| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu sinh tại Hàn - Đài cùng tiến sỹ Việt bàn cách chống 'giun lửa' hại ngao ở Ninh Bình

Thứ Bảy 16/03/2019 , 10:06 (GMT+7)

Rết biển hại ngao có tập tính tập trung vào những nơi chúng có thể dễ dàng tìm kiếm thức ăn. Để trừ rết biển, ngoài cách sử dụng thiên địch của chúng, bà con cũng có thể áp dụng phương pháp đặt bẫy...

Gần đây báo chí đồng loạt ghi nhận hiện tượng ngao giống của các hộ dân ở Ninh Bình bị chết hàng loạt do một loài sâu biển lạ tấn công, gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà con nông dân.

Dựa trên ý kiến của tiến sĩ Pat Hutchings (Bảo tàng Australia) và giáo sư Jerry Kudenov (Đại học Alaska Anchorage) cũng như kiến thức tổng hợp từ nhiều công trình khoa học, chúng tôi viết bài báo này mong đóng góp phần vào việc làm sáng tỏ hiện tượng này, và giúp giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân.

Loài sâu biển làm chết ngao ở Ninh Bình không giống như những loài sâu chúng ta vẫn thường bắt gặp (là một dạng ấu trùng của các loài côn trùng), mà chúng là giun biển, chính xác hơn là lớp giun nhiều tơ, cùng ngành giun đốt với các loài giun đất trên cạn.

Cận cảnh sâu biển trưởng thành

Qua tìm hiểu của chúng tôi, cùng với sự tham khảo ý kiến Tiến sĩ Pat Hutchings và giáo sư Jerry Kudenov, hai chuyên gia hàng đầu thế giới về giun nhiều tơ thì loài giun này là Chloeia parva thuộc họ Amphinomidae.

Kết quả phân tích này là tương đồng với kết quả công bố bởi Viện Tài nguyên và Môi trường biển và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I như báo chí đã nêu.

Nhóm giun này thường biết đến với cái tên giun lửa (fireworm) do lớp lông tơ trên bề mặt cơ thể chúng có thể gây đau rát cho người tiếp xúc. Họ giun lửa gồm khoảng 200 loài, phân bố rộng rãi ở các vùng biển trên toàn thế giới nhưng chủ yếu tập trung ở biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong vùng triều đáy bùn, cát hay rạn san hô.

Loài Chloeia parva phân bố ở vùng ven biển Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Thức ăn chủ yếu của giun lửa là thịt. Vì vậy, chúng có thể chủ động săn các loài động vật không có khả năng di chuyển hay di chuyển chậm như san hô, bọt biển, ốc, ngao… Đặc điểm nổi bật của nhóm giun này là lớp lông tơ canxi phủ mặt ngoài cơ thể, rất giòn và chứa độc tố complanine.

Khi con người hay những loài động vật khác tiếp xúc với chúng, những chiếc lông tơ có vai trò như những chiếc kim độc này sẽ cắm vào phần thịt và giải phóng độc tố, gây đau nhức và ngứa rất khó chịu. Loài giun này thường sinh trưởng và phát triển mạnh khi nước bắt đầu ấm lên vào mùa xuân và mùa hè, trùng với mùa sinh sản của chúng.

Vào tháng 6-7 năm ngoái, việc giun lửa xuất hiện nhiều ở các bãi tắm ở Hồng Kông đã khiến chính quyền phải vào cuộc và đưa ra cảnh báo cảnh báo với du khách tắm biển. Do chứa độc tố trong cơ thể, giun lửa thường có màu sắc sặc sỡ để cảnh báo kẻ thù. Nếu bạn đi tắm hay lặn biển mà gặp loài giun này thì tốt nhất đừng vì tò mò mà đụng đến chúng.

