Tỉnh Ninh Bình có trên 1.200 ha nuôi ngao thương phẩm, với sản lượng gần 30.000 tấn/năm. Trong đó có hơn 800 ha nuôi ngao đã được cấp chứng nhận ASC. Chứng nhận này là sự xác nhận thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư.
Thưa quý vị và các bạn! Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có trên 1.200 ha nuôi ngao thương phẩm, với sản lượng gần 30.000 tấn/năm. Trong đó có hơn 800 ha nuôi ngao đã được cấp chứng nhận ASC. Chứng nhận này là sự xác nhận thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Sau đây xin mời quý vị và các bạn cùng theo dõi phóng sự do phóng viên của Báo NNVN thực hiện.
Ngay từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa ló dạng, những người dân tại Kim Sơn đã tất bất chuẩn bị đồ nghề để thu hoạch ngao. Lần lượt các tổ máy nối đuôi nhau ra bãi khai thác, kéo theo là những bè xốp sẵn sàng túi lưới đựng ngao. Mỗi tổ gồm 5 thành viên, thay phiên nhau điều khiển vòi phun, dựng lưới đón ngao và đưa ngao lên bè. Những vòi nước lớn được bơm thẳng xuống cát, hất văng những con ngao đang ẩn mình lên cao vào các sọt lưới đã giăng sẵn. Người dân nơi đây vẫn gọi vui đó là những chiếc máy “thổi ngao”. Cũng nhờ cách này mà việc thu hoạch ngao cũng đỡ vất vả hơn trước, sản lượng thu hoạch được cũng nhờ vậy mà tăng lên.
Ông VŨ VĂN TUẤN Chủ tàu thu hoạch ngao
Thứ nhất là mình phải theo dõi thời tiết, công nhân ra đây làm phải an toàn. Ví dụ như đêm vừa rồi cả 1 tàu ra mấy chục người phải tránh lúc cơn giông ra, lúc thời tiết cực đoan lên thì mình phải tránh thì lúc cạn mình mới xuôi trong bến ra được. Đời sống công nhân là phải đảm bảo ăn uống cho người ta chu đáo. Về công việc thì ở bờ bãi nhiều hơn ở nhà, ở nhà chỉ hạn hữu lắm thôi.
Các tổ máy thu hoạch ngao sẽ hoạt động liên tục trong vòng 4 giờ đồng hồ, khi ngao đã đầy bè thì sẽ được tập kết lên tàu và chờ chuyển về cơ sở sản xuất ở trong bờ. Nếu thu hoạch số lượng lớn thường chủ bãi ngao sẽ thuê theo công nhật với giá khoảng 3 triệu/máy. Nếu lượng ngao ít, 1m2 tầm 2-3 kg ngao sẽ khoán theo sản phẩm với giá 500-600 đồng/kg. Còn theo kinh nghiệm của người dân, thu hoạch ngao phải bám theo con nước, chỉ khi nào nước cạn thì thu hoạch mới có hiệu quả. Đặc biệt tránh thu hoạch khi nước dâng bởi lúc này ngao sẽ ăn thức ăn, nếu khai thác thì ngao sẽ ngay lập tức khép miệng và ngậm luôn cả cát. Do đó muốn có được con ngao sáng đẹp, không có cát thì bắt buộc phải khai thác theo sự lên xuống của thủy triều. Mà theo thủy triều thì chẳng có giờ giấc cố định, bởi lẽ đó mà ai ai cũng luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”.
Anh NGUYỄN VĂN TRƯỜNG Quản lý bãi ngao
Thực sự công việc ngoài này bà con phải phụ thuộc vào thuỷ triều, con nước. Không bắt buộc là công việc ngày hay đêm. Bất kể giờ nào, theo thuỷ triều là phải đi hết. Có khi là đi nửa đêm, 1-2-3 giờ, cũng có khi là đi chập tối. Căn nươc thuỷ triều nếu thấy làm được thì xuống làm.
