| Hotline: 0983.970.780

Vượt thiên tai, nông nghiệp Hưng Yên đạt gần 14 ngàn tỷ đồng năm 2024

Thứ Sáu 27/12/2024 , 17:25 (GMT+7)

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của tỉnh Hưng Yên năm 2024 ước đạt 13.827 tỷ đồng; cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới...

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 150 ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và tư duy chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch và tổ chức Hội nghị quán triệt, ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 03/11/2022; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND và Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 02/6/2022 để tổ chức, triển khai thực hiện và nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Mô hình nuôi cua lông ở Hưng Yên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mô hình nuôi cua lông ở Hưng Yên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết, Chiến lược, tư duy phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, Hưng Yên đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện về phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua luôn ở mức cao, bình quân đạt 2,43%/năm; thu nhập trên 1ha canh tác đạt 245 triệu đồng/ha.

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh này đã phê duyệt và tiếp tục triển khai thực hiện khoảng 30 nhiệm vụ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,44%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 98%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên 80 triệu đồng/người/năm…

Nhãn lồng Hưng Yên trồng theo mô hình VietGAP có năng suất và chất lượng cao. Ảnh: TTXVN.

Nhãn lồng Hưng Yên trồng theo mô hình VietGAP có năng suất và chất lượng cao. Ảnh: TTXVN.

3.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng nông thôn

Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hưng Yên đã đầu tư và hỗ trợ trên 3.000 tỷ đồng cho hạ tầng, cùng với sự đồng thuận tham gia hưởng ứng tích cực của người dân. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày một thu hẹp. Đến nay, Hưng Yên có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức và xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển theo chiều sâu theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, nông nghiệp hướng hữu cơ, hữu cơ; tích cực chuyển đổi cơ cấu câu trồng, vật nuôi (hàng năm chuyển khoảng 800ha đất trồng cây kém hiệu quả); đánh giá, xếp loại được 306 sản phẩm OCOP; xây dựng, duy trì 202 mô hình liên kết sản xuất; thực hiện 198 mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã được phát triển, nhân rộng...

Ngoài ra, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản, đưa nông sản của tỉnh thâm nhập thành công vào một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Úc, các nước Châu Âu… góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.

Thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, tăng cường, gần dân, sát dân; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và vai trò, sức mạnh của các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở nhất là ở vùng nông thôn đã được nâng lên.

Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Vũ Xuân Thủy giới thiệu vải lai chính sớm cho khách tham quan. Ảnh: Kiên Trung.

Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Vũ Xuân Thủy giới thiệu vải lai chính sớm cho khách tham quan. Ảnh: Kiên Trung.

“Những kết quả tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo nền tảng vững chắc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, thu ngân sách tăng cao, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 19, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn còn tồn tại nhiều vấn đề như: doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp; ô nhiễm môi trường còn diễn ra; đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế; tiêu thụ nông sản đôi khi còn khó khăn.

"Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm trong Nghị quyết số 19, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra; Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, đề án, mô hình trong phát triên nông nghiệp của tỉnh để rút ra các bài học kinh nghiệm...

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân trong phát triển nông nghiệp; quan tâm công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ, chuyển đổi số… vào nông nghiệp; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường để tìm đầu ra bền vững đối với sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất xây dựng trung tâm kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn theo chuỗi sản xuất", ông Nguyễn Hùng Nam cho biết thêm.

Báo cáo tổng kết năm 2024 Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết: giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt trên 13,8 nghìn tỷ đồng, giảm 1,62% so với năm 2023. Toàn tỉnh thực hiện được 198 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với diện tích gần 3,5 nghìn héc-ta. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 157,7 nghìn tấn; sản lượng thủy sản đạt trên 55 nghìn tấn. Công tác phòng, chống lụt bão được thực hiện hiệu quả...

Đến hết tháng 11/2024, tỉnh có thêm 27 xã được công nhận xã NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong toàn tỉnh lên 129 xã, dự kiến đến hết năm 2024 có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã NTM kiểu mẫu 45 xã; dự kiến đến hết năm 2024 có thêm 4-6 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; có tổng số 194 khu dân cư được UBND cấp huyện công nhận khu dân cư kiểu mẫu. Hiện nay, toàn tỉnh có huyện Văn Giang đạt NTM nâng cao; đang trình Trung ương thẩm định trình Chính phủ quyết định huyện Phù Cừ đạt huyện NTM nâng cao.

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, toàn tỉnh có 271 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt 98%...

Năm 2025, ngành nông nghiệp phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt hơn 14,5 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 5,5%; năng suất lúa bình quân đạt trên 62 tạ/héc-ta/vụ; có thêm 10-15 xã đạt NTM kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao...

Xem thêm
Năm 2025: Phấn đấu tăng trưởng trên 8%, chi thường xuyên dưới 60% thu ngân sách

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, đưa tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% trong tổng chi ngân sách.

Bãi bỏ thủ tục hành chính khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai

Hà Nội Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN-PTNT bị bãi bỏ từ ngày 25/2/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Dự án cầu Rạch Miễu 2 tăng tốc thi công ngay sau Tết

Tiền Giang Sau thời gian nghỉ Tết, đến chiều 5/2, nhiều gói thầu tại công trình xây dựng dự án cầu Rạch Miễu 2 đã hoạt động trở lại với khí thế khẩn trương.

Bình luận mới nhất