Cá tầm, giống cá nước lạnh tưởng chỉ phù hợp với khí hậu khu vực vùng cao nay được người dân, doanh nghiệp nuôi thành công dưới lòng sông Đuống, Bắc Ninh, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế mới cho thủy sản vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nuôi cá tầm trên sông, hướng đi mới cho phát triển cá đặc sản
Thưa quý vị và các bạn!
Cá tầm là loài có giá trị cao, du nhập vào Việt Nam từ những năm 2005 và hiện được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Do là loài thủy sản sống ở nước lạnh nên cá tầm chủ yếu được nuôi tại các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên bởi khí hậu phù hợp cho cá sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Đuống tại Bắc Ninh đã bước đầu thành công trong việc cá tầm thương phẩm, từ đó mở ra hướng phát triển kinh tế mới, hiệu quả với người nuôi trên các dòng sông thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
Có thể nói nhiệt độ là yếu tố môi trường quan trọng mang tính quyết định đến môi trường nuôi cá tầm. Do đó, nhiều người không khỏi bất ngờ khi một loại cá vốn ưa nước lạnh, lại có thể sinh trưởng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao lại có thể phát triển tốt tại khu vực có biên độ biến động nhiệt lớn và thời gian nắng nóng kéo dài như tại đồng bằng Bắc Bộ, điển hình như tại tỉnh Bắc Ninh.
Từ năm 2016, ông Nguyễn Quang Thái, Phụ trách trại cá lồng Kinh Bắc đã có ý tưởng về nuôi cá lồng trên một số nhánh của sông Hồng. Ban đầu, các lồng chủ yếu chỉ nuôi các loại cá phổ biến như: cá rô, cá chép, cá trắm hay diêu hồng… Nhận thấy tiềm năng của các loài cá đặc sản, đến năm 2020, ông Thái đã mạnh dạn nhập cá tầm về nuôi tại sông Đuống. Và trời không phụ lòng người, loài cá này đã phát triển ổn định, sinh trưởng tốt. Hiện, trại cá có 10 lồng đang nuôi cá tầm. Mối năm, xuất bán ra thị trường từ 7 đến 10 tấn cá thương phẩm với giá trung bình khoảng 155.000 đồng/kg. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của mô hình có thể lên tới 45 triệu đồng một lồng.
ÔNG NGUYỄN QUANG THÁI - Phụ trách trại cá lồng Kinh Bắc – Dabaco
“ Đến năm 2020, về làm cho dabaco ý tưởng mới thực hiện được. Nhiều người rất bất ngờ! Nhiều người nói rằng không thể nuôi được cá tầm trên sông Đuống, nhưng mô hình của chúng tôi vẫn phát triển ổn định từ năm 2020 cho tới nay. Về tốc độ tăng trưởng khi nuôi ở đây, Một số đàn có tốc độ tăng trưởng tại song Đuống lên tới 3 đến 5 lạng một tháng đối với cá từ trên 5 lạng trở lên. Đối với cá bé, thì tỉ lệ tăng trưởng tháng sau gần gấp đôi so với tháng trước.”
Ngoài trại cá lồng Kinh Bắc, một số mô hình nuôi cá tầm trên sông Thái Bình tại xã Trung Kênh, huyện Lương Tài cũng bước đầu đạt được hiệu quả kinh tế cao. Theo các hộ dân đang nuôi, sản lượng cá tầm thương phẩm đưa ra thị trường hàng năm từ đạt từ 30 – 40 tấn và đem lại doanh thu khoảng 2 -3 tỷ.
Ông NGUYỄN VĂN THOA - Xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh
“Con cá tầm có giá cả rất cao, thứ 2 đó là con cá đặc sản, Con cá tầm trên sông Thái Bình chưa có hộ nuôi, nên mình đang là hộ nuôi đầu tiên. Phát triển con cá tầm tương đối tốt. Những con cá đặc sản đòi hỏi phải có kinh nghiệm của nhà nông, biết cách nuôi theo mùa vụ, tránh để chết, nếu chết nhiều thì lãi suất sẽ thấp, hạn chế chết sẽ lãi cao.”
Ông ĐỖ VĂN HÀ - Chủ tịch xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh
“Tận dụng mặt nước để phát triển thủy sản, Hiện nay trên địa bàn xã có 504 lồng cá, các hộ nuôi tập trung vào các loại cá thuần. Đặc biệt Trung kênh có 2 hộ nuôi thí điểm cá tầm. qua tìm hiểu con cá tầm phát triển tốt. Thời gian tới địa phương sẽ khuyến khích các hội nuôi cá tầm để phát triển kinh tế địa phương… Đối với xã, đảng ủy sẽ tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với nguồn vay, để tạo điều kiện cho các hộ nuôi…”
Ông NGUYỄN KIM NAM - Phó trạm trưởng, trạm chăn nuôi thú y Huyện Lương Tài
“Các hộ nuôi cá tầm ở trung kênh bước đầu chúng tôi khảo sát cho thấy hiệu quả kinh tế cao, có cơ hội mở ra cho các hộ phát triển kinh tế, … Năng suất, chất lượng của cá tầm cao,… nhất là tại các xã….. Rất mong nhận được sự quan tâm của huyện, tỉnh,…để mở rộng mô hình, đem lại một mô hình có hiệu quả kinh tế cao tới người dân”
Tuy các mô hình nuôi cá tầm trên sông Đuống và sông Thái Bình nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Nhưng theo các chuyên gia, việc phát triển mô hình nuôi cá tầm trên tại Bắc Ninh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức như: chưa chủ động được về con giống; mùa vụ bị giới hạn bởi thời tiết, khí hậu. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần có kiến thức chắc về lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi cá tầm nói riêng.
Ông NGUYỄN THÀNH TRUNG - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bắc Ninh
“Về mặt khoa học kỹ thuật, hàng năm, chi cục tổ chức các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, Anh em cán bộ kỹ thuật của chi cục cũng thường xuyên phổ biến cho bà con về các vấn đề. Để nếu phát triển nuôi cũng lường trước được các khó khăn, cũng như thuận lợi về thị trường, con giống, vốn,... Về mặt định hướng phát triển nuôi, trong kế hoạch 406 về chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, cũng như liên quan đến 138 – kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh, Anh em chúng tôi cũng định hướng đấy là đối tượng có tiềm năng phát triển, là đối tượng đặc sản, bên cạnh cá lăng”
Cùng với các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao trong ao đất, các mô hình nuôi cá tầm trên sông đang mở ra triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập có giá trị, mô hình còn bổ sung cơ cấu giống thuỷ sản của địa phương, hướng tới mục tiêu đa dạng nguồn hàng hoá thương phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, nuôi cá tầm cần vốn đầu tư lớn cho con giống, thức ăn, thuốc… Vì vậy, để nhân rộng mô hình, ngoài việc cung ứng con giống tốt, khỏe mạnh, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng, thì người dân vẫn cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đó có cơ sở để mạnh dạn đầu tư và phát triển quy mô nuôi trồng thuỷ sản.
Thưa quý vị và các bạn! Từ những hiệu quả bước đầu của các mô hình nuôi cá tầm trên sông Đuống tại Bắc Ninh, ngành nông nghiệp các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn để tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là với các loại cá đặc sản như cá tầm, cá lăng, cá chiên… Từ đó, đa dạng các sản phẩm nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp theo tinh thần tái cơ cấu ngành.
Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và bà con. Xin kính chào và hẹn gặp lại ở những Phóng sự tiếp theo trên Truyền hình Nông nghiệp của Báo Nông nghiệp Việt Nam.