Nghị quyết 337 sửa đổi, bổ sung hướng đến trồng rừng gỗ lớn bền vững, làm giàu cho người dân, vừa bảo vệ đất, rừng, hệ sinh thái... tạo tiền đề để huyện Ba Chẽ hướng đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Quảng Ninh.
Ba Chẽ hướng đến trở thành trung lâm nghiệp đất mỏ
Ba Chẽ là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn thứ hai toàn tỉnh với trên 56.000ha, chiếm gần 94% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Vì vậy, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp là mục tiêu then chốt của huyện Ba Chẽ nhiều năm qua.
6 tháng đầu năm, huyện Ba Chẽ đã trồng được trên 3.200ha rừng. Trong đó, diện tích trồng rừng gỗ lớn đã đạt 130ha. Vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 337 về trồng rừng gỗ lớn, theo đó, đối tượng và mức hỗ trợ cũng được mở rộng và nâng lên.
PV Ông CHÌU VĂN QUỲNH (Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ): Nghị quyết 337 trước đây chỉ áp dụng với hộ gia đình và cá nhân, sau khi sửa đổi bổ sung thì đã mở rộng đối tượng ra doanh nghiệp, tổ chức, nâng mức hỗ trợ cho các hộ trồng rừng, để các doanh nghiệp, hộ gia đình cùng tích cực tham gia trồng rừng.
Nghị quyết 337 về trồng rừng gỗ lớn, thay thế cây keo ngắn ngày là hướng đi bền vững, vừa làm giàu cho người dân, vừa bảo vệ đất, rừng, hệ sinh thái trên địa bàn.
PV Ông VI THANH VINH (Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ba Chẽ): Nghị quyết 337 là một nghị quyết rất đặc thù cho tỉnh Quảng Ninh, là nguồn động lực cho huyện Ba Chẽ nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung trong phát triển lâm nghiệp bền vững. Đây là chủ trương đúng, trúng được doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ bám sát vào đề án trồng rừng gỗ lớn, cũng như dược liệu của huyện để ban hành kế hoạch tổ chức triển khai cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 đưa huyện Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu.
Thực hiện Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019-2025 và chủ trương khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Ba Chẽ tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng theo chuỗi để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu.