| Hotline: 0983.970.780

Vai trò quan trọng của nông nghiệp trong quan hệ Việt - Mỹ

Thứ Hai 21/06/2021 , 06:30 (GMT+7)

Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ Robert Hanson khẳng định hợp tác nông nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ.

Phóng viên Tùng Đinh của Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn Tham tán Nông nghiệp Robert Hanson tại Đại sứ quán Mỹ. Ảnh: Ngọc Châu.

Phóng viên Tùng Đinh của Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn Tham tán Nông nghiệp Robert Hanson tại Đại sứ quán Mỹ. Ảnh: Ngọc Châu.

Để làm rõ hơn những thành tựu và tiềm năng phát triển của hợp tác nông nghiệp Việt - Mỹ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ, ông Robert Hanson về vấn đề này.

Theo đại diện ngành nông nghiệp Mỹ tại Việt Nam, hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước mang tính xây dựng, tương hỗ cho nhau rất nhiều và càng ngày chúng ta càng ghi nhận được các minh chứng rõ ràng hơn cho điều này.

Là nhân vật đóng vai trò kết nối nông nghiệp giữa Việt Nam và Mỹ, ông có đánh giá thế nào về những thành tựu đạt được trong hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước trong thời gian qua?

Đây là một câu hỏi thú vị. Năm 2020, chúng ta đã kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ và tôi cho rằng lĩnh vực nông nghiệp, thương mại nông sản đóng một vai trò rất quan trọng trong quan hệ song phương.

Bằng chứng cho điều này là qua 25 năm, kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng từ vài nghìn USD lên tới 8 tỷ USD của ngày hôm nay.

Theo tôi, một trong những ví dụ cụ thể về hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước chúng ta đó là sự hỗ trợ, hợp tác trong việc phát triển ngành chăn nuôi tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng của Mỹ như Hiệp hội ngũ cốc, Hiệp hội xuất khẩu đậu tương đã nhìn thấy tiềm năng rất lớn của thị trường Việt Nam từ rất lâu. 25 năm trước, sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ, các hiệp hội này đã bắt đầu thiết lập hoạt động và xây dựng đội ngũ tại Việt Nam.

Và những công ty Mỹ này đã có sự hỗ trợ kỹ thuật với các đối tác Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của ngành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam trong những năm qua. Từ đó, góp phần thúc đẩy vào sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngành hàng chăn nuôi Việt Nam như thịt lợn, thịt gia cầm, thủy sản và sữa.

Ngay từ những năm 2000, Mỹ đã giúp đỡ Việt Nam trong việc ứng phó với các bệnh xuất hiện trên gia súc, gia cầm ví dụ như cúm gia cầm trước đây hay dịch tả lợn châu Phi trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, Mỹ cũng giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuyển giao các nguồn gen chất lượng cao. Ví dụ như nhập bò sữa từ Mỹ, góp phần phát triển ngành sữa Việt Nam.

Không chỉ tiếp cận thị trường của nhau rất sớm như ông vừa nói, các ý kiến chuyên gia còn cho rằng nông sản của Việt Nam và Mỹ mang tính bổ trợ cho nhau chứ không phải cạnh tranh. Điều này đã được khẳng định trong chuyến thăm và làm việc của Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh đến Mỹ đầu năm 2020. Vậy theo ông, lợi thế này sẽ đem lại những tiềm năng gì trong hợp tác nông nghiệp Việt - Mỹ?

Như chúng ta đã biết, Mỹ là thị trường số 1 của rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thể kể đến như thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, cao su và nhiều loại quả.

Trong khi đó, các nông sản xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Việt Nam là bông, các sản phẩm đầu vào của ngành sữa, đồ gỗ, ngô, đậu nành, bột mỳ… đây đều là những sản phẩm đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất, chế biến tại Việt Nam.

Đây là những minh chứng rất rõ cho thấy mối quan hệ trong lĩnh vực nông nghiệp Việt - Mỹ mang tính bổ trợ cho nhau. Bên cạnh cung cấp những nguyên liệu đầu vào chất lượng tốt, Mỹ cũng cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam nâng cao giá trị của ngành sản xuất.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cải thiện các điều kiện tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của Mỹ như hải sản, thịt và các sản phẩm từ gia cầm.

Trong thời gian tôi công tác ở đây, chúng tôi đã thấy được sự phát triển rất mạnh mẽ, trong đó một ví dụ nổi bật là 2 nước đã xây dựng được hệ thống giám sát tương đương và cuối năm 2019, hệ thống đã được thông qua. Đó là một dấu mốc rất lớn trong hợp tác nông nghiệp Việt - Mỹ.

Có thể khẳng định, hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước mang tính xây dựng, tương hỗ cho nhau rất nhiều và càng ngày chúng ta càng ghi nhận được các minh chứng rõ ràng hơn cho điều này.

Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ Robert Hanson. Ảnh: Tùng Đinh.

Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ Robert Hanson. Ảnh: Tùng Đinh.

Như vậy, chúng ta có rất nhiều mặt hàng phù hợp với nhu cầu của nhau. Dưới góc độ là Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, ông cho rằng nông sản nào sẽ có tiềm lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới?

Như tôi đã đề cập ở trên, hiện nay có rất nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt ở Mỹ. Theo chiều ngược lại, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, trong đó có những lĩnh vực như lưu trú, khách sạn, nhà hàng chưa kể đời sống của người dân cũng được nâng cao.

