| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp bị đình chỉ xuất khẩu nếu vi phạm Lệnh 248, 249

Thứ Hai 15/08/2022 , 16:20 (GMT+7)

Theo lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, bất kể khi nào Hải quan Trung Quốc cũng có thể ngừng nhập khẩu nếu phía doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ Lệnh 248, 249.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.  Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.  Ảnh: Trọng Linh.

Ngày 15/8, tại Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị “Xuất khẩu thủy sản thích ứng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai Lệnh 248, Lệnh 249 và kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-Cov2", do Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Sở NN-PTNT Bạc Liêu tổ chức.

Quản lý an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Bà Vũ Thị Hải Yến, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: Lệnh 249 được phía Hải quan Trung Quốc ban hành 12/4/2021, có hiệu lực 1/1/2022, với 6 chương, 79 điều, nội dung chủ yếu gồm các yêu cầu chung trong lĩnh vực quản lý giám sát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, quản lý thực phẩm nhập, xuất khẩu, biện pháp quản lý, giám sát và trách nhiệm pháp luật, tương ứng của các bên… trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Theo Lệnh 249, đối với sản phẩm thịt tươi sống và đông lạnh, bao bì trong và ngoài phải có nhãn hiệu chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc bằng tiếng Trung/tiếng Anh và ngôn ngữ của nước xuất khẩu (khu vực), nội dung thể hiện rõ: quốc gia (khu vực), xuất xứ, tên sản phẩm, số đăng ký của nhà sản xuất và lô sản xuất.

Ngoài ra, bao bì bên ngoài phải ghi thông số kỹ thuật như: nơi sản xuất (tỉnh, thành phố), nơi đến, ngày sản xuất, hạn sử dụng hay nhiệt độ bảo quản…

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu tuân thủ Lệnh 248, 249. Ảnh: Trọng Linh.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu tuân thủ Lệnh 248, 249. Ảnh: Trọng Linh.

Trong quá trình giám sát thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu, cơ quan Hải quan Trung Quốc nếu phát hiện thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu không dán nhãn tiếng Trung hoặc nhãn tiếng Trung không tuân theo quy định, pháp luật và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc sẽ buộc tiêu hủy hoặc trả lại.

Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc (GACC) triển khai công tác kiểm tra và xét nghiệm Covid-19 trên sản phẩm thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu, căn cứ kết quả kiểm tra theo quy định sẽ tiến hành kiểm tra và điều tra, xác nhận tình trạng an toàn và hệ thống quản lý an toàn của nước/khu vực xuất khẩu có tiếp tục phù hợp với yêu cầu của phía Trung Quốc hay không, đối với các doanh nghiệp còn tồn tại, căn cứ theo quy định pháp luật liên quan để áp dụng biện pháp khắc phục có thời hạn, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hủy bỏ đăng ký tư cách xuất khẩu của doanh nghiệp...

Đối với thực phẩm chuỗi đông lạnh nhập khẩu bị phát hiện dương tính với Sars-CoV2, căn cứ Cơ chế liên ngành phòng chống dịch Quốc Vụ viện Trung Quốc để ban hành hướng dẫn quy định có liên quan, tiến hành phân loại, phân cấp xử lý.

Về thủ tục đăng ký doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Lý, Trưởng phòng Chất lượng và Kiểm nghiệm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam bộ (Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản - Nafiqad) chia sẻ: Đến nay, có 779 cơ sở chế biến thủy sản đã có tên trong danh sách tiếp tục xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc, Chi cục đã gửi thông tin tài khoản truy cập Hệ thống một cửa thương mại quốc tế (CIFER) của GACC cho các cơ sở.

Các cơ sở chưa có tên trong danh sách 779 cơ sở chế biến thủy sản đã được Cục cấp tài khoản để thực hiện khai báo thông tin trên CIFER. Các hồ sơ đạt yêu cầu đều đã được gửi tới GACC. Ngoài ra, các cơ sở có hồ sơ chưa đạt yêu cầu đã được Chi cục hướng dẫn để hoàn thiện lại việc khai báo.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Lý cũng chia sẻ một số lỗi sai thường gặp trong quá trình đăng ký hồ sơ như: Khai không đầy đủ các nội dung bắt buộc phải khai báo của hệ thống, thông tin khai báo chưa đúng (thông tin về ngày thành lập không khớp với giấy đăng kí kinh doanh, sản phẩm đăng ký xuất khẩu khác với sản phẩm trong Kế hoạch HACCP...); sản phẩm đăng ký không thuộc danh mục sản phẩm/nhóm sản phẩm được thẩm định, chứng nhận hoặc không nằm trong Danh mục 128 sản phẩm được Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu.

Ngành thủy sản cần xây dựng vùng nuôi theo chuỗi khép kín. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành thủy sản cần xây dựng vùng nuôi theo chuỗi khép kín. Ảnh: Trọng Linh.

Xây dựng vùng, chuỗi cơ sở an toàn dịch bệnh

Ông Tiền Ngọc Tiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng 7 (Cục Thú y) cho biết: Tính từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh khoảng 5.124 ha (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021) chủ yếu là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính... Ngoài ra, diện tích cá tra nuôi bị mắc bệnh khoảng 316 ha, chủ yếu do mắc các bệnh gan thận mủ, xuất huyết, một số bị ký sinh trùng, sưng bóng hơi, phù đầu và tuột nhớt.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (gồm cả diện tích thiệt hại do dịch bệnh) gần 19.000 ha, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2021 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 14.903 ha). Thiệt hại xảy ra chủ yếu trên tôm nuôi nước lợ với diện tích bị thiệt hại hơn 18.400 ha, chiếm 97,8% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại.

Hiện cả nước đã có 24 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 21 cơ sở sản xuất tôm đạt an toàn dịch bệnh (20 cơ sở sản xuất tôm giống, 1 cơ sở nuôi tôm thương phẩm) và 3 cơ sở sản xuất cá cảnh an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.

Cục Thú y đang tiếp tục hỗ trợ các cơ sở nuôi tôm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và OIE để phục vụ xuất khẩu, bao gồm: Tập đoàn Việt Úc (tại Bạc Liêu, Bình Định và các địa phương khác), Công ty Cổ phần thực phẩm Trung Sơn (tại Kiên Giang), Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (tại Phú Yên), Công ty TNHH Moana Ninh Thuận.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y một số tỉnh cũng đang hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi tôm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đặc biệt là khảo sát và hướng dẫn xây dựng kế hoạch an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, ứng phó dịch bệnh.

Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa cho biết: Trong những năm vừa qua Việt Nam đã tham gia ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định tự do với Trung Quốc, đây được xem là hiệp định rất quan trọng thúc đẩy thương mại, thực phẩm giữa hai nước. Trong lĩnh vực thủy sản, sản phẩm xuất khẩu thủy sản giữa hai nước đã có mối quan hệ được siết chặt bằng thỏa thuận giám sát, những sản phẩm thủy sản qua chế biến hay sản phẩm thủy sản tươi sống đã được ký kết từ năm 2004, sau đó ký lại 2008 và gần đây nhất là năm 2014.

Việc triển khai xuất khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc thuận lợi nhiều hơn so với các ngành hàng khác khi Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, 249 bởi hệ thống giám sát an toàn thực phẩm đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản hai nước đã có sự công nhận về cơ bản là tương đương nhau.

Thông qua đó, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản) kiểm tra đánh giá chứng nhận cho các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản các sản phẩm thủy sản cũng như thủy sản tươi sống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sau đó, cung cấp danh sách cho Trung Quốc và trên cơ sở đó Cục An toàn thực phẩm, xuất nhập khẩu (Hải quan Trung Quốc) sẽ cập nhật danh sách lên hệ thống.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, 249 việc triển khai giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc sẽ tiến hành chặt chẽ hơn và bất kỳ lúc nào khi các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm các quy định của hiệp định về vấn đề dịch bệnh trên thủy sản hay vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép đối với hóa chất kim loại trong sản phẩm thủy sản thì ngay lập tức họ có thể cấm các doanh nghiệp ta xuất khẩu qua đó.

Với Lệnh 248, 249, Trung Quốc có thể yêu cầu các doanh nghiệp, đầu mối cung cấp sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào nước họ những điều kiện vệ sinh, nếu không đáp ứng thì Trung Quốc có thể cấm không cho xuất khẩu sang. Do đó, các doanh nghiệp của Việt Nam cần tuân thủ nghiêm Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đây là việc cấp thiết, phải đảm bảo thực thi nghiêm túc. .

6 doanh nghiệp ở Bạc Liêu bị tuýt còi

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu: Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 45 nhà máy chuyên về chế biến, xuất khẩu thủy sản, công suất thiết kế 209.700 tấn/năm, thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc…

Trung Quốc là thị trường lớn, đang chặt chẽ hơn trong quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, cụ thể là Lệnh 248 và 249. Thời gian qua một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã bị phía cơ quan chuyên môn của Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu vào thị trường nước họ (cụ thể có 6 doanh nghiệp do bị cảnh báo bệnh thủy sản). Ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp, sát cánh cùng doanh nghiệp, HTX, người dân, sản xuất nông nghiệp ngoài nâng cao năng suất thì chất lượng sản phẩm phải ưu tiên hàng đầu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh. 

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.