Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Lí Học - Chủ Nhật, 24/03/2024 , 17:44 (GMT+7)

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Phan Châu Trinh (1872 - 1926). Ảnh tư liệu.

Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille. Đây là lần đầu tiên một vị vua nhà Nguyễn ra nước ngoài. Chuyến đi kéo dài gần 3 tháng và tốn kém này đã làm dấy lên nhiều hoạt động của người Việt Nam yêu nước nhằm phản đối ông, trong đó “Thư thất điều” của Phan Châu Trinh gửi Khải Định đã vạch ra 7 tội của người đứng đầu triều đình nhà Nguyễn.

Thư thất điều” là bức thư độc nhất vô nhị trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở Việt Nam, trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá “Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi”.

Cuối bức thư, Tây Hồ Phan Châu Trinh nói rằng “Bức thơ này một bản viết bằng Hán văn và gởi cho bệ hạ, ngoài ra còn dịch ra Pháp văn để đăng lên các báo và phát đơn ra để cầu người Pháp công đoán”, tuy nhiên sau đó cụ Tây Hồ có dịch sang quốc ngữ một bản.

Năm 1958, cụ Lê Ấm (1898 - 1976) và Nhà xuất bản Anh Minh xuất bản cuốn “Thư thất điều – Di cảo của cụ Phan Châu Trinh” và có nói rất rõ về bản dịch trong Lời nhà xuất bản: “Bức thư nầy Tây Hồ tiền sinh viết bằng Hán văn, có nhờ dịch ra Pháp văn đăng các báo ở Paris, lại tự tiên sinh dịch ra quốc văn nhưng rồi bị cấm. Riêng bản nguyên cảo thủ bút tác giả (Hán văn và Quốc văn) ông bà Lê Ấm (Trưởng nữ và con rể tiên sinh) còn giữ được cho đến ngày nay, nhưng trải qua nhiều cuộc tang thương của lịch sử, đoạn cuối đã bị thất lạc. Nay ông Lê Ấm sao lại và dịch tiếp đoạn thất lạc ấy theo bản Hán văn (thủ bút) cho chúng tôi xuất bản để lưu một sử liệu chân xác cho ngày sau”.

Các bản dịch “Thư thất điều” được lưu truyền, công bố trên những tập sách chính thống và quan trọng về Phan Châu Trinh như: “Phan Châu Trinh toàn tập” (bộ 3 tập) tập 3 của NXB Đà Nẵng 2005; “Tuyển tập Phan Châu Trinh” – NXB Đà Nẵng 1995 do Nguyễn Văn Dương biên soạn… đều lấy từ nguồn tài liệu xuất bản của NXB Anh Minh năm 1958 này.

Tuy nhiên, vào năm 1927, trong không khí sục sôi kỉ niệm 1 năm ngày mất của Tây Hồ Phan Châu Trinh (24/3/1926 - 24/3/1927), trên tờ Đông Pháp thời báo đã đăng trọn vẹn trên 4 số báo bản dịch “Thư thất điều” do Nguyễn Kim Đính dịch và giới thiệu. Đó là trên các số báo Đông Pháp thời báo số 559, ngày 23 Mars (tháng 3) 1927; số 560, ngày 28 Mars 1927; số 563, ngày 4 Avril (tháng 4) 1927 và số 564, ngày 6 Avril 1927.

Đông Pháp thời báo ra số đầu tiên ngày 2/5/1923 và số cuối (809) ra ngày 22/12/1928. Đông Pháp thời báo cũng là tờ báo mà nhà cách mạng, giáo sư Trần Huy Liệu làm chủ bút từ tháng 1/1925 tới tháng 7/1926. Còn Nguyễn Kim Đính làm Tổng lí, chủ nhiệm báo từ tháng 5/1923 tới tháng 10/1927.

Trong không khí ngột ngạt đô hộ, chèn ép tự do của thực dân Pháp lúc đó, việc Đông Pháp thời báo của Nguyễn Kim Đính lọt qua lưới kiểm duyệt và đăng trọn vẹn 4 số báo nguyên văn bức thư của Phan Châu Trinh gửi Khải Định phải nói đó là một sự dũng cảm của tờ báo, và cũng là sự khôn khéo vượt qua kiểm duyệt của những người phụ trách tờ báo. Qua đó cũng thấy thái độ của những người làm báo lúc đó đối với nhà cách mạng Phan Châu Trinh cũng như đối với triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp đương thời.

Ngay giữa lúc chính quyền quân chủ chuyên chế nhà Nguyễn còn đang trị vì (1927), ngay trong lúc đất nước đang bị thực dân đô hộ, việc đăng tải với đồng bào, bạn đọc trong nước “Thư thất điều” của Phan Châu Trinh mà Đông Pháp thời báo đã làm là một hành động đáng khen ngợi.

Cũng trong năm 1927, Nguyễn Kim Đính đã biên soạn và in ấn, công bố cuốn sách “Gương chí sĩ Phan Tây Hồ”, trong đó đã in lại nguyên văn bức “Thư thất điều” của cụ Phan gửi vua Khải Định cùng 2 bài diễn thuyết của cụ Phan; Lễ truy điệu cụ Phan và những bài điếu văn, câu đối... của sĩ phu, nhân dân trong nước đến viếng cụ Phan. Năm 2018, Nhà xuất bản tổng hợp TP.HCM cũng đã cho tái bản lại cuốn sách này.

Công bố thêm bản dịch này của Nguyễn Kim Đính, chúng tôi không có ý định so sánh với bản dịch của cụ Lê Ấm do NXB Anh Minh ấn hành năm 1958, mà chúng tôi muốn cung cấp thêm một bản dịch từ Hán văn sang quốc ngữ của một tác giả khác, đã dịch và công bố trên báo năm 1927 trong không khí giới sĩ phu và những người yêu nước Việt Nam đang sục sôi thương nhớ, kỉ niệm ngày mất của chí sĩ – nhà cách mạng Phan Châu Trinh 24/3/1927.

Trong bối cảnh đó, có lẽ trên nền tảng của tinh thần yêu nước, yêu độc lập dân chủ nên lời văn, cảm xúc văn chương của Nguyễn Kim Đính mang đậm không khí của thời đại.

Nhân kỉ niệm 98 năm ngày mất của nhà cách mạng Phan Châu Trinh năm nay, báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu nguyên văn bản dịch “Thư thất điều” của Phan Châu Trinh gửi Khải Định năm 1922 đã đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1927 do Nguyễn Kim Đính dịch.

- - - - - -

Trinh này sống gặp lúc nước hà điêu nguy, mắt trông thấy cõi đời cái gì cũng đổi mới cả, ham mến cái văn minh dân chủ, giận cái chuyên chế quân quyền, quan lại thì tham tàn, nhơn dân thì thảm khổ, thấy như thế tôi đau lòng quá, không còn tiếc gì đến thân mình, muốn kéo cái nguy cuộc lại.

