Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh và nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, Nghệ An xác định giảm dần quy mô nông hộ, nhỏ lẻ sang hướng liên kết, tập trung, đồng thời thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn mạnh để tạo bước đột phá.
Nghệ An chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ sang quy mô tập trung
Nghệ An có quy mô diện tích thuộc tốp đầu cả nước với xấp xỉ 16.500 km2. Địa hình Nghệ An phân bố thành 3 vùng rõ rệt, trong đó khu vực miền núi trải dài rộng khắp 11 huyện, thị. Đây chính là tiềm năng, lợi thế lớn để tỉnh này tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, công nghệ cao.
Lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế tình hình lại chưa được như kỳ vọng. Hiện ngành chăn nuôi Nghệ An đang tồn tại nhiều vấn đề, nút thắt không dễ tìm hướng tháo gỡ.
Phỏng vấn ông Trần Võ Ba, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An: “Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước, trong đó tổng đàn trâu bò khoảng 800.000 con, tổng đàn lợn khoảng 1.000.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 36 triệu con. Tuy nhiên quy mô chăn nuôi hiện nay chủ yếu là nhỏ lẻ, chiếm khoảng 60 – 70% tổng đàn. Như vậy gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi”.
MC: Qua khảo sát thực tế, thật đáng quan ngại khi tỷ lệ tiêm phòng vacxin vật nuôi của Nghệ An quá thấp. Tại vụ xuân 2024 tỷ lệ tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi chỉ đạt trên 45%, lở mồm long móng đạt 29,9%, tụ huyết trùng trâu bò gần 31%, tụ huyết trùng lợn xấp xỉ 25%, viêm da nổi cục trên 14%. Tâm lý chủ quan, lơ là của người nuôi đã tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và lây lan nhanh trên gia súc, gia cầm, dần dà hình thành tâm lý ái ngại trong việc duy trì.
Phỏng vấn chị Văn Thị Hà, xóm 2 xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An: “Ở quê đến tháng 7, tháng 8 mùa mưa rét lụt bão là hay có dịch nên không dám tái đàn nhiều . Nếu như không có dịch gia đình tôi nuôi một lứa khoảng 10 con lợn thịt, lợn mạ đẻ ra thì nuôi nhưng giờ phải bán bớt lợn con chỉ để lại 5, 6 con. Nuôi nhiều khi dịch đến thì bất ổn về kinh tế”.
MC: Xuất phát từ tính chất đặc thù, dịch bệnh trên gia súc vẫn là mối đe dọa thường trực tại các huyện trọng điểm về chăn nuôi trên địa bàn như Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương, Yên Thành. Đáng lo hơn cả là diễn biến dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục.
Phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành: “Dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm chuyển biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện, tuy nhiên số lượng hộ bị dịch chủ yếu là các nông hộ nuôi nhỏ lẻ, bình quân chỉ 1 đến 2 con, còn các trang trại lớn đã tiêm phòng dịch bệnh rất tốt…”
MC: Để ngành chăn nuôi phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế đòi hỏi tỉnh Nghệ An phải xây dựng lộ trình bài bản, quy hoạch quỹ đất phù hợp cùng những chính sách kích cầu hấp dẫn để thu hút nhiều hơn nữa các Tập đoàn, Doanh nghiệp tầm cỡ, quy mô tham gia sân chơi này. Kỳ vọng với tầm nhìn dài hạn Nghệ An sẽ sớm “nhân bản” thêm những Vinamilk, TH, Masan…, những cái tên tiên phong trong việc áp dụng quy trình, công nghệ hiện đại bậc nhất, góp phần tạo bước đột phá cho lĩnh vực chăn nuôi trong những năm qua.