| Hotline: 0983.970.780

Báo động dịch tả lợn Châu Phi trong chăn nuôi nông hộ

Thứ Hai 22/07/2024 , 16:12 (GMT+7)

Trong tháng 7/2024, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục phát sinh tại Hà Tĩnh đều nằm ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

Dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Thanh Nga.

Dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Thanh Nga.

Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Tại Hà Tĩnh, trong tháng 7, dịch bệnh tiếp tục phát sinh tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở xã Cẩm Thành, Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên), phường Hưng Trí (TX Kỳ Anh), làm 13 con lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, hiện mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi lưu hành thường trực trong môi trường nước, không khí, hơn nữa tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khá lớn, đạt gần 400.000 con, tăng hơn 1,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi số hộ chăn nuôi nông hộ hầu như chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên nguy cơ dịch lây lan diện rộng rất lớn.

“Ý thức của người dân đóng vai trò tiên quyết về hiệu quả công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Lâu nay, các trang trại lớn họ phòng dịch rất nghiêm ngặt, hiệu quả. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ phụ thuộc nhiều vào giá lợn hơi tăng, giảm nên quá trình nuôi bà con ít quan tâm thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, dẫn đến quá trình nuôi sức đề kháng vật nuôi kém, mầm bệnh dễ đột nhập”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nói.

Theo vị này, để phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch tả lợn Châu Phi, các địa phương cần huy động nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, tham mưu, triển khai sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi để tiêm phòng cho các đối tượng lợn theo hướng dẫn.

Nhiều nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi trong chăn nuôi nông hộ do bà con chưa thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi trong chăn nuôi nông hộ do bà con chưa thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Ảnh: Thanh Nga.

Quan trọng nhất, người nuôi cần nêu cao ý thức, báo cáo kịp thời khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, không tự điều trị và bán chạy lợn bệnh... nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch ở cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ghi nhận tại huyện Cẩm Xuyên, địa phương đang phát sinh 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi, mặc dù dịch bệnh xảy ra tại một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng với chủ trương không lơ là, chủ quan, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đã bố trí cán bộ bám sát cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

“Ngoài việc khoanh vùng điểm nóng có nguy cơ bùng dịch, giai đoạn này chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn tại vùng đang bị dịch tả lợn Châu Phi, báo cáo kịp thời khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân”, ông Phan Thanh Nghi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng thông tin.

Đối với 221 trang trại quy mô lớn và vừa trên địa bàn tỉnh (chiếm gần 60% tổng đàn), công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đã nâng lên cấp độ đặc biệt, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này trên đàn lợn.

Nhiều trang trại chăn nuôi vừa và lớn phải tăng chi phí phòng dịch để bảo vệ đàn lợn. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều trang trại chăn nuôi vừa và lớn phải tăng chi phí phòng dịch để bảo vệ đàn lợn. Ảnh: Thanh Nga.

Một lãnh đạo Công ty CP Chăn nuôi Mitraco chia sẻ, áp lực phòng chống dịch bệnh từ đầu năm đến nay cực kỳ căng não.

Toàn công ty có 35 trang trại chăn nuôi vệ tinh đặt tại nhiều địa phương, trong đó một số trại nằm trong vùng nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, do đó công ty cấm trại 100% quân số. Thực hiện cách ly an toàn sinh học tất cả các công đoạn xuất - nhập lợn, thức ăn. Liên tục phun tiêu độc khử trùng, rải vôi toàn bộ khu vực vành đại, xung quanh trại, trong trại, trong chuồng.

Giá lợn hơi giảm sâu trong thời gian dài, trong khi giá thành, chi phí phòng chống dịch bệnh tăng gấp 2, 3 lần so với trước khiến hoạt động sản xuất của đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Lúc này, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ quyết liệt, răn đe của chính quyền các địa phương và ngành chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi nhằm giảm bớt áp lực vòng ngoài cho các trang trại quy mô lớn”, vị lãnh đạo nói trong lo lắng.

Ngoài tiêm phòng vacxin định kỳ, bổ sung nguồn thức ăn tăng sức đề kháng cho vật nuôi, hiện nhiều trang trại tăng cường bổ sung hoá chất khử trùng, vôi bột 2 - 3 ngày/lần; cách ly hoàn toàn người lao động với khu vực bên ngoài để phòng dịch tả lợn Châu Phi.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào ruộng lúa, lợi nhuận tăng 6,5 triệu đồng/ha

KIÊN GIANG Sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp vi sinh xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng giúp bổ sung dinh dưỡng cho đất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất lúa.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất