Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV (Bộ Quốc phòng) - đề nghị làm rõ việc này.
Theo tìm hiểu của PV, ông Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào năm 2009. Đến giai đoạn năm 2012 - 2013, doanh nghiệp này rơi vào tình trạng thua lỗ và gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Ban kiểm soát tại Đại hội cổ đông thường niên PVC năm 2013, lợi nhuận Công ty mẹ - PVC năm 2012 lỗ 1.368 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng. Cụ thể, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn trên 480 tỷ đồng, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 538 tỷ đồng và dự phòng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trên 35,7 tỷ đồng.
Các công trình do PVC triển khai có hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí lỗ do chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ đề xuất, đánh giá toàn diện khối lượng và dự toán các gói thầu nên dẫn đến công trình phát sinh nhiều.
Công tác quản lý và sử dụng vốn của Tổng công ty và các đơn vị thành viên đạt hiệu quả chưa cao do hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên đạt hiệu quả thấp; 9/13 công ty con có kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2012.
Tiếp đó, báo cáo của Ban kiểm soát tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 cho thấy, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013 của công ty mẹ PVC tiếp tục lỗ thêm 1.927,16 tỷ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, Công ty mẹ PVC đã lỗ trên 3.262 tỷ đồng.
Đối với các công ty kinh doanh bất động sản, do thị trường bất động sản đóng băng cũng như chính sách thắt chặt tín dụng của Nhà nước nên hầu hết các đơn vị kinh doanh bất động sản của PVC rơi vào tình trạng không có công việc hoặc không bán được hàng, trong khi phải chi phí để duy trì hoạt động, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, đồng thời không thu xếp được vốn để tiếp tục triển khai các dự án dẫn đến không thực hiện được cam kết của hợp đồng.
Không chỉ vậy, PVC đã sử dụng phần lớn vốn điều lệ (3.428,68 tỷ đồng/4.000 tỷ đồng vốn điều lệ, tương đương 85,72% vốn điều lệ) đầu tư góp vốn vào các đơn vị.
Tuy nhiên việc chỉ đạo và giám sát hoạt động của các đơn vị còn yếu, hiệu quả vốn đầu tư thấp, đặc biệt từ cuối năm 2011 khi nền kinh tế khủng hoảng, các đơn vị bộc lộ toàn bộ các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ.
Trước thực trạng PVC thua lỗ như vậy nhưng vào tháng 9/2013 ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Đến ngày 25/1/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 49/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nêu rõ: “Yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Không rõ việc xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được tiến hành đến đâu, nhưng sau đó không lâu, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Đến tháng 5/2015, ông Thanh được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Theo kết quả mới được Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố chiều qua (9/6), ông Trịnh Xuân Thanh đã trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang với tỷ lệ 75,28% phiếu tán thành.
Sau khi báo chí phản ánh về việc sử dụng xe tư gắn biển xanh và những “di sản” của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh khi lãnh đạo PVC gây thua lỗ lớn, ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí đã nêu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là “việc cần làm ngay” và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Chuyện Công an tỉnh Hậu Giang cấp biển xanh cho xe Lexus trị giá khoảng 5,7 tỷ đồng được ông Trịnh Xuân Thanh-Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng suốt thời gian dài gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua (Ảnh: H.T)
Phải làm rõ quy trình bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ
Trao đổi với PV chiều 10/6, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV (Bộ Quốc phòng), nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, IX, X - cho rằng, khi chỉ đạo quyết liệt như vậy có lẽ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn thấy đằng sau đó là câu chuyện luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ “có vấn đề” và nếu không xử lý kịp thời thì cực kỳ nguy hiểm.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, chỉ trong thời gian ngắn từ lãnh đạo một doanh nghiệp thua lỗ nặng nhưng lại được luân chuyển theo diện cán bộ nguồn và trúng cử đại biểu Quốc hội là một chuỗi sự việc hết sức khó hiểu.
“Quy trình tổ chức cán bộ như thế nào mà lại để xảy ra câu chuyện như vậy? Tôi cho rằng không phải tự nhiên mà như vậy. Các cơ quan được giao nhiệm vụ cần phải làm cho ra nhẽ”- Tướng Thước nói.
Ông Thước đánh giá sự việc hiện nay đã “vượt khỏi tỉnh Hậu Giang”. Trong câu chuyện này, cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm trong việc cấp biển xanh cho xe Lexus cá nhân.
“Rõ ràng chuyện chiếc xe Lexus biển xanh chỉ là giọt nước làm tràn ly mà thôi. Điều chúng ta quan tâm hiện nay là công tác tổ chức cán bộ, bởi đó là vấn đề gây bức xúc bấy lâu và trở thành những nguy cơ trong Đảng. Đây là vấn đề của Đảng. Tôi mong Tổng Bí thư đã chỉ đạo rồi thì phải làm cho đến nơi đến chốn, để chấn chỉnh lại công tác tổ chức cán bộ cho toàn Đảng, bởi đây cũng là sự nghiệp của Đảng”- Tướng Thước thẳng thắn.
Trong khi đó, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, về nguyên tắc, nếu có vi phạm sẽ không được đưa vào diện đề bạt, luân chuyển cán bộ. Chính vì thế sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, các cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ lại toàn bộ quá trình luân chuyển, điều động cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh như vậy có đúng các quy định và phù hợp hay không.