| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên mong được hỗ trợ trong các dự án phát triển thủy sản bền vững

Thứ Sáu 27/12/2024 , 17:19 (GMT+7)

Dự án Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại thị xã Sông Cầu và nâng cấp cảng cá Đông Tác là bước tiến giúp Phú Yên phát triển thủy sản bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ trì hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ trì hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành NN-PTNT chiều 27/12, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, được tập trung triển khai hàng năm theo đề án, kế hoạch của tỉnh.

Năm 2024, ngành nông nghiệp góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh ước tăng 4,26% trong năm 2024, vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, thủy sản vượt 0,9% so với chỉ tiêu kế hoạch giao và tăng 3,95% so với năm 2023. Ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 23,07% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Cơ cấu kinh tế và cơ cấu cây trồng, vật nuôi được tổ chức linh hoạt, thích ứng với nhu cầu thị trường và biến đổi khí hậu, phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái địa phương. Đồng thời, nhân rộng áp dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ vào sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh đạt hiệu quả, từ đó giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh nông sản của tỉnh.

Ngoài việc thành công trong phát triển các cây trồng chủ lực truyền thống của tỉnh như lúa, mía, sắn gắn với các nhà máy chế biến, tại các huyện miền núi và một số vùng có lợi thế trong tỉnh đã hình thành nhiều vườn, vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cho người dân từ vài trăm triệu đến nửa tỷ đồng/ha.

Đáng chú ý, tỉnh đã xây dựng được 29 mã số vùng trồng nội địa, 7 vùng trồng xuất khẩu, 2 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu và 138 cơ sở nuôi tôm hùm, tôm thẻ được cấp mã số để quản lý truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

Theo lãnh đạo tỉnh Phú Yên, nhìn chung trong năm 2024, giá cả thị trường, giá bán các sản phẩm chủ lực của tỉnh khá ổn định ở mức có lợi cho người sản xuất. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đạt khoảng 110 triệu đồng, tăng 1,3% so với năm 2023 và tương đương 91,7% so với mục tiêu đề ra năm 2025. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2023, bằng 92,3% so với mục tiêu đề ra năm 2025.

Đến năm 2024, Phú Yên có 672 tàu khai thác vùng khơi, sản lượng khai thác ước đạt 65 nghìn tấn, trong đó cá ngừ đại dương ước đạt 4.000 tấn. Ảnh: Nhân Dân.

Đến năm 2024, Phú Yên có 672 tàu khai thác vùng khơi, sản lượng khai thác ước đạt 65 nghìn tấn, trong đó cá ngừ đại dương ước đạt 4.000 tấn. Ảnh: Nhân Dân.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Hoạt động sản xuất thủy sản tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng giá trị nuôi trồng, giảm dần tỷ trọng khai thác ven bờ, gắn với chế biến xuất khẩu. Duy trì hợp tác, liên kết trong khai thác thủy sản. Tỉnh cũng tập trung duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương.

Đến năm 2024, tỉnh có 672 tàu khai thác vùng khơi, sản lượng khai thác ước đạt 65 nghìn tấn, trong đó cá ngừ đại dương ước đạt 4.000 tấn.

Toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó có 9 doanh nghiệp thu mua, chế biến cá ngừ đại dương. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2024 tăng 11,9% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt 0,6% kế hoạch năm, tăng 17,3%. Tỷ trọng GRDP ngành thủy sản chiếm 35% trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đóng góp 8% vào nền kinh tế tỉnh.

Ngoài ra, ngành thủy sản giữ mức giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 3%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 24,6%/năm.  

Định hướng phát triển ngành nông nghiệp, thủy sản trong thời gian tới, ông Lê Tấn Hổ cho biết, Phú Yên dự kiến tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản, mục tiêu giảm dần tàu thuyền và khai thác vùng ven bờ, phát triển đánh bắt xa bờ.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản và thủy sản, từ đó đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. 

Ông Hổ cũng đề xuất Chính phủ, Bộ NN-PTNT quan tâm, hỗ trợ tỉnh Phú Yên thực hiện các dự án phát triển thủy sản giai đoạn 2026 - 2030, trong đó nổi bật là dự án Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại thị xã Sông Cầu và Dự án nâng cấp cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa). Hai dự án này có tác động rất lớn vào việc nâng cao giá trị ngành thủy sản địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ phát triển nghề nuôi trồng rong biển để góp phần khai thác tiềm năng biển ven bờ và giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân vùng biển. 

Xem thêm
Nông nghiệp - PTNT năm 2024: Vượt gian khó lập kỳ tích

14h00 hôm nay (27/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam xin điểm lại một số dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2024.

Công bố mức thưởng tết cao nhất tại Vĩnh Long và Trà Vinh

Theo thống kê của Sở LĐ- TB&XH Trà Vinh, mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất là 280 triệu đồng, trong khi tại Vĩnh Long là 240 triệu đồng.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.