Năm 1906, tôi đã đưa thơ cho Chánh phủ bảo hộ, đòi phải sửa sang một cái chánh sách mới, những điều tôi yêu cầu như lập trường học, mở hội làm ruộng, đi buôn, thay cách ăn bận theo lối Âu Mĩ, những việc tôi đề xướng lên đó đều ở trước tai mắt mọi người, tưởng cũng chẳng có tội gì. Vậy mà Chánh phủ Nam trào lâu nay quen cái thói chuyên chế, chỉ mong sao cho vinh thân phì gia lấy một mình, thấy ai nói đến cải cách thì ghét như cừu thủ, coi nhơn dân như cỏ rác, ấy chánh là những cái mầm cách mạng nổi lên.

Năm 1908 xảy ra việc dân biến, những người bị giết bị tù chết có đến hàng mấy ngàn. Trinh nầy cũng bị buộc vào tội chết, đày đi hoang đảo. Ôi nước Nam đứng ở dưới quyền bảo hộ của nước Pháp cũng đã lâu, vậy mà những cái chánh sách hủ bại ấy không thấy cải cách, cái nọc độc chuyên chế đến thế, tưởng nói ra thế giới ai cũng lấy làm lạ lùng. Trong khi ấy nếu không có những bực chí sĩ nhân nhơn nước Pháp, thể cái nghĩa bác ái bình đẳng ghé vai gánh vác cho Trinh thì cái thân già này còn đâu có đến ngày nay. Trinh sở dĩ còn được chút sống thừa, đều là nhờ cái văn minh của dân tộc Pháp cả. Năm 1910 Trinh qua ngụ bên Pháp quốc, khảo cứu học thuật, 12 năm trời ở ăn cái nước dân chủ, hít thở cái không khí tự do nếu không mau mau kêu gọi quốc dân, cùng nhau hiệp lực đồng tâm cùng với bọn bạo quan ô lại kia quyết liệt một phen, đem cái ma lực chuyên chế của quân chủ đã mấy ngàn năm nay, nhổ đến tận gốc, lấp cho đầy nguồn, ra tay quét sạch sành sanh, thì quốc dân ta quyết không có ngày nào còn được trông thấy bóng sáng mặt trời nữa; tới khi nghe tin bệ hạ lên ngôi, đã được 7 năm nay, mà tuyệt nhiên chưa được nghe có chánh sách gì hay, kiêu dâm càng ngày càng lộng, phạm danh giáo, loạn kỉ cương, biết bao những cái thủ đoạn ngang trái, nắm chặt cái quyền chuyên chế nhà vua, coi thường những luật lệ  thưởng phạt nước nhà, đem máu mủ dân để vào sự vui sướng của mình, trái cả cái cách văn minh của nhơn đạo, ngăn cả con đường tấn bộ của quốc dân, cái đức thúi tha dơ dáy lan khắp mọi nơi, không có ngòi bút nào tả ra cho hết; xét coi cái chánh thể văn minh lập hiến ở các nước bên Âu, Á, mỗi khi nhà vua có phạm điều gì, quốc dân được phép hỏi tội, dẫu nước ta bây giờ dân quyền chưa có, hiến pháp chưa lập, nhà vua còn nắm cái quyền độc đoán, nhơn dân chưa được nghị luận tự do, nếu lấy theo cái đại nghĩa ấy mà làm thời bệ hạ tất phải chịu những búa rìu của quốc dân giã vào, không thể tha thứ được. Nói ra khôn xiết, song bây giờ hãy đem 7 tội mà bệ hạ đã phạm tới quốc dân, kể cho rõ ràng, khi bệ hạ nhận được bức thơ này, hãy nên tỉnh ngộ lại mà xử lấy mình.

Tôn bậy quân quyền

Bệ hạ từ khi lên ngôi tới giờ, thường phát ra những tờ chiếu, ép nhơn dân lại để tôn quân quyền lên, đó là nghĩa gì thế? Nước ta vốn là nước sùng thượng Nho học, câu đó chính tự miệng bệ hạ nói ra, vậy coi trong nhà nho tôn nhứt là ông Khổng ông Mạnh, ông Khổng đáp cái câu một lời nói làm cho nước mạnh, có nói rằng: “Làm vua khó, làm tôi không dễ”, đáp cái câu một lời nói làm cho nước mất, có nói rằng: “Ta không thích gì làm vua, chỉ sao cho lời ta nói mà không trái thôi”.

Ông Mạnh Tử có nói rằng: “Dân quý nhứt rồi đến xã tắc, còn vua là khinh”, còn muôn vàn những câu nói khác nữa đều cùng một ý ấy. Bệ hạ thử giở các sách Ngũ kinh, Tứ thơ ra coi câu nói nào làm cái chứng tôn quân được không?

Vì cái địa vị của mình trên muôn người, thì cái tấm lòng của mình phải ở dưới muôn người, ấy là cái tinh thần của Nho giáo đó. Nếu không hiểu như thế mà cứ lên mặt hô hào với người trong nước rằng: Phải tôn ta! Phải tôn ta! Ấy là cái họa sắp phải tiêu mất đó. Xưa vua Kiệt nước Hạ có câu rằng: Ta có thiên hạ cũng như trời có mặt trời, khi nào mặt trời mất thì ta mới mất. Vì thế dân nó cũng đáp lại rằng: Mặt trời kia bao giờ mất, ta cùng người đều mất. Vua Trụ nước Thương có nói rằng: Ta sanh có lẽ nào không có mạng tự trời. Vì vậy dân cũng đáp rằng: Trời trông tự dân ta trông, trời nghe tự dân ta nghe. Ấy là cái chứng quân quyền tự tôn đó. Kết cuộc lại một anh thì phải phóng ra nội Nam Sào, một anh thì đầu treo ở dưới cờ Thái Bạch. Ông Khổng Tử có phê bình một câu rằng: Ông Thang đuổi vua Kiệt, ông Võ đánh vua Trụ, đều là ứng mạng trời mà thuận người cả. Ông Mạnh Tử cũng phán đoán rằng: Nghe đứa giết cô độc là Trụ, chớ chưa nghe nói giết vua bao giờ. Đó chẳng phải những lời thốt ra đích đáng của những bậc chơn chánh nho học đấy ư? Kinh truyện còn đó, đều do tay hai ông Khổng Mạnh chép ra sao được tự dối mình để dối người ư?

Ngày nay bệ hạ phát ra những lời Châu dụ ấy, có phải tự mình phản đối với Nho giáo không? Có ông vua nào tự mình bội với quốc giáo mà lại ngồi trên người ta được lâu dài bao giờ. Ấy nói về học thuyết Á Đông thì như thế, còn nói về học thuyết Âu Tây thì nước là nước của dân, đặt ra trào đình để chịu phân ủy thảo của quốc dân, còn ông vua hay quan Tổng thống thì tức là người đại biểu trong một nước cũng như trong một công ty nào có người sếp (chef) vậy. Đã chịu phần ủy thác đã được hưởng những quyền lợi thì phải làm sao cho đầy đủ cái bổn phận của mình. Nếu không thế thì người trong nước ai cũng được chiếu luật mà giết đi cũng như xử một tên phạm tội kia vậy.

Ấy cái thuyết bình đẳng tự do là như vậy mà cái trách nhiệm của mấy người làm đầu quốc dân là như thế. Nếu ai coi nước như một món của riêng của mình thì ví như bọn trộm cướp; còn ai cậy cường quyền mà áp chế nhơn dân thì ví như quân phản nghịch, sẽ đem quốc pháp mà xử trị ngay. Đến ngày nay cái nghĩa ấy đã như mặt trời chói lọi giữa trời, phàm các dân tộc văn minh ở trên thế giới đều cần dùng như nước, lửa, lúa gạo; tin cẩn như kim khoa ngọc luật, thuận thì được thạnh, mà nghịch thì mất ngay, các nước lập hiến đều noi theo như thế. Xưa vua Lộ Dịch (Louis) thứ XVI có nói: “Trẫm tức là nước nhà” thì dân Pháp ai cũng cho là đại nghịch bất đạo, đến nay nhà làm sử chép đến hãy còn hơi giận chưa nguôi. Cái ý ấy cũng chả khác gì bên Nho giáo, ông Khổng Tử có nói rằng: “Mình ghét những sự của dân muốn, mình muốn những sự của dân ghét thì tự khắc có tai vạ đến thân ngay”. Ông Mạnh Tử có câu nói rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của thiên hạ”, quả thiệt có thế. Ngày nay bệ hạ sanh ở cái nước Nho giáo, làm ông vua trong cái thế kỉ thứ hai mươi, dưới quyền bảo hộ của nước Pháp là nước dân chủ, vậy mà tự tôn mình như thần thánh, ngồi trên đầu, trên cổ dân mà không biết ngượng ngùng gì, rõ ràng là bội nghịch với cái giáo nghĩa của ông Khổng ông Mạnh; trái với cái văn minh của thế giới, thì không những rằng dân nước Nam nầy không dung mà chắc rằng nước Pháp cũng đem lòng giận. Gần nay coi cái thời thế của các nước bên Âu bên Á, như nước Nhật Bản kia vốn là nước đồng văn với ra, bốn mươi năm trước đã đặt ra thứ dân, nghị viện, các việc đều do dư luận của quốc dân, nhà vua không được tự chuyên lấy một mình, đến nay thế nước cường thạnh, đứng đầu các nước phương Đông, vậy mà nhơn dân còn hiềm rằng quyền vua lớn quá, mấy năm vua Minh Trị về sau đã một lần thiếu chút nữa bị ám sát. Năm trước đây quan Tể tướng là Kinh Nguyên bị đâm chết, vì cớ ấy nên ngay đến nước Tàu là nước tổ văn minh của ta, hơn mười năm trước cũng đuổi vua đi mà lập thành dân quốc. Các nước bên châu Âu, quân quyền thạnh nhứt không đâu bằng vua nước Nga, rồi thứ đến vua nước Đức, vua nước Áo, tới sau thua một trận lớn rồi, vua Ni Cô La (Nicolas II 1868-1918) thứ hai bị quốc dân giết, cả nhà đều bị chết một cách thảm thiết, vua Uy Liêm (Wilhelm 1888-1918) thứ hai thì phải trốn qua nước Hà Lan, còn vua Sa Lư (Charles) thứ nhứt hai lần lén về toan mưu khôi phục, quốc dân đuổi như đuổi con heo, rốt lại cũng bị đày chết ở ngoài hoang đảo. Cứ như trên kia đã nói, các ông vua các nước ấy đều là những người thấy xa nghe rộng cả vậy mà dân trong nước đối với vua còn ghét như sâu mọt, ghê như rắn rít, mỗi khi cử động một cái gì không cẩn thận thì tự khắc có những lời bao biếm theo ngay, mưu một việc không thành thì tấm thân khó lòng giữ đặng, coi đó đủ biết cái dân trí ngày nay không phải u mê sợ sệt như trước nữa. Nước ta vốn là một nước quân quyền chuyên chế, bao nhiêu chánh trị ở trào đình không cho nhơn dân được phép hỏi tới, nhứt là 80 năm trở về sau đây vua thì dốt nát ở trên, bầy tôi thì nịnh hót ở dưới, hình pháp dữ dội, luật lệ rỗi loạn, làm cho dân không còn biết sống theo cách nào. Trào vua Gia Long dùng theo luật lệ trào Càn Long nhà Thanh, là một cái luật chuyên chế thứ nhứt ở Á đông nầy coi như luật ấy ban ra, quan Đại tổng tài Nguyễn Văn Thành là một người khai quốc công thần đệ nhứt mà chỉ vì mấy câu thơ văn nhỏ mọn đến nỗi bị giết cả ba họ, liệt tổ trào Nguyễn hơn hai trăm năm trước dựng nên cơ nghiệp nầy, công đức cũng đã là lớn lao, vậy mà con cháu hơn sáu mươi năm sau đây tác tệ ra như thế, đến nỗi diệt vong đều là tự mình gây nên cả. Hình pháp thì như thế, còn về giáo dục thì đồi bại quá, trong nước những người đeo lốt sĩ phu mà không biết một chút gì, đến nay thế nước càng ngày càng suy yếu, đến nỗi sụt xuống bậc cuối cùng, nếu không núp ở dưới cờ bảo hộ của nước Pháp thì ngày nay không biết đã trụy lạc xuống vực sâu hang thẳm nào! Cứ lấy lẽ công mà luận tội, thì mấy anh ngồi cao đứng đầu tức là mấy anh vua đó phải phục tội thương bình, dẫu chối cái cách nào cũng không thoát khỏi, không những rằng quyền vua không tôn được mà ngay chánh cái địa vị vua cũng khó lòng giữ được. Vậy mà cha truyền con nối được đến ngày nay, thì đủ biết rằng dân trí bế tắc, thiệt đáng thương lắm.

Từ khi bệ hạ lên ngôi, chưa nghe thấy nói một điều hay nào, mà những điều ác đã inh ỏi bên tai, chạy đầu này đầu nọ để bước lên cái địa vị chí tôn rồi thì tự coi mình như thần thánh, nết làm như quỷ mị, ở ngôi vừa mới đặng 7 năm mà những sự oán vọng của dân đã chất chứa đầy bụng, huống chi còn chực mượn thói cường quyền để tự tôn lấy mình ư? Cứ như tội ác ấy chiếu theo các luật đối đãi quân chủ ở bên Âu bên Á xưa nay, thì một là đáng giết, hai là đuổi đi cũng chẳng oan gì, đó là một tội.

