Theo ThS Võ Thị Ngọc Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN-PTNT), công tác quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh là một nhiệm vụ quan trọng được Bộ NN-PTNT chỉ đạo thực hiện trong những năm gần đây.
Công tác quan trắc môi trường được Trung tâm thực hiện dựa trên tiêu chí lựa chọn các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và phải đại diện cho địa phương về cả diện tích và sản lượng, các vùng quan trắc phải phục vụ cho lợi ích cộng đồng.
“Các điểm quan trắc khu vực nước cấp phải là các điểm cung cấp trực tiếp cho vùng nuôi, phải ổn định và đại diện cho vùng nuôi đó. Ngoài ra, các điểm quan trắc không được chồng chéo với các điểm quan trắc của địa phương và ưu tiên quan trắc vào những thời điểm nắng nóng đặc trưng của khu vực miền Trung khoảng từ tháng 4 đến tháng 6”, ThS Trâm nói và cho biết thêm, Trung tâm sẽ ưu tiên các điểm quan trắc môi trường đã thực hiện những năm trước đó để dữ liệu quan trắc được liên tục và thường xuyên.
Cũng theo ThS Trâm, kết quả quan trắc thời gian qua được Trung tâm thực hiện đã đáp ứng được mục tiêu đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường ở các khu vực nuôi trồng thủy sản cũng như cung cấp, đánh giá kịp thời, đưa ra những cảnh báo rủi ro chất lượng môi trường ở các vùng nuôi, từ đó phục vụ cho công tác quản lý ở các địa phương được hiệu quả hơn.
Hiện nay, dịch bệnh thủy sản còn diễn biến phức tạp, để ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, cần thực hiện giám sát dịch bệnh ngay từ khâu sản xuất giống, từ đó đảm bảo chất lượng con giống sạch bệnh đến tay người nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Thương mại Ngọc Thủy cho biết, công tác nâng cao chất lượng con giống được doanh nghiệp chú trọng và thực hiện thường xuyên trong thời gian qua.
“Để nâng cao chất lượng con giống, không chỉ chú trọng con giống mình sản xuất, điều tất yếu phải lựa chọn được cá bố mẹ đạt chất lượng, từ đó mới sản xuất được con giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất quyết định rất lớn đến việc sản xuất con giống đạt chất lượng”, ông Hà cho hay.
Theo ông Hà, hiện Công ty Ngọc Thủy đang đầu tư nâng cấp các trại giống sản xuất giống cá biển. Nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân viên làm công tác sản xuất giống cũng được Công ty chú trọng, từ đó sản xuất con giống đáp ứng yêu cầu của thị trường.
“Nước ta đã có quy chuẩn về giống cá biển, tuy nhiên theo nhu cầu phát triển và tình hình dịch bệnh hiện nay thì việc lựa chọn con giống có kích thước lớn, chất lượng tốt sẽ giúp cho bà con đưa giống ra biển nuôi thành công”, ông Hà cho biết.
Tầm quan trọng của quy hoạch không gian biển đối với ngành nuôi trồng thủy sản, ThS Võ Thị Ngọc Trâm cho biết, trong bối cảnh nuôi biển nước ta hiện nay chủ yếu tập trung ở các vùng ven bờ, quy mô nhỏ lẻ và theo hình thức truyền thống nên cũng gây áp lực về ô nhiễm môi trường ở các vùng nuôi. Ngoài ra, việc sử dụng chồng chéo diện tích mặt nước với các mục đích kinh tế khác dẫn đến hiệu quả không cao.
Do đó, ThS Trâm cho rằng, khi quy hoạch không gian biển được thông qua phần nào sẽ giúp hạn chế được các áp lực về ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi biển tập trung hiện nay. Bên cạnh đó, hạn chế được những rủi ro về môi trường, dịch bệnh và công tác quản lý vùng nuôi, ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ hệ sinh thái biển sẽ hiệu quả hơn.
Theo ThS Trâm, trong thời gian tới, công tác quan trắc môi trường sẽ được Trung tâm thực hiện ở các vùng nuôi trọng điểm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, tôm nước lợ, cá nước lạnh và có thể mở rộng hơn ở các đối tượng nuôi biển sắp tới.
Thông qua đó có được cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường ở các vùng nuôi trồng thủy sản thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống cơ sở dữ liệu này cũng sẽ được hệ thống hóa với cơ sở dữ liệu nuôi trồng thủy sản của quốc gia, từ đó dễ dàng phục vụ cho công tác quản lý cũng như xuất khẩu các đối tượng nuôi của nước ta.