Tùy bút Tạ Duy Anh: Tiền của và hạnh phúc

Tạ Duy Anh - Thứ Ba, 07/03/2023 , 06:20 (GMT+7)

Cả tuổi thơ, tuổi trẻ tôi sống trong đói khát, cảm nhận đến tê tái nỗi tủi hổ của kẻ nghèo kiết xác, vì thế tôi luôn ủng hộ hết lòng mọi người làm giàu...

Hóa ra cái sự hạnh phúc, sướng khổ không hoàn toàn phụ thuộc vào giàu nghèo, nhiều tiền hay ít tiền, địa vị xã hội cao hay thấp, ăn toàn đồ sang trọng đắt tiền, ở trong biệt thự kín cổng cao tường, hay ngày ngày cơm bữa đạm bạc trong ngôi nhà chỉ cần đủ thoáng mát.

Càng ngày, càng sống nhiều năm, càng đi nhiều biết rộng, tôi càng tâm đắc với nhận định này.

Xin đừng vội quy kết tôi cổ vũ cái nghèo, cổ vũ lối sống bằng an, chấp nhận thực tại? Cả tuổi thơ, tuổi trẻ tôi sống trong đói khát, cảm nhận đến tê tái nỗi tủi hổ của kẻ nghèo kiết xác (thường cũng đi với hèn), vì thế tôi luôn ủng hộ hết lòng mọi người làm giàu, chống kì thị người giàu.

Nhưng chuyện giàu nghèo và chuyện sướng khổ là hai câu chuyện khác nhau. Nghèo thì chắc chắn khổ, nhưng giàu chưa chắc đã sướng. Chẳng hạn dù giàu đến mấy, dù tiền vàng chất đầy nhà, nhưng vẫn không làm cách nào để thoát khỏi sự bất an, thì chắc chắn còn lâu mới hạnh phúc, nếu không muốn nói nó chính là bất hạnh. Tôi đang nói đến cuộc sống của những người giàu có nhờ vào tham nhũng hoặc làm những việc bất chính để có nhiều tiền. Tôi khẳng định, họ không bao giờ có hạnh phúc. Vĩnh viễn không.

Tôi và chắc chắn cả nhiều người khác, đều biết rõ điều nghịch lý này: Những người tự tử (do chán sống, do bế tắc, do mất hết lý tưởng) phần lớn không hề do nghèo khó. Họ mua những chai rượu hàng chục nghìn đô để đốt nỗi sầu! Họ trầm mình trong bể rượu vang cho đến nghẹt thở theo kiểu đuối nước. Họ đóng cửa ô tô sang trọng, nổ máy, bật điều hòa cho đến khi hết xăng để được chết một cái chết độc đáo!

Một lần tôi đem câu chuyện này nhẩn nha kể với một bác nông dân (gọi là bác theo thói quen, chứ tôi chắc chắn nhiều tuổi hơn) mà tôi gặp trong chuyến du hí về đồng quê (thực ra là cuộc trốn chạy thành thị vì mệt mỏi). Bất ngờ nhất là tôi được đáp lại bằng một tiếng cười vô cùng sảng khoái.

- Chuyện lạ, còn hơn cả bịa - bác bảo tôi thế. Sao lại có những người rửng mỡ thế nhỉ? Cứ như chúng tôi thì làm quái gì có thời gian để mà chán… sống!

Hôm đó tôi quyết định bỏ hết mọi việc trong kế hoạch, lẽo đẽo theo bác nông dân ra làm đồng một phen. Bác có vài mảnh ruộng, mỗi mảnh một hình hài khác nhau. Vào hôm tôi có mặt, là hôm bác đưa máy vằm đất mảnh to nhất. Gọi là to, thì cũng chỉ hơn kém một sào Bắc bộ, tức chừng 400m2. Của nhà làm được, ý nói máy không phải thuê, nên bác chả thấy có gì phải vội. Sau một điếu thuốc lào nhả khói mù mịt, đầu tiên hẵng múc nước ruộng đổ thẳng vào bồn làm mát, trước khi cho nổ máy “một con công nông” thuộc loại đã cao niên! Chiếc máy giật lên đùng đùng. Nếu không quen, chỉ cần nắm vào cần lái một lúc, đã đủ ê tay, chưa kể có thể bị nó vặn cho vẹo sườn.

Thế mà trong khoảng gần hai tiếng đồng hồ, bác nông dân phải bổ sung nước làm mát đến ba lần. Ấn tượng nhất là ở cái cách ngồi cầm lái. Ghế chỉ vừa mông, cheo veo trên một cái cọc sắt, hai chân đi ủng cao gần ngang gối để tránh đất hất ngược va thẳng vào ống đồng. Cứ thế toàn thân bác uốn lượn, nghiêng ngả, rung lắc theo từng vòng quay của hai cái bánh lồng. Hôm đó trời rét dưới 15oC, khiến chỉ đi trên bờ tôi cũng thấy chân tay đều bị cóng. Nhưng với bác nông dân thì đời vui hơn hớn, vì trời đẹp, tuy rét nhưng có nắng vàng như trời rót mật. Phải hôm đã đùng đùng gió bấc, đã rét buốt thịt da lại còn mưa dầm, thì cuộc đời cũng âm u đi vài phần!

Sau khi vằm xong cả mảnh ruộng, bác nông dân bèn tắt máy, lên bờ ngồi kéo thuốc lào xoe xóe, mắt lơ mơ nhìn trời. Tôi tranh thủ sán lại hỏi thăm, thì được biết, trừ đi toàn bộ công vằm đất (phải ba lần), công cấy, chăm sóc, cùng với chi phí giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, các loại phí có tên và không tên, rồi các loại quỹ…, nếu thời tiết mưa thuận gió hòa, mảnh ruộng của bác mỗi vụ sẽ “ăn ra” được quãng tạ thóc. Một tạ thóc nghe thì cũng to, nhưng nếu quy tiền, được khoảng dăm bảy trăm ngàn đồng!

Thấy tôi có vẻ trầm tư, ra chiều không tin, bác nông dân bảo:

- Mà được thế cũng là tươm tất rồi đấy. Không bị thiên tai, bão lụt, hạn hán, sâu bệnh, mưa đá… khiến mất trắng là may. Nói chung nghề nông chả thể giàu được, chỉ mong thoát cơ cực. Nhưng ông anh tính, có thứ gì ngon ngọt, bùi béo, thơm tho trên đời này mà không từ đất chui ra?

Tôi hỏi:

- Có cách khác để làm ít hơn nhưng thu hái nhiều hơn không?

- Nếu có thì cũng chờ ở các bác mách cho, chứ chúng tôi thì chịu.

Tôi hỏi tiếp:

- Hàng ngày bác có theo dõi đài báo, để thấy người ta lấy tiền của công dễ và nhiều như thế nào không?

- Cũng có xem, cũng có nghe, cũng có biết! Nhưng ở đời chuyện nhân quả là có thật đấy. Mình cứ tay làm hàm nhai, như các cụ dạy, mới mong để lại phúc cho con.

Nói rồi lại cười như vừa mơ thấy vàng nén! Lâu lắm tôi mới lại được thấy một gương mặt người hạnh phúc như vậy. Tôi bỗng ngẩn ra mất vài phút, cứ như định tìm điều gì từng rất quen thuộc đang biến mất một cách bí hiểm, nhưng nhất thời không sao tìm ra.

Giờ thì tôi tin rằng, bất hạnh nhất trên thế gian này chính là khiến cho cuộc đời vốn tươi đẹp, hiền hòa trở nên thù nghịch, hung dữ và đáng sợ.

Tạ Duy Anh
Tags:
Tags:
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ10

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.