Chợ phiên và phiên chợ Sa cuối năm không chỉ là nơi mua bán, mà còn là phản ánh của văn hóa và kinh tế địa phương.
Chợ phiên là một phần quan trọng của văn hóa thương mại ở nhiều địa phương vừa là một nét đẹp trong đời sống sinh hoạt vừa chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của người Việt.
Nằm ngay bên dòng Hoàng Giang, thuộc địa phận xã Cổ Loa huyện Đông Anh, Hà Nội; Chợ Sa là chợ phiên với chu kỳ 5 ngày họp 1 lần vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21 và 26 âm lịch hàng tháng. Phiên chợ nào cũng rất đông, thu hút người dân ở các vùng lân cận đổ về trao đổi hàng hóa.
Đặc biệt, đi chợ phiên ngày 21 và 26 tháng Chạp cuối năm đã trở thành phong tục, một nét riêng trong văn hóa của người dân nơi đây. Phiên chợ cuối năm trở thành một sự kiện đặc biệt, kết hợp giữa không khí rộn ràng của chợ phiên và tinh thần chào đón năm mới.
PV: NGUYỄN THỊ TRÀ GIANG
Các cụ ngày xưa truyền lại cho con cháu trong thành Cổ Loa rằng, phiên chợ cuối năm là dịp cha mẹ cho con đi sắm Tết, đi chơi chợ một nét riêng trong phiên chợ của người dân nơi đây là “tục ăn quà”. Các gia đình thường đi chợ cùng nhau, thăm thú và thưởng thức các món ăn những đứa trẻ ở vùng quê được ăn tất cả những món quà vặt mà chúng thích như bỏng gạo, bánh rán, bánh giày. Cứ như thế, từ đời này sang đời khác, điều này trở thành phong tục của người dân Cổ Loa.
PV:Chị NGỌC ÁNH
Ngoài hàng hóa thường ngày phục vụ cuộc sống nhập từ nơi khác, nét độc đáo của phiên chợ Sa chính là những sản vật do chính người dân trong vùng tự sản xuất, tự nuôi trồng rồi đem ra chợ trao đổi. Phiên chợ nhộn nhịp đa dạng các mặt hàng như rau củ, con gà, con lợn, cây cảnh…
Mỗi người vài món hàng đều mong trao đổi được với những người mua bán khác 1 vật phẩm ưng ý, hữu dụng trong mấy ngày tết sắp tới này.
Vào phiên chợ cuối cùng của năm, người bán người mua họp từ rất sớm. Trong dòng người đông đúc chen nhau, những tiếng hỏi giá cả, tiếng mặc cả bớt một thêm hai, tiếng mời chào của người bán… làm cho phiên chợ thêm nhộn nhịp. Thức dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị 20 sọt rau và hoa cho phiên chợ cuối cùng của năm, bà Nguyễn Thị Lương không giấu nổi niềm vui cho biết chợ cuối năm tấp nập người mua, bà bán được nhiều hàng, gấp đôi so với những phiên chợ khác.
PV: Bà NGUYỄN THỊ LƯƠNG
Chợ phiên và phiên chợ cuối năm không chỉ là nơi mua bán, mà còn là phản ánh của văn hóa và kinh tế địa phương. Chúng là cơ hội để mọi người trải nghiệm không gian mua sắm độc đáo và tận hưởng không khí vui tươi của mùa lễ hội.
Chợ Sa cùng hàng ngàn chợ phiên khác của người Việt, thể hiện nét đẹp trong đời sống sinh hoạt và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của ông cha cần được gìn giữ.