Da một em bé bị tổn thương do dính lông giun lửa. (Nguồn: South morning china post)

Khi bị lông của giun lửa đâm vào da thịt, rất khó để có thể rút chúng ra. Tuy nhiên có một mẹo nhỏ có thể hữu ích cho bạn: Bạn hãy dùng băng dính phủ lên phần da bị đốt rồi gỡ ra. Khi gỡ băng dính lông tơ cũng sẽ bị kéo theo. Ngoài ra dùng rượu hay giấm rửa vết thương cũng có thể giúp bạn giảm đau.

Giun lửa không chỉ tấn công các loài động vật mà chúng còn có thể mang các mầm bệnh nguy hiểm cho những loài này. Nghiên cứu của Sussman và cộng sự từ đại học Tel Aviv năm 2003 cho thấy loài giun lửa Hermodice caranculata là đối tượng mang mầm vi khuẩn Vibrio shiloi, một trong những nhân tố gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô. Hiện trên thế giới có rất ít nghiên cứu về phương thức hiệu quả để kiểm soát sự phát triển của giun lửa.

Giun lửa thu tại Hồng Kông năm 2018. (Nguồn: South morning china post)

Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về chủ đề này được tiến hành. Nghiên cứu của Riera và các cộng sự năm 2014 chỉ ra rằng mật độ giun lửa Hermodice carunculata ở bên dưới các lồng nuôi cá cao hơn hẳn so với bên ngoài. Điều này cho thấy giun lửa sẽ tập trung vào những nơi chúng có thể dễ dàng tìm kiếm thức ăn. Vì vậy ngành nuôi trồng hải sản nên chú ý tới mùa vụ và mật độ nuôi để giảm tác động do giun lửa gây ra.

Năm 2016, hai tác giả Ladd và Shantz từ đại học California-Santa Barbara phát hiện hai loài cá Haemulon plumieriiMalacanthus plumieri là thiên địch của giun lửa Hermodice carunculata. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng việc khai thác hải sản quá mức là một trong nhưng nguyên nhân làm cho loài thiên địch suy giảm, tạo cơ hội cho giun lửa sinh sản và phát triển.

Cá Haemulon plumierii và Malacanthus plumieri là thiên địch của giun lửa Hermodice carunculata. (Nguồn: Ladd và Shantz)

Thêm vào đó, dù giun lửa thường phát triển theo mùa, nhưng dưới tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, chúng có thể xuất hiện một cách bất thường với số lượng lớn hơn. Trước mắt, các biện pháp cơ học và thủ công có thể góp phần hạn chế khả năng gây hại của giun lửa. Một số biện pháp đã được giới thiệu trong bài "Rết biển là thủ phạm ăn ngao tại Ninh Bình" trên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Giáo sư Jerry Kudenov cũng gợi ý phương pháp đặt bẫy, đã áp dụng cho loài giun lửa Hermodice ở Florida, bà con có thể xem xét thử nghiệm để áp dụng cho loài Chloeia parva ở Việt Nam: Phần bẫy chính là một ống nhựa PVC, một đầu được bịt kín, đầu còn lại gắn phễu đủ lớn để giun lửa có thể chui vào. Trên thân bẫy có buộc dây và gắn phao nổi để có thể thu bẫy dễ dàng. Bên trong bẫy đặt mồi dụ giun lửa, có thể là mực ống cắt nhỏ. Bẫy được đặt theo chiều nằm ngang dưới nền đáy, thu bẫy sau 2-3h.

Do phương pháp này được áp dụng cho loài Hermodice nên bà con cần có sự thử nghiệm về kích thước phễu, thời gian đặt và thu bẫy, mồi dùng bên trong để có thể thu được hiệu quả cao nhất.

Về lâu dài để kiểm soát hiệu quả sự phát triển của giun lửa ở Việt Nam, bên cạnh việc bảo vệ môi trường, hạn chế khai thác hải sản quá mức hay tiến hành nuôi trồng hải sản một cách hợp lý, cần có các nghiên cứu cơ bản, toàn diện về nhóm sinh vật nguy hiểm này.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển