Thạc sĩ Nguyễn Đức Thỏa, Trung tâm Vigova sẽ hướng dẫn bà con những lưu ý khi làm đệm lót sinh học trong nuôi gà để phát huy hiệu quả, tránh lợi bất cập hại.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Thỏa, Trung tâm Vigova sẽ hướng dẫn bà con những lưu ý khi làm đệm lót sinh học trong nuôi gà để phát huy hiệu quả, tránh lợi bất cập hại.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc nuôi gia súc và gia cầm cũng dễ bị ảnh hưởng, khiến đàn vật nuôi dễ bị bệnh hơn.
Sử dụng đệm lót trong chăn nuôi gà là giải pháp chăn nuôi hiệu quả giúp xử lý mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao hiệu quả kinh tế. Lợi ích của nuôi gà bằng đệm lót sinh học là xử lý được mùi hôi chuồng trại, bảo vệ môi trường hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nhân công. Không phải dọn chuồng định kỳ, ức chế khuẩn gây hại, giảm thiểu bệnh dịch trên gà từ đó, gà khỏe mạnh, lớn nhanh, tăng năng suất, chất lượng thịt.
Tuy nhiên, khi thực hiện đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, nhiều bà con nông dân thường mắc phải một số sai lầm khiến đệm lót sinh học không phát huy được công dụng, vô tình trở thành nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang nguồn bệnh cho gà.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Thỏa, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm Vigova:Để đảm bảo hiệu quả cao thì bà con cần lưu ý, đệm lót này có thể bị vón cục, đóng bánh nên sau một thời gian sử dụng, chúng ta luôn luôn theo dõi. Chúng ta cần phải đảo lên và đảm bảo chất độn luôn được tơi xốp thì đệm lót mới phát huy được công dụng.
Chế phẩm sinh học dùng trong việc làm đệm lót sinh học có 2 loại chính là dạng nước và dạng bột. Đối với dạng nước thì chủ yếu sử dụng trong môi trường có độ ẩm lớn. Trong chăn nuôi gà, người chăn nuôi thường dùng loại chế phẩm sinh học dạng bột, dùng cho đệm lót sinh học trong chuồng nuôi có độ ẩm từ 40 - 50%. Việc dùng chế phẩm này cũng cần được đảm bảo mật độ đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được in trên bao bì.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Thỏa, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm Vigova: 1kg men thì chúng ta có thể sử dụng cho 80 - 100m2 chuồng nuôi. Chúng ta có thể bổ sung bằng cách rải đều trên chuồng nuôi. Đối với những vị trí có thể làm ướt đệm lót sinh học như máng ăn thì cần phải dọn đi ngay và thay đệm lót sinh học mới.
Đệm lót sinh học nền chuồng được xử lý tốt có thể kéo dài thời gian sử dụng từ 6 tháng đến một năm hoặc có thể dài hơn. Tuy nhiên, vòng đời của 1 đệm lót sinh học tốt nhất chỉ phục vụ 1 lứa nuôi.
Nguyên liệu dùng làm đệm lót có thể là mùn cưa, vỏ trấu, xơ dừa, lõi ngô, thân cây ngô khô, rơm, rạ… Đệm lót hoạt động tốt phải đảm bảo có độ tơi xốp cần thiết, cho nên sau vài ngày cào trên bề mặt đệm lót một lần để giúp cho đệm lót được tơi xốp, phân sẽ được phân hủy nhanh hơn.