Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông hạ thủy lồng nuôi biển bằng vật liệu HDPE lớn nhất thế giới với đường kính rộng 100m, tương đương 100.000m3 nước. Chi phí hơn 15 tỷ đồng, có thể thả nuôi 100.000 con mực giống, 5,5 triệu con ốc hương mỗi năm.
Mới đây, Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông đã tổ chức lễ hạ thủy lồng nuôi biển bán tự nhiên nuôi mực thương phẩm kết hợp nuôi ốc hương ở tầng đáy bằng vật liệu HDPE lớn nhất thế giới với đường kính lồng 100 mét, tương đương 100.000m3 nước.
Anh Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông cho biết, chi phí hoàn thành lồng nuôi này hết hơn 15 tỷ đồng trong thời gian hơn 3,5 tháng.
Phỏng vấn Anh Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông
Cái lồng hôm nay chúng tôi hạ thủy rơi vào khoảng 7.850m2, tương đương khoảng 100.000m3 nước. Chúng tôi tin chắc rằng đây là một trong những lồng HDPE lớn nhất thế giới đến thời điểm hiện tại và sau khi thành công với lồnh 100.000m3 nước này sẽ là một kinh nghiệm khá lớn để mực nhảy Biển Đông có thể thi công những cái lồng lớn hơn với những mét khối nước lớn hơn để đáp ứng được nhu cầu con mực đang cần.
Theo anh Nguyễn Bá Ngọc, mực khi nuôi thương phẩm có đặc tính rất dễ ăn nhau cho nên Công ty phải chế tác ra những lồng nuôi có thể tích nước lớn, từ đó tạo được khoảng cách giữa các con mực, đồng thời tạo được lợi nhuận nhiều hơn.
Khi đi vào hoạt động, lồng nuôi này có thể thả nuôi 100.000 con mực giống, 5,5 triệu con ốc hương mỗi năm. Căn cứ kết quả nuôi thí điểm chỉ cần đạt tỷ lệ 50/50 thì sau 8 tháng sẽ thu khoảng chừng 50 tấn mực, 55 tấn ốc hương.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam
Công trình này có ý nghĩa rất lớn, nó lớn không phải vì dung tích của lồng nuôi là 100.000m3 nó lớn hơn tất cả các lồng mà hiện nay trên thế giới. Nhưng mà nó lớn điều cơ bản nhất tôi thấy là một doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ, ở giai đoạn đầu phát triển của mình mà làm được công trình kì vĩ như thế này, tự mình thiết kế, thi công, vận hành và mang ra vùng biển để nuôi thì đấy là điều lớn nhất ở trong công trình này.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ghé thăm mô hình nuôi mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên của Công ty Mực nhảy Biển Đông.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, đây là mô hình nuôi mực thân thiện với tự nhiên, nuôi được nhiều cá thể, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là giải pháp vừa phát triển kinh tế, vừa giảm áp lực cho khai thác, tăng nuôi trồng trên biển, cung cấp sản phẩm sạch, có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc dễ dàng, phục vụ nội tiêu trong nước và xuất khẩu.
Phỏng vấn Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Đây là mô hình nuôi mực thân thiện với tự nhiên, giống cũng từ tự nhiên sinh sản, thức ăn và rất nhiều đối tượng trong lồng nuôi như này. Rong sụn, ốc hương, mực lá và chúng ta thấy chỉ có 6 tháng đã được 1 mẻ rồi. Như cái lồng nuôi này 1 năm chúng ta đạt sản lượng trên 30 tấn/vụ, 1 năm 2 vụ thu được 60 tấn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tôi nghĩ rằng Ninh Thuận nên tổng kết mô hình này và nhân rộng ra các vùng biển khác để chúng ta đạt sản lượng nuôi biển 1,45 triệu tấn vào năm 2030.
Theo Đề án nuôi biển của tỉnh Ninh Thuận, mục tiêu sẽ hình thành các khu công nghiệp trên biển có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thủy sản.
Những hạt nhân tiên phong như Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông mang khát vọng rồi đây mỗi vùng biển Việt Nam sẽ là một hồ nuôi khổng lồ, ở đó ngư dân sẽ có sinh kế bền vững và giảm áp lực đánh bắt tự nhiên.