Xu hướng chuyển dịch trong chăn nuôi từ nông hộ nhỏ lẻ sang nông trại, trang trại quy mô lớn được xem là giải pháp phát triển bền vững trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay.
Chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang trang trại tập trung tại ĐBSCL
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, sản xuất nông nghiệp đa dạng đã tạo nguồn nguyên liệu thức ăn phong phú cho phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia cầm, nuôi heo và đại gia súc như trâu, bò... Trước đây, chăn nuôi tại nông hộ khá phổ biến, hầu như nhà nào cũng có đàn gà, vịt, chuồng nuôi heo để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như lúa, cám gạo, nhằm mục đích cải thiện bữa ăn gia đình và tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, sau các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm mạnh...
Các đợt dịch bệnh lớn xảy ra như những “cơn bão” càn quét ngành chăn nuôi, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ kiệt quệ không còn khả năng tái đàn hoặc không dám tái đàn do sợ rủi ro dịch bệnh lặp lại, khiến cho tổng đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh. Các địa phương đã tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, tổ chức lại sản xuất, xác định trang trại là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng quy mô đàn, tăng giá trị sản xuất. Đây cũng là lĩnh vực mà các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn rất nhiều dư địa để phát triển, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, nguồn lực tài chính cũng như đơn giản hóa thủ tục đầu tư để phát triển kinh tế trang trại trong chăn nuôi...