| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi nông hộ chiếm tới 96%, Quảng Ninh chống dịch khó khăn

Thứ Bảy 24/08/2024 , 10:27 (GMT+7)

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, các mô hình chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỉ lệ 96% nên việc phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh xảy ra dịch tả lợn Châu Phi với trên 3.000 con lợn buộc phải tiêu hủy ở 9 địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành.

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh xảy ra dịch tả lợn Châu Phi với trên 3.000 con lợn buộc phải tiêu hủy ở 9 địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 5,7 triệu con, ở mức trung bình so với cả nước. Trong đó, đàn lợn là 270.000 con, gia cầm là 5,4 triệu con, trâu bò là 65.000 con. Ngành chăn nuôi hiện đáp ứng được 40% nhu cầu trong tỉnh, 60% còn lại là nhập từ các tỉnh thành khác như Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.  

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, tỉnh hiện có gần 1300 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, tổng đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi tập trung chỉ chiếm 30%. Mặt khác, tỉ lệ chăn nuôi nông hộ ở Quảng Ninh chiếm số lượng lớn, lên đến 96% trong tổng số gần 39.000 cơ sở. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi với các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, áp lực công việc lớn.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến tháng 6/2024, địa phương này đã phát sinh dịch tả lợn Châu Phi tại 9 huyện, thị xã, thành phố, tổng số lợn chết và tiêu hủy gần 100 tấn. Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Ninh, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh phần lớn do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó, thời tiết diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho virus dịch tả lợn Châu Phi lây lan.

Bà Phạm Thị Tâm (phường Minh Thành, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: "Tôi có kinh nghiệm hơn 30 năm trong chăn nuôi lợn. Vừa rồi, dịch tả lợn Châu Phi đã khiến 12 con lợn của gia đình bị chết và tiêu hủy. Nhà tôi trông chờ vào mỗi đàn lợn, dịch tả lợn Châu Phi khiến cho kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn".

Ông Nguyễn Đình Khanh, Chủ tịch UBND phường Minh Thành, TX Quảng Yên, cho biết, phường có 8 hộ chăn nuôi bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, thực hiện tiêu hủy trên 100 con lợn. Từ đầu năm, phường đã có văn bản hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, trong đó có dịch tả lợn Châu Phi. 

"Ngày 29/5/2024, TX Quảng Yên xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi. Ngay khi có thông tin, chúng tôi đã đến tận nơi làm các công tác khử trùng tiêu độc, cấp phát các loại hóa chất, vôi bột và khuyến cáo các hộ chăn nuôi tăng cường công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân không được vứt xác vật nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường", ông Khanh chia sẻ.

Mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái của bà Đặng Thị Liên (phường Hải Yên, TP Móng Cái). Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái của bà Đặng Thị Liên (phường Hải Yên, TP Móng Cái). Ảnh: Nguyễn Thành.

Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, công tác phòng chống dịch được thực hiện bài bản, chủ động hơn. Với kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, bà Đặng Thị Liên (phường Hải Yên, TP Móng Cái) cho biết: “Hiện trong chuồng còn hơn 200 con lợn Móng Cái. Công tác phòng dịch được trang trại thực hiện thường xuyên trong cả năm. Từ ngày có dịch, gia đình tôi không bao giờ mua thức ăn bên ngoài vào, cám bã phải khử trùng mới được vào, chuồng trại cách ly xung quanh rào kín, người chăn nuôi phải qua 3 bước khử khuẩn mới được làm việc”.

Theo bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, chăn nuôi nhỏ lẻ hiệu quả kinh tế không cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, khó quản lý giám sát các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, xử lý chất thải, ảnh hưởng đến môi trường sống dân cư, sức khỏe con người, gây mất mỹ quan đô thị; khó kiểm soát được chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Qua công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay, thực tế cho thấy, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, các cơ sở chăn nuôi tập trung khi áp dụng tốt chăn nuôi an toàn sinh học sẽ ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp chăn nuôi an toàn sinh học trụ vững và vượt qua dịch bệnh an toàn. Điều này cho thấy, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là hướng đi đúng đắn, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi", bà Thủy nhấn mạnh.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.