Lạm hành thưởng phạt

Thưởng phạt là một việc lớn trong nước, tánh mạng của dân, giềng mối của nước quan hệ vào đó. Ông Khổng Tử có nói rằng: “Hình phạt không trúng thì dân không còn biết để chân tay vào chỗ nào”.   Ông Mạnh Tử cũng có nói rằng: “Trên không đạo theo, dưới không phép giữ, vậy mà không mất là không có”. Chánh thể ngày xưa mỗi khi trao quyền tước cho ai, thì có cả mọi người trong trào đều bằng lòng, làm tội người ở ngoài chợ thì có cả mọi người đều vừa ý, hai điều ấy nếu không công bằng thì quốc dân cần dụng cái chánh phủ này làm gì. Tôi nghe đích thiệt rằng hiện nay trong trào có mấy thằng “chó chết” kia đều là những bọn cố giao của bệ hạ, ngày trước cũng đã cùng phen cùng bệ hạ vui chơi nơi xóm liễu vườn hoa, rong ruổi các đầu đường xó chợ, tới khi bệ hạ được lên ngôi thì trao ngay quyền tước, để ngay vào bên tả bên hữu mình bao nhiêu những người quen thuộc khi xưa đến cất nhắc cho làm quan cả. Lại nghe có nói quan Thị lang kia, vợ ý ngày trước đối với bệ hạ có chút oán nhỏ, bệ hạ vẫn lấy thế làm hiềm, nay được lên làm vua thì lập tức báo thù mà cách chức một cách vô cớ; lại có ngài quan Thượng thơ kia thường hay đem việc riêng của bệ hạ nói chuyên với người ngoài, vì cớ ấy bệ hạ buộc vào trọng tội xử 8 năm tội đồ, án đã thành rồi, sau nghe tin viên quan ấy vốn là một người giàu có, bèn chẹt lấy muôn đồng bạc, rồi tha tội đấy mà giáng chức đổi đi chỗ khác. Ấy những việc thưởng phạt đều là do ý riêng của bệ hạ chớ chẳng thèo ngó đến quốc pháp là gì. Lại nghe tin ở quanh mình bệ hạ đều có đặt ra những kẻ trinh thám, cớ hơn 40 người, sớm tối đi rảo quanh khắp nơi thành thị hương thôi, nghe coi ai có dị nghị mình thì buộc vào tội, nếu không cùng tìm cách ám hại riêng, vì thế mà những bọn vô lại mượn thế hoành hành, khách đi đường bảo nhau bằng con mắt, khổ sở không biết chừng nào. Xưa vua Lệ vương nhà Châu vô đạo, sợ người ta nghị luận đến mình, bèn cùng lập cách như vậy để bịt miệng dân, rồi rốt cuộc lại cũng bị quốc dân phanh thây ra, bệ hạ há chẳng lấy đó làm gương ư? Đó là hai tội.

Thích chuộng những sự quỳ lạy

Cái phép lạy quỳ chẳng qua là cái biểu hiện tôn kính đó thôi, chớ một người ngồi chót vót ở trên, một lũ người áo mũ râu ria phủ phục ở dưới không những con mắt người ngoài trông vào có vẻ ngượng ngùng mà lại hèn cả cái tư cách loài người đi nữa. Như thế c hẳng qua làm cho kẻ trên càng kiêu căng, kẻ dưới quên cả tủi hổ, thiệt là một cái lễ phép tối dã man. Đến bây giờ đây trong thế giới các nước văn minh, không đâu còn có cái thói như thế nữa, chì còn đôi chỗ mọi rợ ở miền rừng núi nào hay miền sa mạc nào là còn có thế mà thôi. Vậy mà phong tục nước ta vẫn còn chưa bỏ thiệt là một cái xấu hổ chung cho dân tộc ta.

Năm 1906 quan toàn quyền Beau đã hạ lịnh cấm cái thói quỳ ấy, song le những bọn quan lại nước ta hãy còn lấy cái đó làm vinh diệu, không chịu bỏ đi, thành ra cái lịnh ấy chưa thi hành được, người trí thức ai cũng lấy làm xấu hổ.

Tớ khi quan Toàn quyền Sarraut đáo nhậm, lại sức lấy nghiêm cấm một lần nữa, quốc dân ai cũng lấy làm mừng, duy có bệ hạ còn giữ mãi cái thói mọi rợ ấy, không những không chịu bỏ đi, mà lại ham hố như ăn uống, phô trương như lễ nghi; mỗi khi trong trào có làm lễ mừng gì, bê hạ vinh mày ở trên, các bầy tôi rút cổ rút đầu ở dưới, rồi lại cho người chụp hình để truyền bá đi khắp trong nước, chẳng những nước Nam mà thôi đến cả các nước bên Âu bên Mĩ chỗ nào cũng thấy có. Khi bệ hạ qua Pháp quốc, các quan đại thần tiễn chân đến bén xe Tourance còn làm môt cuộc đại lễ nữa. Khi tới bến Marseille cũng vậy. Ôi quỳ lạy chẳng phải là cái lễ văn minh, ông vua chẳng phải tôn như ông trời, thần dân chẳng phải là một loài nô lệ, bến xe chẳng phải là chỗ chào mừng, vậy mà ta đặt áo mũ xuống, bùn than coi loài người như trâu ngựa, chỉ bày trò cho người nước ngoài họ khinh và mất cả danh dự chung của quốc dân, ai cũng lấy thế làm tủi nhục, duy có bệ hạ lại lấy thế làm hãnh diện mà vui lòng làm, nếu không phải là “chí ngu” thì đâu đến nỗi thế.

Cực dĩ chí sai người lấy sáp nặn tượng hình, những khi trào hạ bày ở trường đấu xảo Marseille, để khoe khoang với các nước; bệ hạ thì tay cầm bốt ngọc, mình dựa ngai vàng ngất ngưởng ngồi trên; các quan lớn nhỏ thì mặc đồ trào phục cúi đầu nhắm mắt, phủ phục ở dưới trông chẳng khác gì bầy rái tế cá, lũ khỉ làm trò, thiệt không biết sự xấu hổ của loài người là gì.

Các người thức giả Âu Tây trông thấy thì đều bụm miệng cười thầm, về phần bệ hạ đã mặt dày mặt dạn không biết xấu hổ là gì thì đã đành rồi, nhưng còn nhơ nhuốc cho quốc thể thì sao? Ông Mạnh Tử có nói rằng: “Vua coi bầy tôi như chó ngựa, thì bầy tôi coi vua như khách qua đường; vua coi bầy tôi như cỏ rác thì bầy tôi con vua như cừu thù”. Bầy tôi còn biết như thế huống chi về phần thần dân thì chẳng nói ai cũng biết rồi. Vậy thì bệ hạ đối với quốc dân là người thế nào? Là khách qua đường chăng, là cừu thù chăng, quốc dân nên xử trị bằng cách nào mới đúng? Đó là ba tội.

Xa xỉ quá độ

Tại xã An Cựu, bệ hạ lập nên cung điện lầu đài rất là tráng lệ, lại mua các đồ sứ cổ ở bên Tàu, mỗi thứ có tới ba bốn ngàn đồng bạc, đem về đập bể ra để chắp nên hình con long con lân, lại phí không biết bao nhiêu là vàng, mướn người Tây đúc tượng mình ba bốn cái, cả đến áo mũ giầy dép đều trang sức bằng vàng ngọc bửu thạch đem qua bày ở trường đấu xảo Marseille, sự xa phí ấy cả đến châu Âu, châu Á xưa nay đều chưa từng đến thế. Bệ hạ trước khi chưa lên làm vua, túng kiết nợ nần thế nào, phần nhiều người trong nước đều biết cả, ngày nay may gặp giàu sang, đã không biết nghĩ đến cái tấm thân của mình ngày trước thì chớ, lại tiêu càn phí bậy, món tiền ấy đã không phải lấy ở trong túi bệ hạ ra, thì chẳng phải là món tiền mồ hôi nước mắt của dân đấy ư? Lại nghe nói khi bệ hạ đi Tây, trong khi ở dưới tàu hằng ngày đem rượu champagne đãi các hành khách, nguyên một món tiền cho bồi tàu có đến hai mươi lăm ngàn quan tiền Tây, ấy là chưa kể những kim tiền, kim khánh, muốn cho ai thì cho nữa. Ôi xứ Trung Kì nhơn dân làm nghề làm ruộng, nghèo khổ đến cực điểm lại còn nay bão mai lụt, thiên tai xảy đến luôn luôn, còn thêm quan tham lại nhũng, đất xấu dân nghèo, gia dĩ trong khí có cuộc Âu chiến tranh, đồ ăn thức dùng cái gì cũng tăng giá, cái thảm trạng lưu li đói rét, đến ngày nay còn chưa hết, lại thêm sưu thuế nặng nề, gánh chịu không nổi, so với hai xứ Nam, Bắc thì xứ Trung Kì lại càng khổ bội phần hơn. Không nói đâu xa, cứ nói ngay tự năm 1916 tới năm 1918, là những năm bệ hạ lên làm vua, nội miệt tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, nhơn dân bị bão bị lụt, bị bạng bị bịnh dịch hàng ngày trên báo chương kêu la không dứt, cái cảnh tượng thương tâm thảm mục đến thế là cùng. Bệ hạ ngồi trên muôn dân, mà chưa từng nghe làm một việc gì hay, để cứu lấy kiếp sống thừa của con dân, quyên một chút đỉnh gì để đỡ cơn đói khát của dân, vậy thì cái thân bệ hạ đối với quốc dân tuyệt vô quan hệ đã lâu lắm rồi. Đã vậy mà ngày nay còn dám ăn cắp tiền của nước ta để làm của riêng của mình mà tiêu xài xa phí, đem những của mồ hôi nước mắt mà liệng vào chỗ không đâu, cứ những cái cử chỉ như thế thì bệ hạ còn có tư cách gì mặt mũi gì mà đứng trên đầu nhơn dân nước ta nữa. Ví thử bệ hạ lấy cái món tiền dựng cung thất ấy, mà dựng ngay một cái Trường học lớn tại Kinh thành, lấy cái món tiền mua đồ trang sức và đúc tượng đồng, mà mua những đồ bày biện trong nhà trường và dùng làm lương bổng của các giáo sư và lấy những món tiền của bệ hạ phung phí ở dưới tàu để trợ cấp cho người lưu học sanh Việt Nam ở bên Pháp vậy thì món tiền có lợi ích biết là dường nào. Ôi cái tình cảnh của dân nước ta ngày nay, cần cù suốt một năm trời đổ mồ hôi, xót con mắt, vợ la đói, con la rét không kể, ngoài mình không có một manh áo, trong bụng không có một hột cơm không kể, chỉ ngày đêm cắm cúi làm sao cho có đủ món tiền mà nộp sưu thuế cho nhà nước, vậy mà ngày nay lại phải chịu đau đớn hiến tiến của để cung cấp cho hôn quân kia có huy hoắc thì có khổ hay không? Trong cái lúc bệ hạ tiêu xài huy hoắc như thế, có nghe biết cái việc làm của quan Đại Tổng thống nước Tàu là Lê Nguyên Hồng không? Y vì thấy Chánh phủ Tàu nghèo, bèn tự nguyện đem cái món tiền lương của mình hàng năm là ba triệu rưỡi quan tiền Tây dâng lại cho quốc dân để làm việc hữu ích, báo Tây khen ngợi mãi không thôi.

Ôi cái nước Tàu là một nước đất rộng dân đông, tiền nhiều bạc lắm, khắp thế giới không đâu bằng, vậy mà cái ông Tổng thống lo dân thương nước kia còn không muốn lãnh cái món tiền lương của mình sợ để thiệt thòi cho quốc dân, huống chi bệ hạ là một cái ông vua ở nước bị bảo hộ, cứ cái địa vịa thì còn ở dưới quan Tổng thống toàn quyền đại thần kia, danh hiệu chẳng qua đối với bọn nô lệ, đồng nghiệp không hơn gì một người tầm thường; vậy mà dám để mình như ông trời, làm việc như trộm cướp, mỗi một năm ngoài những món tiền lương bổng ra, lại còn thêm tu tạo cửa nhà, chơi bời lãng phí, tính lại không biết là bao nhiêu. Khi bệ hạ gởi bức thơ cho quan đại thần, trong đó có câu xưng là cha mẹ của dân, nước Nam vốn là một nước trọng cái gia đình luân lí, có khi nào lại sanh ra cái thứ cha mẹ bất lương như thế bao giờ. Tưởng nên đổi là một tên giặc chung của dân thì phải. Đó là bốn tội.

Ăn bận không phải lối

Bệ hạ tự mình chế ra những thứ lễ phục lối mới, mỗi khi lâm trào đều có mặc, cái mốt (mode) mặc áo chiến bào của bệ hạ mặc, xung quanh rẻo áo và hai cổ tay dính bằng vàng ngọc, đeo một chuỗi bửu thạch, vàng bạc sáng ngời, trong không ra Âu mà cũng chẳng ra Á, lại thêm trên cái nón của Bệ hạ có vẻ hình rồng phụng 5 sắc; nghe nói khi quan Thống chế Joffre qua nước Nam, bệ hạ bận cái áo ấy để ra nghinh tiếp. Lần này qua Pháp, đến viếng mồ người chiến sĩ vô danh, bệ hạ cũng có mặc áo đó, may sao người Pháp không để ý gì đến những việc lễ chế nước ta, nên cũng không ai biết, chớ ví phỏng có người Pháp nào biết đến hội điển Việt Nam, mà hỏi gạn rằng: Chẳng hay cái áo của bệ hạ mặc đó có phải áo quân phục của nước Việt Nam không? Thì không biết bệ hạ sẽ đáp lại thế nào? Ôi lễ phục các nước trong thế giới này đều có định chế cả, những khi tiếp khách, cùng trào hội nhứt cử nhứt động, đều có quan hệ đến quốc thể, nếu sơ suất một chút thì đối với người ngoài mang tội thất lễ, đối với người trong mang tội trái phép, nước ta ngày xưa đối với việc này lấy làm cẩn thận lắm, trên từ Thiên tử, dưới đến thứ nhân, đều có thể lệ, khuôn phép riêng, chép vào hội điển, truyền làm lịnh chung, nếu có sai trái điều gì thì sẽ có hình phạt theo ngay.