Do đó, nhu cầu với các nông sản nhập khẩu từ Mỹ sẽ tăng lên, ví dụ như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, sản phẩm từ sữa, hải sản… Ngoài ra, cũng có nhiều trái cây của Mỹ được người Việt ưa chuộng như cherry, nho, táo, blueberry, cam…

Các loại thực phẩm qua chế biến, có lợi cho sức khỏe cũng đang dần chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam. Có thể kể đến như hoa quả sấy khô, một số loại hạt như nho khô, hạnh nhân, hồ đào. Mặc dù những sản phẩm này có thị phần chưa lớn nhưng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong thương mại nông nghiệp song phương.

Chúng tôi cũng nhìn thấy một mặt hàng khác rất tiềm năng để Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam, đó là nguyên liệu cho quá trình sản xuất ethanol. Các nguyên liệu như ngô của Mỹ có thể giúp Việt Nam sản xuất được năng lượng thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể xuất khẩu trực tiếp ethanol sang thị trường Việt Nam.

Với những tiềm năng trên, ông kỳ vọng điều gì về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa 2 nước chúng ta?

Hiện nay, Chính phủ Mỹ rất mong muốn thúc đẩy hợp tác trong sự đổi mới, sáng tạo của ngành nông nghiệp và chúng tôi là quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển lĩnh vực này. Mỹ muốn tận dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên và nâng cao năng suất trong nông nghiệp, bên cạnh đó là ứng phó một cách có trách nhiệm với biến đổi khí hậu.

Ví dụ như Mỹ ủng hộ rất mạnh mẽ hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về lương thực và đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam tham gia rất tích cực. Mục tiêu của nó là xóa đói giảm nghèo, giảm suy dinh dưỡng và xây dựng các hệ thống lương thực  bền vững hơn, công bằng hơn và có sức chống chịu tốt hơn trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, chúng tôi đã có những phối hợp rất chặt chẽ với các đối tác tại Bộ NN-PTNT về hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, thương mại điện tử, thống kê về nông nghiệp thông qua các chương trình trao đổi.

Thông qua những chương trình này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Việt Nam sẽ tới Mỹ, gặp gỡ các chuyên gia, nông dân để học hỏi và xây dựng những mạng lưới liên hệ, các mối quan hệ có thể phát triển lâu dài. Chúng tôi rất hy vọng sẽ tiếp tục có thêm nhiều chương trình trao đổi như vậy trong tương lai.

Ngoài ra, Mỹ luôn nỗ lực để hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể hơn, với mong muốn hệ thống an toàn thực phẩm của 2 nước có sự tương đồng nhất định, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam cải cách cơ chế, chính sách, sửa đổi một số luật như Luật An toàn thực phẩm, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi.

Chúng tôi cũng liên tục kết nối các chuyên gia Việt Nam với chuyên gia Mỹ, cùng với đó là gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau của các nhà hoạch định chính sách 2 bên, làm các chính sách của Việt Nam tương đồng hơn với các chuẩn mực quốc tế.

Đó là những tiềm năng, vậy vướng mắc thì sao thưa ông? Hợp tác nông nghiệp Việt - Mỹ cần phải tháo gỡ những gì trong thời gian tới?

Cảm ơn anh vì câu hỏi này. Hiện nay, Mỹ là đối tác nông nghiệp lớn duy nhất của Việt Nam chưa có được thỏa thuận thương mại ưu đãi. Tôi cho rằng, trong trung hạn chúng ta sẽ có những thỏa thuận như vậy.

Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, Mỹ sẽ chủ động làm việc với từng đối tác trong Chính phủ Việt Nam như Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế... để giải quyết từng vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình giao thương giữa 2 quốc gia.

Ông có thể ví dụ cụ thể hơn?

Về thuế quan, theo tôi, các mặt hàng nông sản của Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam đang phải chịu mức thuế khá cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các nhà cung cấp chúng tôi. Trong khi đó, các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam như Australia, New Zealand, Nhật... đề đã có những thỏa thuận thương mại ưu đãi.

Ví dụ như Mỹ là quốc gia xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới, Việt Nam lại là một thị trường lớn nhưng mức thuế cho sản phẩm này đối với Mỹ vẫn rất cao, là 5%.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu ở Mỹ mà còn gây ra khó khăn cho các nhà sản xuất dùng ngô ở Việt Nam khi họ phải mua với giá cao.

Do đó, tôi cho rằng đây là một vấn đề cụ thể đang phát sinh và 2 nước có thể làm việc cùng nhau để tháo gỡ vướng mắc này.

Xin cảm ơn ông!

Trong gần 4 năm làm Tham tán Nông nghiệp tại Việt Nam, tôi cảm thấy hạnh phúc vì được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và rất ấn tượng với vẻ đẹp của đất nước các bạn, với sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp cũng như với sự hiếu khách của người dân Việt Nam.

Điều khiến tôi cảm thấy thú vị nhất là khi ra khỏi văn phòng, đi đến những vùng đất mới mẻ, gặp gỡ người dân và không thể không kể đến là thưởng thức các món ăn của Việt Nam. (ông Robert Hanson)

  • Tags:
Xem thêm
Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.