| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống dịch bệnh vật nuôi hiệu quả [Bài 2] Chuyển sang chăn nuôi trang trại

Thứ Ba 11/04/2023 , 09:17 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi tỉnh Khánh Hòa hiện có sự chuyển dịch lớn từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp theo hình thức trang trại, đảm bảo môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Empty

Chăn nuôi Khánh Hòa chuyển dịch sang chăn nuôi trang trại, đảm bảo môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: KS.

Chuyển sang chăn nuôi quy mô

Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết, những năm gần đây quy mô chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường. Theo đó, so với 5 năm trước đây (năm 2018), tổng đàn lợn hiện tăng lên 42% (368.450/259.470 con), đàn gia cầm tăng 15,7% (2.332.700/2.015.300 con), đàn trâu, bò giảm 9,2% (61.820/68.070 con).

Về hình thức chăn nuôi, hiện ngành chăn nuôi tỉnh Khánh Hòa có sự chuyển dịch lớn từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp theo hình thức trang trại trên cả 3 giống vật nuôi chủ lực gồm lợn, bò, gà, từ đó chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống, dịch bệnh.

Theo ông Lê Thắng, trong chăn nuôi lợn, địa phương phát triển nhanh cả về tổng đàn, chất lượng giống và áp dụng công nghệ cao trong chăn  nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 80% tổng đàn lợn, 50% tổng đàn gà và 5% tổng đàn bò được nuôi trong trang trại. Trong đó, 431 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, gồm: 74 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 178 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 179 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ.

Empty

Chăn nuôi gà quy mô ở Khánh Hòa. Ảnh: KS.

“Hiện nay, các trang trại chăn nuôi có áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cũng như chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Trong đó có 10 cơ sở chăn nuôi lợn, 2 cơ sở chăn nuôi gà và 1 cơ sở chăn nuôi đà điểu đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh”, ông Thắng chia sẻ.

Không những thế, chăn nuôi của tỉnh này hiện có trên 70% tổng đàn lợn, 40% tổng đàn gà nằm trong chuỗi liên kết giữa cơ sở chăn nuôi với các công ty FDI. Từ đó, đã phát triển một số thương hiệu như thịt lợn, trứng gà, thịt đà điểu cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, từ năm 2018, theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc báo cáo thông tin dịch bệnh động vật thông qua hệ thống VAHIS. Hệ thống này cho phép theo dõi và cảnh báo sớm dịch bệnh động vật khi phát hiện có động vật mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh trên địa bàn để xử lý kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng.

Hiện Chi cục đã phân công 2 công chức là đầu mối chuyên trách việc cập nhật, tổng hợp số liệu và báo cáo dịch bệnh qua hệ thống VAHIS đúng theo quy định, đồng thời đang phối hợp với dự án Giám sát và Phát hiện Bệnh truyền nhiễm (IDDS) tổ chức tập huấn cho 16 viên chức Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện về báo cáo dịch bệnh động vật trên VAHIS. Các báo cáo tình hình dịch bệnh tại địa phương đúng thời gian, tiến độ khi dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, tất cả các ổ dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều được cập nhập và báo cáo trên VAHIS đầy đủ và đùng thời gian quy định.

Empty

Việc chăn nuôi an toàn sinh học sẽ giúp người nuôi phòng, chống dịch bệnh rất tốt. Ảnh: KS.

Xuất hiện dịch bệnh trên chăn nuôi nông hộ

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên bò và dịch tả lợn Châu Phi tại các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cụ thể, vào ngày 20/2 vừa qua, 1 con bê 4 tháng tuổi của gia đình bà L.T.T, ở thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng (Vạn Ninh) được phát hiện mắc bệnh viêm da nổi cục. Sau đó, trong ngày, UBND xã Vạn Hưng đã tổ chức tiêu hủy và đến nay qua 21 ngày nhưng không phát sinh ổ dịch mới.

Đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện tại hộ ông B.V.K, thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) với tổng 43 con lợn thịt mắc bệnh. Trong ngày 2-4/3 vừa qua, UBND xã Phước Đồng đã tổ chức tiêu hủy toàn đàn lợn bệnh, chết của hộ ông Bùi Văn Kiếm với tổng khối lượng 2.258 kg.

Theo ông Lê Thắng, trường hợp bê con mắc bệnh viêm da nổi cục vì không có kháng thể và từ bò mẹ truyền sang. Còn đàn heo mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi do hộ chăn nuôi heo sử dụng thức ăn dư thừa được thu gom ở nhà hàng khách sạn và khu vực chứa thức ăn không cách biệt với khu nuôi nhốt heo.

Mặt khác các hộ có gia súc mắc bệnh đều ở quy mô chăn nuôi nhỏ, chăn nuôi trong hộ gia đình ngay trong khu dân cư không đủ điều kiện áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Trong khi đó, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa nhận định, trong thời tới nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Bởi thời tiết hiện diễn biến cực đoan thay đổi bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. Cùng với đó, điều kiện chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi nông hộ còn hạn chế, tình hình chăn, thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn phổ biến.

Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao như các chủng virus cúm gia cầm A/H5 (H5N1, H5N6…); virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi tồn tại lâu dài ở ngoài môi trường; cũng như vi rút gây bệnh viêm da nổi cục có khả năng lây lan nhanh và rộng do các véc tơ truyền bệnh.

Empty

Cơ quan Thú y khuyến cao người nuôi tiêm phòng để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Ảnh: KS.

Do đó, để phòng chống dịch bệnh, hiện ngành thú y Khánh Hòa đang triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt 1/2023. Cụ thể, đã phân bổ 21.400 liều vacxin lở mồm long móng trâu, bò và 432.800 liều vacxin cúm gia cầm cho các địa phương triển khai tiêm phòng từ ngày 10/3.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng đang triển khai công tác giám sát sự lưu hành virus cúm gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm trên địa bàn tỉnh do FAO hỗ trợ. Cũng như tham mưu Sở NN-PTNT ban hành kế hoạch thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi từ ngày 20/3.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán động vật và sản phẩm động vật, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán và giết mổ động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, nghi mắc bệnh.

Phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã có dịch triển khai các biện pháp chống dịch bệnh như: tổ chức tiêu hủy gia súc bệnh, chết theo quy định, vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại và khu vực xung quanh các hộ có gia súc mắc bệnh, ký cam kết phòng, chống dịch bệnh với hộ chăn nuôi, tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ thực hiện 5 không theo đúng quy định của Luật Thú y và báo ngay chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh...

Đặc biệt, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên chủ động vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.

Ông Lê Thắng cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, gắn với an toàn dịch bệnh; chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến khích phát triển hình thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ; giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích phát triển những mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ. Cùng với đó nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.