Năm 2022, vùng nuôi ngao nguyên liệu huyện Kim Sơn đã được tổ chức chứng nhận quốc tế toàn cầu (Control Union) cấp Giấy chứng nhận ASC. Đây là tiêu chuẩn quốc tế về nuôi trồng thủy sản bền vững được thiết lập bởi Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Từ khi được cấp chứng nhận ASC việc thu hoạch đã có chọn lựa, theo sự thống nhất giúp giảm nhiều công cũng như chi phí. Nếu như trước đây thu hoạch xong, ngao to nhỏ mang hết vào bờ mới tiến hành lọc. Những con bé sẽ được mang thả trở lại. Thì bây giờ ngao tại bãi đánh lên tàu, sẽ lấy mẫu, chụp ảnh gửi về cho chủ bãi, gửi cho khách chọn sire. Những con ngao nhỏ, chưa đến độ thu hoạch sẽ được thả luôn trở lại, do đó, vừa không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của ngao con vừa tiết kiệm được chi phí tàu bè.
Ông TRẦN KIÊN CƯỜNG Phó giám đốc HTX ngao Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
HTX chúng tôi đã xây dựng quy trình, thứ nhất là tư vấn, tuyên truyền cho xã viên thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định của ASC từ con giống cho đến thả và đến khi thu hoạch để đảm bảo khi đưa sản phẩm lên thì đủ tiêu chuẩn xuất đi được. Từ khâu đánh bắt phải đạt tiêu chuẩn, đến khi tính ngày giờ con nước để đánh làm sao khi thu lên thì sản phẩm ngao không bị bẩn, không bị cát, không bị màuu. Đó là những yêu cầu mà người nuôi ngao phải đảm bảo theo ASC đã quy định.
Chị LÊ THỊ THOA Thương lái
Thương phẩm ngao của Ninh Bình rất chuẩn, mẫu mã đẹp mà ngao cũng đảm bảo, cách thức làm ở đây thì người ta đưa ngao về bến rất chuẩn, phù hợp với mục đích làm con ngao của mình để mình xuất đi, đầu con chuẩn, sạch, nói về thị trường ngoài này thì chỉ có ở Ninh Bình là tốt nhất.
Chứng nhận ASC đối với ngao Kim Sơn có thời hạn trong vòng 3 năm, có hiệu lực đến 13/9/2025. Hàng năm các chuyên gia nước ngoài sẽ bất chợt đến kiểm tra trực tiếp tại vùng nuôi ngao mà không báo trước để có những đánh giá khách quan nhất. Do đó, nếu các hộ nuôi ngao không tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đã đặt ra thì nguy cơ bị thu hồi giấy chứng nhận là rất cao.
Ông VŨ MINH HOÀNG Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Ninh Bình
Đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản sản xuất giống ngao trên địa bàn huyện Kim Sơn. Thứ 2 là tăng cường quản lý nhà nước công tác sản xuât, lưu giữ giống ngao thương phẩm, thực hiện tốt quan trắc, quản lý môi trường vùng nuôi. Thứ 3 là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống ngao và ngao thương phẩm. Thứ 4 là hình thành các HTX, các tổ quản lý vùng nuôi, khuyến khích các hiệp hội chuyên ngành như sản xuất giống và ươm nuôi giống. Duy trì chương trình giám sát chặt chẽ trong thời gian nuôi ngao của tỉnh giữ vững các tiêu chí đã được chứng nhận.
Nếu như trước đây, ngao Kim Sơn chỉ bán tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Thì nay, sản phẩm ngao Kim Sơn đạt chứng nhận ASC đã đến được với người tiêu dùng tại nhiều thị trường trên thế giới, nhất là thị trường châu Âu. Đây là cơ hội tốt để sản phẩm ngao Ninh Bình có thể xuất khẩu đi nhiều quốc gia. Từ đó, vừa khẳng định được thương hiệu ngao Kim Sơn (Ninh Bình) vừa giúp các hộ nuôi mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm, gia tăng lợi nhuận.
Nếu như trước đây, ngao Kim Sơn chỉ bán tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Thì nay, sản phẩm ngao Kim Sơn đạt chứng nhận ASC đã đến được với người tiêu dùng tại nhiều thị trường trên thế giới, nhất là thị trường châu Âu. Đây là cơ hội tốt để sản phẩm ngao Ninh Bình có thể xuất khẩu đi nhiều quốc gia. Từ đó, vừa khẳng định được thương hiệu ngao Kim Sơn (Ninh Bình) vừa giúp các hộ nuôi mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm, gia tăng lợi nhuận.