Muangthong, CLB Văn Lâm khoác áo, là đại gia ở Thai League, bên cạnh Buriram – đội bóng cũ của Xuân Trường.
Tuy nhiên, cả hai cũng không thể trụ vững trước ảnh hưởng của Covid-19. Buriram vừa chia tay 2 ngoại binh là Jung Jae-yong và đặc biệt là Andres Tunez, trung vệ có 7 năm gắn bó với CLB. Muangthong chưa có động thái nào, nhưng họ cũng không thể còng lưng gánh khoản lương đã giảm một nửa còn 5.000 USD/tháng của Văn Lâm lâu hơn.
Trước đó, khi trái bóng mùa 2020 bắt đầu lăn, vị trí của Văn Lâm bị lung lay. Sau hai trận đầu tiên, anh bị đày lên ghế dự bị và nhường chỗ cho thủ môn bản địa Yos Somporn. Là người hưởng lương cao bậc nhất, khả năng người gác đền Việt Nam theo bước những cựu cầu thủ Muangthong như Kawin, Chanathip hay Theerathon rất dễ xảy ra.
Vấn đề với Văn Lâm là không dễ để anh tìm bến đỗ mới ngay trong năm 2020, khi cả thế giới bóng đá bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Kỳ chuyển nhượng mùa hè sẽ diễn ra vào tháng 6, nhưng liệu anh sẽ đi đâu khi danh tiếng và phong độ đều ở thì quá khứ, trong khi hiện tại, người gác đền 26 tuổi chỉ tập chay.
Văn Lâm gia nhập Muangthong, theo lộ trình thương mại hóa và kinh doanh của đại gia Thái Lan. Họ có hơn một lựa chọn, nhưng nhắm Lâm “Tây” bởi anh vừa vô địch AFF Cup 2018.
Mọi chuyện diễn ra xuôi chèo mát mái, nhưng khi doanh thu sụt giảm và thành tích không mong muốn, đội bóng tỉnh Nonthaburi cần phải xem lại khoản đầu tư này, nhất là khi Văn Lâm vẫn còn giá và hợp đồng hơn một năm.
So với những đàn anh hoặc đồng đội từng xuất ngoại, Văn Lâm thành công hơn cả. Anh tới Thái Lan chơi bóng nhờ thực lực, nhưng cũng chính bởi vậy, tương lai của anh sẽ gắn chặt với chuyện cơm áo gạo tiền.
Khi đội bóng gặp khó khăn, Lâm phải giảm lương (đã làm), thậm chí bị đem bán. Đó là điều bình thường ở thể thao đỉnh cao, nhưng xa lạ với bóng đá Việt Nam – nơi hầu hết các cầu thủ chơi tại V-League vẫn sống dựa hơi “bầu sữa” của các chủ tịch tập đoàn hay ngân sách tỉnh.
Không chỉ túi tiền bị ảnh hưởng, Văn Lâm còn có ít quyền chọn bến đỗ mới. Khi rời Hải Phòng đầu năm 2019, tương lai trước mắt anh toàn màu hồng. Nếu không đến Muangthong, chàng thủ môn Việt kiều có thể tới nơi khác có mức đãi ngộ và điều kiện ăn tập gần tương đương.
Nhưng giờ, nếu rời Muangthong, rất khó để tìm được nơi như vậy, bởi các đội bóng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Chưa kể, khi sang môi trường mới, Lâm phải làm quen rồi chật vật cạnh tranh suất bắt chính.
Ra nước ngoài chơi bóng chưa bao giờ là điều dễ dàng, ngay cả với những nền bóng đá mạnh. Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam đầu tiên đem chuông đi đánh xứ người, và có ít kinh nghiệm xử lý những tình huống như này.
Tất cả những gì anh có thể làm lúc này là cầu cho Thai League sớm trở lại.