Dự báo, từ ngày 19/9 đến chiều tối ngày 20/9, ở khu vực Quảng Trị có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 300mm, có nơi trên 400mm. Mưa lớn có khả năng gây ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
Trước diễn biến khó lường của áp thấp nhiệt đới có nguy cơ mạnh lên thành bão số 4, tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị sẵn kịch bản sơ tán dân và áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi người dân không chấp hành.
Theo kịch bản, Quảng Trị chia thành 5 vùng trọng tâm: Vùng trực tiếp bão, nước biển dâng; vùng ngập sâu ở trên các lưu vực sông; vùng lũ quét; vùng sụt lún, sạt lở đất và vùng ngập cục bộ...
Tại các vùng này, lực lượng chức năng sẽ sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không đảm bảo phòng, chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trụ sở UBND, trạm y tế, đồn biên phòng, nhà cộng đồng...
Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, số lượng người dự kiến cần sơ tán của 4 huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ khi áp thấp nhiệt đới hoặc bão cấp độ 3 là trên 9,5 nghìn hộ với gần 30 nghìn nhân khẩu. Trong đó có gần 1,5 nghìn hộ với trên 4,4 nghìn nhân khẩu bị ảnh hưởng của các xã ven biển được ưu tiên phương án di dời khẩn cấp.
Với ngập lũ trên báo động 3, số người cần sơ tán là trên 14 nghìn hộ với trên 53 nghìn nhân khẩu. Lũ trên báo động 3 + 1m, số lượng người cần sơ tán là trên 20 nghìn hộ với gần 72 nghìn nhân khẩu. Lũ trên lũ lịch sử, Quảng Trị sẽ phải sơ tán gần 28 nghìn hộ với gần 104 nghìn nhân khẩu.
Khi lũ quét xảy ra, tổng số hộ dân cần sơ tán, di dời trên địa bàn tỉnh là gần 2,4 nghìn hộ với gần 9,7 nghìn nhân khẩu tại 36 xã thuộc 5 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị.
Khi sạt lở đất xảy ra, tổng số hộ dân cần sơ tán, di dời là gần 1,3 nghìn với gần 6 nghìn nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh và Vĩnh Linh.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, rút kinh nghiệm với thiên tai đã từng xảy ra, địa phương này kiên quyết không để mất chủ động, mất an toàn trong công tác ứng phó với mưa bão. Vùng trũng, vùng thấp, lực lượng chức năng sẽ sơ tán dân khi cần thiết theo kế hoạch, kịch bản đã được phê duyệt. Các lực lượng này phải túc trực 24/24 để sẵn sàng nhận lệnh khi có các sự cố xẩy ra.
"Rút kinh nghiệm trận bão lũ lịch sử năm 2020, trong kế hoạch, những vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, Quảng Trị đã tìm những địa điểm, các trụ sở, khu vực nhà dân đảm bảo an toàn để sơ tán khi cần thiết. Các biện pháp di dời phải dứt khoát, không chấp hành là phải cưỡng chế", ông Đồng cho hay.
Hồ đập đang an toàn trước áp thấp nhiệt đới
Đến thời điểm này, 100% tàu thuyền của Quảng Trị đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn. Tổng dung tích các hồ chứa thủy lợi và thủy lợi – thủy điện còn khoảng 28-30% dung tích thiết kế. Về cơ bản, lúa hè thu đã thu hoạch xong. Diện tích cây trồng còn lại chưa thu hoạch chủ yếu là sắn (khoảng 10,7 nghìn ha) và gần 2,7 nghìn ha nuôi trồng thủy sản.