần gũi và độc đáo, khiến mỗi truyện ngắn trở nên vừa quen vừa lạ, dễ dàng chạm đến những tình cảm chân thật nhất trong lòng độc giả.
Truyện ngắn “Hai chiếc áo sơ mi”, ông bà Tâm ở bản Hon trên triền núi Pu Quai, giữa một cuộc sống an bình và hạnh phúc: “Trong bản có hơn bốn chục nóc nhà và người ta sống với nhau thật vui vẻ. Ai đó ra suối xúc được con tôm con cá cũng đem chia cho hàng xóm hưởng cùng. Nhà nào đó đám cưới hay dựng nhà mới cả bản đến chung sức, chung vui”. Cuộc sống vậy có cần gì phải suy nghĩ. Thế nhưng niềm vui cũng lẫn nỗi buồn, khi “con cái ăn nên làm ra”, tất cả đều đi làm ở miền xuôi xa lắc, đứa con gái út lại còn sắp lấy chồng ở tận Cà Mau.
Điều bà Tâm đặc biệt canh cánh trong lòng là “lấy cái áo con rể về nhà để lên bàn báo cáo với tổ tiên. Có cái áo cũng ma nhà nó mới thành rể nhà này”. Bà đón xe đi dự đám cưới con, nhưng rồi bị trộm lấy mất túi, đành buồn bã trở về rồi đổ bệnh. Ngày Tết trở nên quạnh quẽ khi cô con gái mới lấy chồng phải về quê chồng. May thay, đứa con cả trở về mang theo một bọc quà gọi là “của bé út”, trong có hai cái áo sơ mi, một của nam, một của nữ. “Có cái áo này, ma nhà sẽ nhận mặt con rể. Bữa cơm tất niên thế mà vui hẳn. Bà lão liên tục cười nói” vì “Có cái áo này coi như vợ chồng nó về ăn tết cùng nhà mình rồi. Thôi thì vía về trước, người về sau vậy”.
Vẻ đẹp núi rừng trước hiện thực mưu sinh, niềm tin người già và sự bôn ba của người trẻ được tác giả Hữu Vi thể hiện một cách khéo léo. Truyện ngắn “Hòn cuội”, mâu thuẫn giữa quê nhà hay chốn xa, giữa cội nguồn hay điều ta theo đuổi, được nói đến một cách trực tiếp hơn. “Người đồng bằng sống nhờ phù sa bãi bồi còn người miền núi sống nhờ đá. Đất núi từ mẹ đá mà ra. Đó là nếp nghĩ ngàn đời của người miền núi. Hòn cuội nơi lòng suối thành thứ châu báu”.
Khi nhân vật “tôi” rời xa quê núi về với phố thị, người mẹ cho vào ba lô của anh ta hòn đá cuội, “có hòn đá cuội như có hồn cốt của quê nhà”. Một điều quan trọng và thân thiết đến thế, nhưng nhân vật “tôi” lại giữ bí mật về hòn cuội với “nàng”, dẫu luôn mang theo nó bên mình. Khi bí mật lộ ra, nàng không hiểu, và cho rằng “biết đâu linh hồn cuội đá của anh cũng kết những tiện nghi phố thị”. Cuối cùng, anh đã đưa ra lựa chọn: “Để có nàng, tôi đành lìa xa hòn cuội”.
“Cái chết của bầy ong”, truyện ngắn được lựa chọn làm tựa đề của cả tập truyện, nói về xung đột tập tục cũ và lối sống mới một cách trực tiếp. Trưởng thôn Khăm Xay mang “văn minh” đến với bản làng, thúc đẩy người dân thay đổi cách tổ chức tang ma: “Khu rừng ma từ đó chẳng còn rậm rạp như trước nữa. Các dòng họ thi nhau vào phát dọn, ngả cây, làm hàng rào, đào hào chia phần. Mỗi họ đều có lô khoảnh riêng. Trước kia, hễ có ai về trời là thầy mo mang theo quả trứng vào rừng tìm chỗ chôn. Thầy mo ném quả trứng đã làm lễ cúng. Trứng vỡ ở đâu thì chôn ngay đó. Đất cứng như đanh cũng phải đào. Người chết thích ở chỗ cứng như đanh đó.
Nay đã chia lô rồi. Mo cũng chẳng cần phải đi tìm nơi cho người chết ở nữa. Cứ theo thức bậc mà chôn trên cao xuống dưới thấp. Khăm Xay lấy luôn chỗ gỗ người ta chặt hạ đóng thành cả chục cỗ quan tài quét sơn đỏ chóe. Gã còn mua về bán cho các làng lân cận. Chẳng cần phải chuẩn bị quan tài cho người chết trong nhà như xưa nay nữa. Có người mất cứ tìm đến Xay mà mua. Nhà nào thiếu tiền thì trưởng thôn cho nợ. Sang năm lại trả thóc, dê, bò, lợn, gà. Gì cũng được. Tục lệ thay đổi. Rừng ma thành đồi trọc. Từ đường cái dẫn vào thôn, nhìn lên đồi chẳng bóng cổ thụ. Chỉ còn lại một khoảng đồi với từng đám mộ trắng mấp mô như đá nung vôi”.
Qua ngòi bút Hữu Vi, độc giả được tìm hiểu thêm về các phong tục của người miền núi như nghi thức cưới hỏi hay tang ma, những bài đồng dao, tục ném pao bắt vợ, địa vị của thầy mo, tục cúng ma, tục mổ trâu, lễ cúng họ, lễ phạt vạ, lễ gọi vía, sự quan trọng của cây cột cái giữa nhà… Tác giả Hữu Vi miêu tả lễ cúng giàng: “Già trẻ, trai gái nối nhau thành hàng dài đi về phía đỉnh con dốc. Hai người đàn ông dắt theo một con dê trắng lớn tầm chú bò con có cặp sừng dài, oai vệ lững thững đi cuối đoàn. Lưng dê chất đầy những thanh dao nhỏ vót bằng bỗ dùng để trừ tà mà. Trên lối đi phía gần đỉnh dốc và cũng là nơi diễn ra lễ hội, người ta dựng một cánh cổng bằng cây rừng. Trên cổng treo đầy giấy bản. Ngày nhỏ, Y Pà từng nghe người trưởng họ bảo rằng, khi bước qua cánh cổng kia trong ngày lễ cùng giàng, người ta sẽ sang một thế giới khác là nơi người sống và người chết cùng họp mặt”.
Dân tộc thiểu số có những nhu cầu tín ngưỡng riêng biệt. Tất cả những phong tục đều chịu sự thách thức của thời gian: “Thầy mo thời nay ăn nên làm ra. Người ta trả công bằng tiền mặt thay vì gà lợn như xưa. Xưa mo làm phúc nay thì làm ăn”.
Xuyên suốt “Cái chết của bầy ong”, các nhân vật luôn cảm nhận được tiếng gọi và sức hút của miền xuôi phố thị, nhưng họ không sao lãng quên vẻ đẹp núi rừng. Tác giả Hữu Vi không kêu gọi, không rao giảng, không đưa ra một kết luận nào. Không có câu trả lời rõ ràng và dứt khoát, không có đúng hay sai. Thế nhưng, từ trang văn của cây bút dân tộc Thái này, công chúng phải suy tư về những giá trị thiêng liêng đang nuôi dưỡng tinh thần con người và gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam.