| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững

Thứ Ba 02/07/2024 , 07:00 (GMT+7)

QUẢNG NINH Khi triển khai, dự án của Tập đoàn INDEVCO sẽ góp phần cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Chủ tịch Tập đoàn INDEVCO Đỗ Tiến Dũng. Ảnh: Cường Vũ.

Chủ tịch Tập đoàn INDEVCO Đỗ Tiến Dũng. Ảnh: Cường Vũ.

Vị chủ tịch đau đáu với rừng

Ông Đỗ Tiến Dũng - Chủ tịch Tập đoàn luôn trăn trở về hướng hồi sinh cánh rừng keo một cách bền vững. Ông Dũng cho biết, keo là loài cây sinh trưởng nhanh, giúp cải thiện tiểu khí hậu và đất, che chắn hạn chế dòng chảy đồng thời có khả năng cố định đạm khí quyển trong đất. Tuy nhiên trên thực tế, việc canh tác chỉ một loại cây trong nhiều năm đã ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học của vùng đất, đồng thời giá trị kinh tế thu về thấp.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch Tập đoàn INDEVCO đã ấp ủ kế hoạch nghiên cứu phương án để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng. Sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp là một trong những giải pháp hiệu quả để tận dụng tối đa diện tích đất canh tác, bảo tồn đất, hướng tới phát triển bền vững và ứng phó với thách thức toàn cầu về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Tận dụng những lợi thế sẵn có, INDEVCO muốn nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, chuyển đổi phương thức canh tác và loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu của tỉnh Quảng Ninh. Tập đoàn sẽ từng bước chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu dưới tán, kết hợp chăn nuôi gia súc. Hiện INDEVCO sở hữu diện tích đất hơn 400ha tại xã Vũ Oai và xã Hòa Bình (TP Hạ Long, Quảng Ninh), với loại cây chủ yếu là cây keo đã quá độ tuổi sinh trưởng, già cỗi. 

"Tập đoàn INDEVCO sẽ ứng dụng mô hình chăn nuôi kết hợp, kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế, phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi; chất thải chăn nuôi lại trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị sản xuất. Ngoài ra, nguồn thảo dược tự trồng có thể được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi giúp tăng sức đề kháng cho vật nuôi", ông Dũng chia sẻ. 

Khi kế hoạch được triển khai, Chủ tịch INDEVCO kỳ vọng đây sẽ là một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi, giảm thiểu chất thải và tác động môi trường, nâng cao năng suất và rút ngắn chuỗi cung ứng.

Nông lâm kết hợp - mô hình phát triển bền vững 

Không ngừng thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng, INDEVCO luôn quan tâm triển khai các dự án phát triển kinh tế gắn với chăm lo sinh kế cho người dân địa phương. Vì vậy, kế hoạch đầu tư phát triển nông lâm nghiệp kết hợp trên diện tích đất 400ha 2 xã Vũ Oai và Hòa Bình của INDEVCO không những mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường mà còn đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương.

Khu đất hơn 400ha xen giữa ranh giới hai dự án: Công viên nghĩa trang An Lạc và Trung tâm xử lý chất thải rắn tại xã Vũ Oai và xã Hòa Bình của Tập đoàn INDEVCO. Ảnh: Cường Vũ

Khu đất hơn 400ha xen giữa ranh giới hai dự án: Công viên nghĩa trang An Lạc và Trung tâm xử lý chất thải rắn tại xã Vũ Oai và xã Hòa Bình của Tập đoàn INDEVCO. Ảnh: Cường Vũ

Theo ông Dũng, việc triển khai mô hình nông lâm kết hợp sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế gấp nhiều lần so với hình thức độc canh cây gỗ nhỏ như hiện tại. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, mô hình nông lâm kết hợp mà INDEVCO áp dụng có khả năng tích trữ một lượng lớn carbon trong đất và sinh khối thực vật, góp phần giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính nhờ đó thúc đẩy lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam.

Với nguyên tắc lấy thiên nhiên làm nền tảng, con người là trọng tâm để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, Tập đoàn INDEVCO hy vọng tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa kế hoạch đầu tư phát triển nông lâm kết hợp để tái sinh cánh rừng 400ha của Tập đoàn.

Trồng rừng gỗ lớn tạo sinh kế bền vững

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh phát triển trồng rừng gỗ lớn, đem lại lợi ích kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 có gần 12.900ha rừng gỗ lớn, trong đó có gần 9.000ha trồng và hơn 3.800ha chuyển hóa.

Trồng keo tuy được thu hoạch nhanh nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở Quảng Ninh đã chuyển sang trồng các loại cây gỗ lớn. Ảnh: Cường Vũ

Trồng keo tuy được thu hoạch nhanh nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở Quảng Ninh đã chuyển sang trồng các loại cây gỗ lớn. Ảnh: Cường Vũ

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh khẳng định: Phát triển lâm nghiệp bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vì vậy, phát triển lâm nghiệp phải đồng bộ từ trồng rừng, cải tạo rừng, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững tài nguyên rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.

Theo ông Sơn, mục tiêu tỉnh Quảng Ninh đặt ra đến năm 2025 sẽ tăng giá trị sản xuất từ rừng bình quân đạt 8%/năm, tăng trưởng khoảng 5,5%/năm, năng suất rừng trồng từ 10m3/ha hiện nay lên 15m3/ha giai đoạn 2022-2025, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 400.000m3/năm, sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu từ 3.500 tấn/năm như hiện nay lên 4.000 tấn/năm giai đoạn 2022-2025.

Chỉ tính trong giai đoạn 2021- 2023, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành 240 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống", ông Sơn chia sẻ.

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 5.000ha rừng cây lim, dổi và 50% số hộ dân miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa, bảo đảm cho khoảng 60 đến 70 nghìn người có việc làm với mức thu nhập bình quân 6.000.000 đồng/người/tháng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.