Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ, trong năm 2025 ngành nông nghiệp phải tăng tốc bứt phá, tăng trưởng từ 3,5% - 4%.
Ngành nông nghiệp phải tăng tốc bứt phá, tăng trưởng 3,5% - 4%
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và trân trọng những thành quả của ngành Nông nghiệp đã đạt được trong năm 2024, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.
Bên cạnh đó Thủ tướng đã chỉ rõ những tồn tại hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Trong năm 2025 ngành nông nghiệp phải tăng tốc bứt phá, tăng trưởng từ 3,5%-4%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Tôi đề nghị thứ nhất là phải tập trung lãnh đạo chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, xây dựng thể chế xây dựng cơ chế, chính sách; tháo gỡ những nút thắt về thể chế về cơ chế, chính sách để phát triển ngành của chúng ta nhanh bền vững; Thứ hai là đẩy mạnh hơn nữa phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phục vụ cho kinh tế xanh kinh tế tuần hoàn; Thứ ba, góp phần đắc lực hiệu quả để thực hiện chống biến đổi khí hậu tại các địa bàn trọng điểm, nhất là sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập úng; Thứ tư là người nông dân thì phải được ấm no và hạnh phúc hơn, nông thôn thì phải hiện đại hơn, nông nghiệp thì phải tiên tiến hơn. Vì vậy, cho nên tôi đề nghị chỉ tiêu tăng trưởng nông nghiệp là 3,5% đến 4%; xuất khẩu xác định 70 tỷ USD; tỷ lệ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là trên 60%; tỷ lệ che phủ rừng là 42,02%."
Đặc biệt về triển khai kế hoạch phát triển Ngành Nông nghiệp trong năm 2025 trong đó việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế Thủ tướng yêu cầu, không được bỏ sót, chồng chéo, chức năng nhiệm vụ phải hoàn thiện chức năng nhiệm vụ đầy đủ hơn, toàn diện hơn, hạn chế giao thoa. Cùng với đó tăng cường phân cấp phân quyền, kiểm soát quyền lực; bỏ khâu trung gian, tránh phiền hà sách nhiễu cho người dân doanh nghiệp và phải công khai minh bạch, áp dụng chuyển đổi số, không cứng nhắc, phải linh hoạt.
Hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, tăng cường phân cấp phân quyền, xây dựng chiến lược, quy hoạch phải làm nhanh, bài bản, phải tận dụng thời gian trí tuệ và phải quyết đoán. Vì theo Thủ tướng nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ về cho địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, có giải pháp cụ thể tháo gỡ những nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.
Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP, Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, bền vững, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.
Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, lợi thế; phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tăng cường liên kết 5 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biển và phân phối nông sản, tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.