| Hotline: 0983.970.780

Đòn bẩy phát triển lâm nghiệp đất mỏ

Thứ Tư 17/07/2024 , 13:59 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành nghị quyết mới về lâm nghiệp, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển lâm nghiệp bền vững.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham gia trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham gia trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Quảng Ninh có trên 370.000ha đất có rừng, diện tích rừng đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%. Nhiều năm qua, rừng không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 28/11/2019, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Nghị quyết 337 được triển khai thí điểm tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và huyện Ba Chẽ với 921 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, tham gia chính sách phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, với diện tích hơn 1.400ha. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ gần 30 tỷ đồng.

Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, qua quá trình triển khai, Nghị quyết 337 còn những hạn chế như phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách áp dụng còn hẹp. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ rừng gỗ lớn còn thấp, chủ yếu vì người dân thiếu nguồn lực kinh tế để chuyển đổi từ trồng keo, bạch đàn sang trồng cây gỗ lớn, cây bản địa.

"Việc ban hành chính sách mới là rất cần thiết để đảm bảo phạm vi, đối tượng, có chính sách đủ mạnh để tạo bước đột phá trong phát triển rừng gỗ lớn và các loài cây dưới tán rừng. Từ đó, nâng cao đời sống cho người dân tham gia trồng rừng", ông Văn nhấn mạnh.

Đầu tháng 7/2024, tại kỳ họp HĐND tỉnh, nghị quyết mới về phát triển lâm nghiệp bền vững vừa được thông qua, tạo thêm động lực để người dân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, góp phần thực hiện mục tiêu thị trường tín chỉ các bon, cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng.

Mô hình trồng trà hoa vàng dưới tán rừng lim của anh Triệu Tiến Lộc (xã Tân Dân, TP Hạ Long). Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình trồng trà hoa vàng dưới tán rừng lim của anh Triệu Tiến Lộc (xã Tân Dân, TP Hạ Long). Ảnh: Nguyễn Thành.

Cụ thể, nghị quyết mới có một số điểm thay đổi so với Nghị quyết 337 như mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn tỉnh; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, từ chỉ hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thành hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân.

Nâng mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn từ chỉ hỗ trợ kinh phí mua cây giống với mức 15 triệu đồng/ha thành hỗ trợ kinh phí mua cây giống và công chăm sóc với mức 20 triệu đồng/ha (không áp dụng đối với cây quế); đồng thời nâng mức hỗ trợ vay vốn ngân hàng CSXH từ 20 triệu đồng/ha lên thành 30 triệu đồng/ha.

Bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân đã tham gia chính sách trồng rừng gỗ lớn với mức 10 triệu đồng/ha diện tích rừng trồng gỗ lớn để trồng cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi gia súc, gia cầm (bao gồm gà, vịt, dê).

Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết, Nghị quyết 337 được sửa đổi, bổ sung và có hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia trồng rừng gỗ lớn. Huyện Ba Chẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn; phát triển các mô hình trồng rừng, dược liệu. Đồng thời, khuyến khích người dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp từ loài cây sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế thấp, sang trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Thời gian tới, Sở NN-PTNT Quảng Ninh tiếp tục làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai các giải pháp giúp hộ gia đình, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ theo đúng quy định. Các địa phương cần tăng cường giao đất, giao rừng, trồng rừng thay thế, trồng rừng sản xuất, ứng dụng KHCN để nâng cao giá trị rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Từ đó, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.