Công tác quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh và nâng cao nhận thức người dân giúp việc phòng, chống dịch bệnh thủy sản đạt hiệu quả.
Dữ liệu quan trắc môi trường giúp quản lý dịch bệnh thủy sản hiệu quả
Những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức khi hoạt nuôi trồng thủy sản diễn ra ồ ạt với mật độ dày đặc đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số vùng nuôi thủy sản tập trung có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát. Điều này dẫn đến một số loại bệnh nguy hiểm xảy ra trên tôm hùm, cá biển như bệnh sữa, đỏ thân, đen mang, xuất huyết, lở loét… gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tiến hành quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản, đồng thời mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó tuyên truyền, lan tỏa nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại khu vực Nam Trung bộ và xác định được mật độ nuôi phù hợp.
Phỏng vấn ông Trần Trung Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa
Qua lớp tập huấn ngày hôm nay đã giúp người dân nuôi trồng nắm được kiến thức, trong quá trình triển khai nuôi trồng thì người dân có thêm kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường để làm mục tiêu nâng cao sản phẩm để đạt được hiệu quả chất lượng nuôi của hộ nuôi trồng.
Công tác quan trắc môi trường được Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thực hiện dựa trên tiêu chí lựa chọn các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và phải đại diện cho địa phương về cả diện tích và sản lượng, các vùng quan trắc phải phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Trung tâm sẽ ưu tiên các điểm quan trắc môi trường đã thực hiện những năm trước đó để dữ liệu quan trắc được liên tục và thường xuyên.
Kết quả quan trắc môi trường được Trung tâm thực hiện thời gian qua đã đáp ứng được mục tiêu đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường ở các khu vực nuôi trồng thủy sản cũng như cung cấp, đánh giá kịp thời, đưa ra những cảnh báo rủi ro chất lượng môi trường ở các vùng nuôi, từ đó phục vụ cho công tác quản lý ở các địa phương được hiệu quả hơn.