Ngày nay bệ hạ cho rằng, lề lối xưa không hiệp với nay nữa, phải nên cải cách lần lần cho hiệp thời thế, thì sao bệ hạ không bắt chước ngay các nước bên Tây, dựng nên thể lệ, rồi công bố cho quốc dân biết mà noi theo? Lẽ đâu bệ hạ tự chế ra rồi tự mặc lấy, đối với bề trong thì người trong nước quan chiêm vào đã không chánh đáng gì, đối với bề ngoài thì con mắt người ngoại quốc trông vào chỉ thêm làm nhục cho quốc thể, so vào quốc pháp, nên đem ra mà trị tội, không còn tha thứ được, đó là năm tội.

Chơi bời vô độ

Bệ hạ từ khi lên ngôi tới giờ, các nghi vệ đế chế, càng ngày càng thấy lộng lẫy thêm, mỗi khi ra đi chơi, lúc thì cưỡi voi, lúc thì ngồi kiệu, lúc thì đi xe ngựa, những bộ hạ theo hầu, nhiều tới hơn một trăm, ít cũng tới ba, bốn mươi người; mai sớm chiều hôm rong ruổi ở các nơi đường sá chợ búa, những cái nghi trạng hách dịch cùng những kẻ bộ hạ kiêu hãnh, thiệt là nước Nam tự năm sáu mươi năm tới giờ chưa từng thấy ông vua nào như thế; các người đi đường khốn khổ về nỗi trốn tránh, các dân cư chán cường về nỗi huyên náo, vậy mà bệ hạ vẫn dương dương tự đắc, có ý khoe khoang cho người ta biết mình đây làm vua sang đến như thế!

Xét luật pháp các nước văn minh, không có cái quyền lợi nào ra ngoài được giới hạn, ngày nay bệ hạ tự tôn cái quyền làm vua quá, bao nhiêu oai phước đều do tự nơi mình, còn như chánh trị bê trễ, không lưu tâm đến, nhơn dân đói rét, không để ý đến, chỉ đi chơi hoang suốt ngày, không tiếc gì đến thì giờ và tiền bạc, như bệ hạ thì thiệt là tôn vinh đấy, nhưng còn quốc dân tật khổ thì sao? Có phải bệ hạ chỉ là người biết hưởng lợi quyền mà không biết làm bổn phận không? Nếu chiêu luật thì nên ghép vào tội phóng khí trách nhiệm, lầm nước hại dân, nên đem ra làm chánh pháp, đó là sáu tội.

Chuyến này đi Tây có một sự ám muội

Bệ hạ chuyến nầy qua nước Pháp, phàm người trong nước ta ai cũng có quan tâm đến quốc sự đều đem lòng suy nghĩ, trước còn la, sau thì giận, rồi kế ùm lùm chỉ trông nhau mà cười. Bệ hạ mượn tiếng rằng đưa Hoàng tử đi du học, và viếng đài Việt Nam quân sĩ trận vong, cùng là coi xem các nơi bị tàn phá ở phía Bắc nước Pháp, nhưng đó đều chẳng qua là cái việc riêng của bệ hạ, một người mà thôi, chớ chẳng phải là việc chung của cả quốc dân, và những việc ấy cũng chẳng phải cần kíp gì. Hay bệ hạ mượn tiếng rằng qua du lịch sang nước Pháp để khảo sát các văn minh đem về mà sửa sang quốc chánh lại, thì bệ hạ không phải là cái người như thế, vì nước Pháp là một nước dân chủ, mà bệ hạ là ông vua tôn quân quyền, chẳng khác gì đem cái hình vuông mà đút vào cái ống tròn, không ăn nhập gì với nhau cả. Huống chi bệ hạ là người không hiểu tiếng Pháp, còn các quan đại thần đi theo như mấy tên kia đều là một bọn hạ lưu ở nước ta, so bề trí thức còn thua kém đứa con trẻ mười tuổi ở nước Pháp. Và trong khi bệ hạ ở Paris chỉ được nghe chuyện mỗi khi coi đua ngựa, trả đến 200 quan tiền Tây, sau thấy tờ “Thần báo” bên Pháp đăng “vua An Nam mỗi khi bước chơn ra đến ngoài, dầu chơn đều đầm đìa những nước bông và vô vàng các tiệm bán đồ kim ngọc nữ trang, thì tỏ ra bộ rành biết các giá cả lắm”. Ấy con mắt quan sát bệ hạ chỉ có thế mà thôi, ngoài ra các nơi như viện bác vật, nhà bác cổ, trường học lớn, xưởng to và các chỗ biểu hiện văn minh của người Pháp thì chưa hế thấy bệ hạ để bước tới. Mượn cớ rằng đi coi trường đấu xảo thuộc địa Marseille, thì hỏi rằng đấu xảo ấy có những gì, chẳng qua lại mấy món đồ của người trong nước như Bắc Kì, Nam Kì, thì cũng ở dưới quyền quản trị của người Pháp, ngoài ra còn có gì khéo lạ nữa, còn như núp ở dưới quyền chuyên chế của bệ hạ là 12 tỉnh Trung Kì, sĩ phu thì lòng đen như mực, nông dân thì đói chí tử, còn có gì gọi là khéo nữa. Hay muốn nói cái khéo thì duy có bệ hạ và một bọn quan lại kia, lạy quỳ khéo, nịnh hót khéo, ăn của hối lộ khéo mà thôi. Tiếc rằng cái bọn quỷ mị ấy, nếu ở vào thời kì nước Pháp sáu bảy mươi năm trước thì đã liệng vô nước lửa hay hiến cho sài lang rồi, bệ hạ ngày nay dẫn dắt tụi ấy đi chắc cũng biết rằng ngoài mình với tụi ấy ra thì không còn ai đấu cho xứng đáng được nữa. Lại nghe bệ hạ đi Pháp chuyến này có mang một cái sự ám muội, ai dòm vô cũng dễ trông thấy. Số là vài năm trước, bệ hạ vì có một tay quyền thế kia nâng đỡ mà được lên làm vua, khi đã được lên làm vua rồi, mượn cái oai chuyên chế vét cho hết cả những của cải của nhơn dân để mua sắm các đồ quý của các nước, và thâu hết cả những của báu của lịch trào để lại nơi chốn miếu đường, cộng cả thảy có đến hơn trăm rương, ngày nay mang hết qua bên Pháp, rồi nhờ mấy người Pháp kia vận động, ton hót với đảng quân chủ để bảo hộ cho được vững vàng cái địa vị làm của của cha con mình, và nhờ làm hậu viện để cho đạt cái giấc mộng tôn quân quyền của bệ hạ, khi xong việc rồi bệ hạ sẽ về nước đem cái oai quyền của mình ra mà hống hách để khóa miệng người trong nước lại, rồi sau sẽ kí ngầm mấy cái điều ước gì đó để báo đáp lại. Ấy cái việc của bệ hạ định như thế, dẫu thuộc về sự bí mật song ngày nay quốc dân ai cũng nghe biết cả rồi. Ngạn ngữ Tây có câu: Không có lửa làm sao có khói, nếu bệ hạ không có thể thì sao lại có những lời đồn đại kia? Những tưởng cái kế gì chớ làm cái kế ấy thì thiệt là vụng tính lắm. Bệ hạ muốn cho bền chặt cái địa vị quân chủ của mình mà lại đi cầu khẩn với một nước dân chủ, Trinh này biết chắc rằng việc chẳng xong nào.

Chỉ có bệ hạ ngu dốt chưa từng đọc đến những lịch sử dân chủ cách mạng của nước Pháp đó thôi. Chớ nếu mà biết rõ ra, thì chỉ có cúi đầu đoản hơi tự lấy làm hổ thẹn, chớ còn nói gì được nữa.

Nay hãy coi lúc thế kỉ 18 bên châu Âu, cái quyền quân chủ nước Pháp lên tới cực điểm, thưởng phạt tùy theo ý mình, tự nhận mình là Nhà nước, coi nhơn dân như tôi mọi, phung phí tiền của như đất bùn, nào sửa sang cung điện, nào chơi bời xa xỉ, phục sức hoa mĩ, lạy quỳ tôn nghiêm, có phần lại hơn bệ hạ bây giờ nữa.

Song trò đời, nếu cùng quá thì phải trở lại là lẽ tự nhiên, vậy cho nên trong lúc bấy giờ đã có những bậc danh nhơn nước Pháp như ông Lư Thoa, ông Mạnh Đức Tư Cưu, ông Phúc Lộc Đặc Nhĩ, v.v… cũng nổi lên mà đề xướng cái chủ nghĩa dân quyền không đầy hai mươi năm mà thế lực ảnh hưởng khắp cả toàn Âu, dân tộc nước Pháp là một dân tộc đi đầu trước nhứt; một người vung cánh tay hô lên thì bao nhiêu người đều hưởng ứng dẫu đến rơi đầu đứt tay cũng càng té càng trỗi dậy, lại tiếp theo lại phấn chấn hơn nữa, vì thế cho nên mới tấu được khúc khải ca mà cái đầu vua Louis XVI đã treo cao ở trên đoạn đầu đài, bệ hạ cũng nên lấy đó làm gương.

Ngày nay bệ hạ qua chơi thành Paris, hẳn cũng ngó thấy bên đường có đúc những tượng đồng cao lớn, đó đều là những bực anh hùng hào kiệt đã hi sinh với cái chủ nghĩa dân quyền cả đấy. Có một cái tượng đúc hình một vị nữ thần tay kia cầm bó đuốc tự dó, ánh sáng chói lọi, chiếu khắp ba ngàn thế giới, tức là vị thần dân chủ đó, phàm trong cõi đời này ông vua nào vô đạo thì sẽ bị vị thần ấy không dung tha. Bệ hạ đã qua đây cũng nên bớt bớt chút giờ chơi bời mà đến viếng những nơi cung điện ở Versaille, thăm cái di tích của ông vua vô đạo ngày trước mà tự xét lấy mình. Tự khi vua Louis chết rồi, thì nước Pháp đã đổi ra chánh thể dân chủ nghị viện do dân cử lên, bao nhiêu những quyền lập pháp hành chánh cùng cất đặt các quan đều do viện ấy cả, tới nay cái chánh thể quân chủ chuyên chế đã hầu tuyệt tích ở trên thế giới này, mà nhơn loại mới còn được hưởng cái hạnh phúc tự do, đều do ở cái công lưu huyết của dân tộc Pháp cả đấy.

Bệ hạ sao không thương thuyết với quan Thuộc địa đại thần mà đi chơi chỗ cung điện Bao Bông, cho được thấy cái khí tượng bình đẳng, tự do của một quốc dân cộng hòa so sánh với cái chánh thể chuyên chế hắc ám của ta hơn ngàn năm nay, rồi mới biết cái dân quyền chủ nghĩa khác nào thần thánh không thể xâm phạm được, sau nầy nó sẽ  bồng bồng bột bột như mặt trời lên cao soi khắp thế gian, mà cái chánh thể quân chủ như kia sẽ bị như chuột lủi cho chạy, không còn biết ẩn núp vào đâu được nữa, đến ngày nay thế giới đã tặng do dân tộc Pháp một cái huy hiệu là mẹ dân quyền.

Ấy, cái danh dự của nước Pháp, dân Pháp như thế, vậy mà ngày nay bệ hạ toan đem mấy trăm lượng châu báu kia đáng giá bao nhiêu mà dám mong thi hành cái kế hoạch đem tiền tài ám nhãn cả một dân tộc văn minh, nghịch cái phong trào của thế giới, trái cả công lí của nhơn đạo, như nhuốt cả cái vinh quang của quốc dân để mong nắm chặt cái vận quang của quân chủ chuyên chế của mình thì còn mặt mũi nào đối với thế giới vạn quốc nữa. Đó có phải là bệ hạ tự mình khi lấy mình không? Cái công cuộc của bệ hạ tự mưu dịch trong chuyến đi này hẳn là thất bại đã đành rồi, nhưng chỉ tiếc cho sáu bảy triệu bạc mồ hôi nước mắt của quốc dân và cái kho bửu tàng vô giá của nước nhà mấy trăm năm, ngày nay bệ hạ tiện theo dòng nước biển Tây mà trôi đi cả. Đó là 7 tội.

Trở lên trên 7 tội đó là kể những điều có quan hệ với quốc kế dân sanh mà thôi, chớ còn những tội lặt vặt khác thì không kể xiết, hoặc là những việc không quan hệ gì đến quốc sự, hay việc riêng của một người, nên cũng chẳng sá kể chi.

Ôi! Thế giới ngày nay dân trí tiến bộ một ngày cách xa hàng ngàn dặm, các ông vua ở các nước lập hiến bên Âu, bên Á vài mươi năm trước đây đều đã đem cả các chánh sự lớn nhỏ của Nhà nước hai tay dân lại cho quốc dân, không dám hé răng một tiếng nào, chỉ mong sao cái địa vị mình không phải trụt xuống vực sâu hang thẳm, đã cho là hạnh –phước lắm rồi.

Vậy mà đối với quốc dân vẫn chưa được yên nào, họ vẫn chỉ chực đuổi cút đi để tới mãi cái bình dân chủ nghĩa mới khoái. Vậy nên tự nay trở về sau, trong thế giới này còn ông vua nào đứng lại được nữa cũng chẳng qua như lúc nước xuống, không bao lâu sẽ cuốn hết cả ra ngoài biển, chẳng lựa là người trí giả cũng đã trông thấy rồi. Không nói đâu xa, nói ngay trong cái thời kì Âu chiếm đây, bị quốc dân giết cùng đuổi đi cũng có đến 18 vị vương và 3 vị Hoàng đế. Bệ hạ là kẻ dốt nát, tự cao tự đại trong xó nhà nên không nghe biết đấy thôi.

Nước ta xưa nay chán thể do một ông vua cầm, quan lại hiền hay ngu, chán trị phải hay quấy, quốc dân không được phép hỏi đến, như trên kia tôi đã nói kì rồi, tới nay thế nước ngày càng thấy hèn yếu thêm mải, đến nỗi không còn kẻ vào là một nước ở trên thế giới được nữa. Nay hãy ngó quanh các nước trong vùng Đông Á này như nước Tàu, nước Nhựt Bổn không kể đến rồi, ngay đến nước Xiêm là ngày trước kia vẫn là nước thần phục mình, mà ngày nay đã nghiễm nhiên đứng vào hàng bình đẳng với các nước, còn nước ta thì sao? Ví sớm biết tỉnh ngộ, vài mươi năm trước đây nhơn nương náu ở dưới tay người Pháp, mau mau thoát li cái dây trói chuyên chế, bài trừ cái nọc hại quan lại trộm cướp, công thương làm sao cho phát đạt, nông lợi làm sao cho chấn hưng, thì dân ta có đâu đến nỗi như ngày nay. Đến nỗi như ngày nay đó là tội ở ai?

Không những cái ông vua hiện tại bây giờ phải mang lấy trách cứ, mà cả đến những ông vua trở về trước cũng không trốn khỏi cái công luận búa rìu của quôc dân gia vào nữa. Ôi, cái phong trào ở ngoài thế giới như thế, mà cái tình thế ở trong quốc dân như kia, cái ngai vàng của bệ hạ chẳng khác gì trứng để đân dâng, thiệt có như câu vua Hiến Đế nhà Hán nói rằng: Cái mạng của trẫm không biết ở ngày nào. Cái mạng của bệ hạ ngày nay cũng như vậy, mà bệ hạ còn ngu muội không biết gì, tự coi mình như thần thánh, dân oán không biết, ai nói không nghe thiệt là nghịch thời thế, trái nhơn tâm, toan đem cái tro tàn chuyên chế đốt tiêu cái dân khí tích tụ đã lâu ngày, vét hết bán nước, thâu sạch của dân, quên cái khổ muôn người, toan sự vui sướng riêng một mình, ôi đất nước Việt Nam này có phải của riêng nhà bệ hạ đâu. Nhơn dân Việt Nam này có phải đầy tớ riêng của bệ hạ đâu. Bọn quan lại rút của dân đã chán rồi bệ hạ lại đào khoét thêm vào, máu mủ dân Việt Nam chưa hết, nên bệ hạ còn hút cho đã phải không? Cái danh hiệu nước Việt Nam này còn chưa được nhơ nhớp nên bệ hạ phải làm cho xấu thêm nữa, để người ngoại quốc trông vào chê cười khi thị phải không?

Ôi, nước ta có tội gì mà phải chịu cái nghiệp báo ấy? Dân ta có tội gì mà gặp cái thứ vua quỷ ấy? Nếu không tìm cách mà trừ bỏ đi thì cũng đến chết theo với loài yêu quái ấy mà thôi.

Trinh nầy viết đến đây, thì bút đã cùn rồi, tay đã mỏi rồi, giấy đã hết rồi, mà còn muốn nói chưa dứt lời. Những điều của Trinh bày tỏ ra đó chẳng phải công kích riêng một mình bệ hạ đâu, chính là công kích đứa hôn quân đó. Ông Mạnh Tử có nói rằng: Tôi có muốn nói nhiều đâu, cực chẳng đã nên phải nói đó thôi. Ấy cái tâm sự của Trinh nầy cũng như thế đó. Bệ hạ nếu có một chút thiên lương mà biết hối ngộ ra, tin rằng quân quyền không có thể cậy được, dân quyền không thể đoạt được, mau mau quay đầu lại mà thối vị đi, đem chánh quyền giao trả lại cho quốc dân để quốc dân được trực tiếp ngay với chánh phủ Pháp mà làm công việc, để mưu sự ích lợi sau này, vậy thì may ra quốc dân còn thương cái lòng mà tha cái tội đi ấy là cái kế sách của bệ hạ ngày nay không còn gì hơn nữa. Chớ ví bằng thói cũ không chừa, choán cái ngôi chí tôn, ra cái oai chuyên chế, hãm chìm quốc dân xuống cái vực sâu hang thẳm kiếp kiếp đời đời thì Trinh này sẽ bố cáo với quốc dân và thương thuyết với Chánh phủ Pháp, lãnh mạng hơn hai mươi lăm triệu đồng bào Việt Nam cùng với bệ hạ tuyên chiến một trận kịch liệt, hễ cái ngày nào đầu Trinh rơi xuống đất tức là cái ngày quân quyền của bệ hạ chìm xuống đáy sâu, kẻo lại trách rằng Trinh không báo trước.

Bức thơ này một bản viết bằng Hán văn và gởi cho bệ hạ, ngoài ra còn dịch ra Pháp văn để đăng lên các báo và phát đơn ra để cầu người Pháp công đoán.

Một là vì Trinh nầy đối cùng bệ hạ đã đoạn tuyệt hẳn, không còn một chút quan hệ gì, chỉ đứng vào cái địa vị đối đãi mà thôi, cho nên bức thơ nầy không phải “dâng lên” cho bệ hạ, mà chính là “đưa cho” bệ hạ, hai chữ “bệ hạ” mà tôi dùng đây chẳng qua là cái tiếng xưng hô đã quen trong Hán văn đó mà thôi.

Một là Trinh là người theo Khổng giáo nên không theo cái lễ phép chuyên chế đặt ra từ đời Tần Thỉ Hoàng trở về sau, cái tên húy của vua không dám nói động đến, nước Tàu, nước Nhựt Bổn đã bỏ lâu lắm rồi, chỉ còn có nước Nam đó mà thôi, ngày nay Trinh nầy đề thơ cứ gửi ngay cho “Bửu Đảo” là cái tên húy của bệ hạ, để tỏ ý phản đối.

(Vua Thỉ Hoàng nhà Tần đốt sách chôn học trò, Khổng giáo mới tuyệt, thầy Châu tử noi cái học của người Tuân Khanh Lý Tư, nên quân quyền càng lừng lẫy thêm).

Marseille le 15 Juillet 1922

Phan Châu Trinh

Lí Học Sưu tầm, giới thiệu
Tin khác
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.