Báo Nông nghiệp Việt Nam tọa đàm cùng Văn phòng SPS Việt Nam và Công ty Cổ phần Sản xuất & Xuất nhập khẩu Việt Phúc với chủ đề 'Doanh nghiệp thích ứng Lệnh 248, 249 và giao thương nông sản với Trung Quốc'.
Doanh nghiệp thích ứng Lệnh 248, 249 và giao thương nông sản với Trung Quốc
TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN LÀ THỊ TRƯỜNG DỄ TÍNH
Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường nước này. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm, Luật An toàn sinh học và các qui định khác liên quan.
Từ đầu năm 2022, Trung Quốc bắt đầu áp dụng các quy định trong Lệnh 248, 249, với mục tiêu công khai, minh bạch hóa thông tin và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời yêu cầu vai trò nhiều hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam.
Sau khi xem xét danh sách do cơ quan có thẩm quyền của phía Việt Nam gửi, Hải quan Trung Quốc sẽ cập nhật lên cổng thông tin Cifer. Chỉ khi hoàn thành các thủ tục này, doanh nghiệp mới được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trong trường hợp cần xem xét đánh giá trực tiếp Hải quan Trung Quốc sẽ cử đoàn sang thanh kiểm tra trực tiếp các cơ sở sản xuất, đóng gói.
Trước những yêu cầu này, địa phương và doanh nghiệp trong nước đã suy nghĩ và hành động như thế nào?
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Sơn La tại Hội nghị Phổ biến các quy định SPS hồi tháng 6/2022.
Ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tại Diễn đàn 970 hồi cuối năm 2021.
Bên cạnh Lệnh 248, 249, 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam và Trung quốc còn ký nhiều thỏa thuận thúc đẩy thương mại nông sản và thực phẩm giữa hai nước. Trong đó, không thể không kể đến việc Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu chanh leo và sầu riêng chính ngạch. Những lô hàng đầu tiên đã cập bến nước bạn, và sắp tới trên bàn ăn của người Trung Quốc còn hứa hẹn có thêm cả khoai lang tím. Nếu làm được, đây sẽ là bước đệm để nông sản Việt chạm ngõ những thị trường khó tính hơn, đồng thời tăng kim ngạch xuất khẩu thêm nhiều tỉ USD.
Dù vậy, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu vào thị trường này, cũng như thị trường các nước là thành viên WTO hay đối tác trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm rõ các yêu cầu kỹ thuật và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm.
Đó không đơn thuần là quá trình thay đổi nhận thức, mà còn là cả cách tiếp cận trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khi gieo hạt, thả giống đến quy trình canh tác, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, phân phối. Ngoài ra, là sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, đảm bảo công tác thanh, kiểm tra, giám sát được thực hiện xuyên suốt cho tới lúc sản phẩm lên bàn ăn.