Ahmed Al-Kaf là trọng tài FIFA từ năm 2010 |
Sau trận U23 Thái Lan thua U23 Ả-rập Xê-ut 0-1 ở tứ kết U23 châu Á 2020, nhiều CĐV Thái Lan tỏ ý phẫn nộ với trọng tài người Oman - Ahmed Al-Kaf. Họ vào Facebook cá nhân của trọng tài 36 tuổi để bình luận và chỉ trích.
Trang Facebook của Al-Kaf sau đó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và các diễn đàn bóng đá. Chỉ vài giờ sau khi trận đấu của U23 Thái Lan kết thúc, lượng truy cập vào Facebook vị vua áo đen tăng thêm hàng nghìn lần. Điều này buộc ông phải chuyển Facebook từ chế độ công khai sang riêng tư.
Trước đó, vị vua áo đen người Oman có quyết định gây tranh cãi khi trận tứ kết còn chừng 15 phút. Ban đầu, ông cho U23 Ả-rập Xê-ut hưởng đá phạt trực tiếp sát vòng 16m50. Nhưng sau đó, bởi sự can thiệp của VAR, Al-Kaf bẻ còi và trao phạt đền cho đội bóng Tây Á. Trên chấm 11m, Abdullah Al-Hamdan không mắc sai lầm nào để ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu.
"Trọng tài như này thì nên nghỉ cầm còi", "Ả-rập Xê-ut đã chi bao nhiêu tiền để mua chuộc ông ta", hay "Pha bóng không rõ ràng. Tại sao trọng tài lại có thể đưa ra quyết định như vậy" - CĐV Thái Lan bức xúc viết trên mạng xã hội.
Trước Al-Kaf, nhiều trọng tài ở châu Á cũng phải đóng Facebook cá nhân vì những quyết định gây bất lợi cho một đội tuyển. Tại U23 châu Á 2018, trọng tài người Australia Christopher Beath khóa Facebook sau khi có những quyết định gây bất lợi cho U23 Việt Nam ở tứ kết gặp U23 Iraq. Gần nhất, nữ trọng tài Joanna Kate Charaktis cũng phải làm điều tương tự sau khi bắt có lợi cho Thái Lan ở chung kết bóng đá nữ SEA Games 30.