| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu đạt mức tăng trưởng nông nghiệp kỷ lục trên 7%

Thứ Sáu 27/12/2024 , 17:02 (GMT+7)

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu năm 2024 đạt 1,2 tỷ USD, riêng sản phẩm tôm là 1,13 tỷ USD (chiếm hơn 94%).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Phấn đấu đưa Bạc Liêu giàu lên từ biển

Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành NN-PTNT chiều 27/12, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vui mừng thông báo: Năm 2024, toàn ngành NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu tăng trưởng hơn 7%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay của tỉnh. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,2 tỷ USD; riêng sản phẩm tôm là 1,13 tỷ USD (chiếm hơn 94%).

Xuyên suốt trong năm 2024, tỉnh xác định trọng tâm phát triển là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất tôm - lúa gắn liền kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biển.

Với mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng mô hình nuôi tôm công nghệ cao là điểm nhấn, tạo đột phá cho nghề nuôi thủy sản tỉnh Bạc Liêu. 

“Phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu lên từ biển, tỉnh rất quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt ngành nông nghiệp; triển khai tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả nhằm tăng giá trị sản phẩm”, Chủ tịch Phạm Văn Thiều nói.

Sản xuất tôm - lúa đã giúp tỉnh đạt mục tiêu này, tạo ra năng suất ‘kép’, đời sống người dân cũng khá lên. Cây lúa năm 2024 đạt sản lượng 1,2 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Bạc Liêu không chỉ khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao mà còn hướng dẫn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm - lúa sinh thái.

Hiện nay, với tổng diện tích tôm - lúa đã vượt hơn 46.800ha và được đánh giá mô hình này rất hiệu quả. Giai đoạn tới, khi hoàn thiện Dự án điều tiết nước phục vụ sản xuất vùng Nam Quốc lộ 1A,  tỉnh Bạc Liêu phấn đấu tăng diện tích sản xuất tôm - lúa lên 70.000ha.

Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 2 khu nuôi tôm an toàn sinh học đạt tiêu chuẩn thế giới. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 2 khu nuôi tôm an toàn sinh học đạt tiêu chuẩn thế giới. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bên cạnh đó, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho năng suất cao gấp 10 - 15 lần so với nuôi tôm truyền thống. Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 5 vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 3.900ha, xây dựng 2 khu nuôi tôm an toàn sinh học đạt tiêu chuẩn thế giới và có 5 tổ chức địa phương được chứng nhận nuôi tôm hữu cơ. Hạ tầng phát triển đã giúp tăng sản lượng nuôi tôm đạt 320.000 tấn trong năm 2024.

Tuy vậy, ngành nuôi tôm còn đối mặt với khó khăn về giá vật tư đầu vào còn cao, ảnh hưởng đến thu nhập nông dân. Bên cạnh đó, hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước cho các ruộng tôm - lúa.

Do đó, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ NN-PTNT đẩy nhanh tiến độ các dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước ngọt; công trình kè phòng, chống sạt lở bờ biển. Các dự án này sẽ đảm bảo nguồn nước phù hợp cho mô hình tôm - lúa sinh thái.

Phát huy giá trị nghề muối truyền thống 

Tỉnh Bạc Liêu còn là "cái nôi" văn hóa nghề muối. Muối Bạc Liêu có truyền thống lâu đời, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là văn hóa phi vật thể quốc gia. Với mong muốn phát huy truyền thống nghề muối, tỉnh cũng đã hoàn thiện đăng ký chỉ dẫn địa lý. 

Ngay từ đầu năm 2024, Bạc Liêu đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”. Chủ tịch Phạm Văn Thiều đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ để sự kiện tổ chức thành công, khơi dậy tình yêu ngành nghề truyền thống.

Muối Bạc Liêu có truyền thống lâu đời, đã được công nhận là văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Phan Thanh Cường.

Muối Bạc Liêu có truyền thống lâu đời, đã được công nhận là văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Phan Thanh Cường.

Các dự án do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) triển khai tại tỉnh đã giúp bà con phát triển sản xuất muối kết hợp du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, nông dân Bạc Liêu đã được nâng cao sinh kế, cải thiện kỹ năng làm du lịch bền vững.

Bên cạnh đó, muối hạt và muối tinh Bạc Liêu là 2 sản phẩm đã nộp hồ sơ đề xuất công nhận sản phẩm 5 sao, kỳ vọng trở thành sản phẩm OCOP 5 sao. Nếu hai sản phẩm này sớm được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho nghề muối.

Trước bối cảnh kinh tế - xã hội chuyển mình nhanh chóng, nghề muối truyền thống đứng trước khó khăn về tiếp cận thị trường và hạ tầng logistic. Do đó, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu mong muốn Bộ NN-PTNT quan tâm đầu tư dự án Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối cho huyện Long Hải.

Lắng nghe các kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cao thương hiệu dân gian nổi tiếng từ lâu đời, gắn liền với diêm dân và trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển. Do đó, những nỗ lực của tỉnh sẽ không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa, mà còn nâng cao kinh tế cho người làm muối.

Xem thêm
Nông nghiệp - PTNT năm 2024: Vượt gian khó lập kỳ tích

14h00 hôm nay (27/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam xin điểm lại một số dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2024.

Làm đường hư hỏng công trình thủy lợi, hơn 5 ha đất sản xuất bỏ hoang

YÊN BÁI Cả cánh đồng ruộng bậc thang rộng khoảng 5 ha của người dân thôn Khe Mạng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm bởi công trình thủy lợi bị hư hỏng do làm đường giao thông.

Công bố mức thưởng tết cao nhất tại Vĩnh Long và Trà Vinh

Theo thống kê của Sở LĐ- TB&XH Trà Vinh, mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất là 280 triệu đồng, trong khi tại Vĩnh Long là 240 triệu đồng.