Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Việt Nam hiện mới chủ động được 20 - 30% nhu cầu về giống và thương phẩm đối với cá nước lạnh nên dư địa phát triển còn rất lớn, lên tới cả tỷ USD mỗi năm.
Dù là đất nước nhiệt đới, song Việt Nam sở hữu nhiều tiểu vùng khí hậu thuận lợi cho phát triển nuôi cá nước lạnh là cá tầm và cá hồi, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.Sau khi du nhập khoảng những năm 2002, đến nay cả nước có 25 địa phương phát triển nuôi cá nước lạnh, giúp Việt Nam vươn lên tốp 10 những nước có sản lượng cá nước lạnh lớn nhất thế giới.
Hiện, có hai phương thức nuôi cá nước lạnh phổ biến là nuôi trên hệ thống bể nước chảy tận dụng độ dốc và địa hình của sông suối và nuôi trên hệ thống lồng bè trên hồ chứa, sông lớn tại: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bắc Ninh,...Việc phát triển nuôi cá nước lạnh góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.
Bằng chứng là sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu như năm 2007, sau thời gian hai năm đưa về nuôi tại Việt Nam sản lượng mới chỉ 95 tấn thì năm 2010 đã tăng lên 450 tấn; sang năm 2015 là 1.500 tấn và đến năm 2020 ước đạt khoảng 4.000 tấn. Tăng trưởng của cá nước lạnh trong giai đoạn 2007-2020 trung bình 68%/năm
Với những kết quả đã đạt được, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu trong chiến lược ngành thủy sản là đến năm 2030, sản lượng cá nước lạnh nuôi đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước và một số sản phẩm cá nước lạnh được xuất khẩu. Sản phẩm trứng cá nước lạnh đạt từ 5 - 10 tấn/năm, giá trị sản phẩm xuất khẩu đạt khoảng 20-25 triệu USD.Bên cạnh đó, Việt Nam sản xuất được 100% nhu cầu giống đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm, 100% nhu cầu thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi cá nước lạnh được sản xuất trong nước.