| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn dịch bệnh dịp cuối năm: [Bài 2] Chăn nuôi an toàn sinh học ít tác động môi trường

Thứ Ba 22/10/2024 , 06:30 (GMT+7)

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Để giảm bớt rủi ro, địa phương định hướng ngành chăn nuôi theo hướng liên kết, an toàn sinh học, ít tác động đến môi trường để hướng đến các thị trường lớn.

Sử dụng đệm lót sinh học không chỉ giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh mà có thể tận dụng làm phân bón cho trồng trọt. Ảnh: Lê Bình.

Sử dụng đệm lót sinh học không chỉ giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh mà có thể tận dụng làm phân bón cho trồng trọt. Ảnh: Lê Bình.

40% số hộ chăn nuôi dùng đệm lót sinh học

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có tổng đàn lợn hơn 401.000 con và hơn 6,8 triệu con gia cầm với tỉ lệ chăn nuôi nông hộ khoảng 50 %. Vài năm trở lại đây, việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi đã được người dân quan tâm hơn với việc áp dụng đệm lót sinh học.

Bắt đầu nuôi gà từ năm 2018, anh Lý Trung Vân (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) đã chọn nuôi theo phương thức sử dụng đệm lót sinh học. Theo anh Vân, gà được nuôi trong chuồng có kết hợp đệm lót sinh học tăng trưởng nhanh hơn, vừa giải quyết được mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường. Với cách nuôi này, đàn gà của anh Vân cũng khỏe mạnh và ít bị thiệt hại hơn. Do đó, hiệu quả kinh tế cũng ổn định hơn.

“Sau nhiều năm sử dụng đệm lót học mình thấy hiệu quả là con gà ít bị hen. Tức là mình sử dụng men vi sinh này nó sẽ phân hủy phân luôn, làm cho mùi hôi giảm xuống và tăng sức khỏe, tăng sức đề kháng cho đàn gà.

Còn tại trang trại của ông Nguyễn Minh Lý (tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ), nhờ được chăn nuôi bằng đệm lót sinh học nên đàn gà lớn nhanh hơn, tỉ lệ hao hụt giảm đáng kể. Dù nuôi vài trăm con mỗi lứa trong diện tích khiêm tốm nhưng đàn gà của ông Lý vẫn săn chắc, được thỏa sức đào bới theo đúng tập tính của mình nhờ đệm lót sinh học.

Ông Lý cho biết, gia đình đang tái đàn để chuẩn bị kịp phục vụ thị trường Tết. Dù nguy cơ dịch bệnh vẫn rất cao nhưng với cách ly tốt nguồn bệnh và đàn gà được chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, ông Lý vẫn tin tưởng ‘thắng chắc’ vụ nuôi này.

Ngành chăn nuôi Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao xu thế này của người chăn nuôi trên địa bàn. Lí do, đây là giải pháp không chỉ an toàn, giảm chi phí, giá thành mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường, hạn chế rủi ro dịch bệnh, an toàn sinh học và hướng đến chăn nuôi bền vững.

Ông Phan Văn Trai, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay, đệm lót sinh học được bà con sử dụng bao gồm mùn cưa, trấu được trộn với phế phẩm sinh học. Hỗn hợp này có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu trong chuồng nuôi, hình thành một lớp sinh khối sạch, hạn chế vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh. Đặc biệt là không mùi hôi, đồng thời tạo ra nguồn phân hữu cơ cho cây trồng.

Chăn nuôi trên đệm lót sinh học giúp vật nuôi khỏe mạnh, ít bệnh và giảm được ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Chăn nuôi trên đệm lót sinh học giúp vật nuôi khỏe mạnh, ít bệnh và giảm được ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.

“Hiện nay, tỷ lệ hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học chiếm hơn 40% tổng số hộ chăn nuôi toàn tỉnh. Mô hình này đang được ngành nông nghiệp khuyến khích sử dụng bởi giúp ích cho người chăn nuôi.

Nó không chỉ giúp mang lại một môi trường chăn nuôi gà sạch sẽ, tránh được dịch bệnh, giúp người chăn nuôi tiết kiệm được nhân công, lao động và các chi phí khác mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, mô hình còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và hướng đến một nền chăn nuôi bền vững”, ông Trai chia sẻ.

Lợi ích là thế nhưng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo các hộ chăn nuôi không được chủ quan, lơ là trước những nguy cơ về dịch bệnh. Hiện, thời tiết vẫn đang có những diễn biến thất thường nên rất dễ tạo điều kiện cho dịch bệnh có nguy cơ xuất hiện. Hơn nữa, đây là thời điểm mà người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, nếu không cẩn thận thì sẽ rất dễ ‘trắng tay’ nếu để xảy ra dịch bệnh.

Việc tiêu độc khử trùng, tiêm đầy đủ các vacxin đúng lịch định kỳ theo hướng dẫn của lực lượng thú y là điều cần thiết. Giống vật nuôi đạt tiêu chuẩn và được kiểm dịch đầy đủ cũng là tiêu chuẩn để đàn gia cầm, gia súc được sinh trưởng khỏe mạnh, không ảnh hưởng đến hiệu quả của chăn nuôi.

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 6,8 triệu con gia cầm, chủ yếu được nuôi theo mô hình trang trại. Ảnh: Lê Bình.

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 6,8 triệu con gia cầm, chủ yếu được nuôi theo mô hình trang trại. Ảnh: Lê Bình.

Ổn định quy mô đàn và chuyển dịch

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi đang dao động ở mức 4% - 4,7%. Trong đó, tổng đàn lợn là 401.000 con, tổng đàn gia cầm là 6,8 triệu con. Đàn trâu, bò, dê, cừu… cũng tăng từ 2,1% - 4,8%, được xem là điểm sáng trong phát triển chăn nuôi của tỉnh.

Một số năm trở lại đây, giá cả sản phẩm chăn nuôi tại tỉnh khá ổn định, tình hình tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật thuận lợi và không còn xảy ra tình trạng ùn ứ. Sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh có sự đóng góp rất lớn của lực lượng thú y các cấp xã, cùng với chính quyền địa phương và người chăn nuôi cùng triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch.

Theo ông Phan Văn Trai, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu, định hướng UBND tỉnh là phát triển ngành nông nghiệp ổn định, bền vững. Trong đó, chú trọng khâu an toàn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người và tiến tới sản xuất hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

“Tỉnh sẽ từng bước chuyển chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao. Các giải pháp được sử dụng như con giống nhập ngoại, chăn nuôi trên hệ thống chuồng lạnh và xử lý chất thải chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra. Đồng thời hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong chăn nuôi”, ông Trai thông tin.

Đến nay, hình thức chăn nuôi trang trại phát triển nhanh cả về số lượng trang trại, quy mô đàn và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm.

Tỉ lệ chăn nuôi nông hộ của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn ở mức cao, là thách thức lớn trong việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Tỉ lệ chăn nuôi nông hộ của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn ở mức cao, là thách thức lớn trong việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi, tuy nhiên lại không chạy theo số lượng. So với các tỉnh khác trong khu vực, địa phương tuy có tổng đàn ít hơn nhưng quy mô trang trại, năng suất lại ở mức cao.

Hiện, Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 trang trại chăn nuôi đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, 6 đơn vị cấp huyện, 11 cơ sở cấp xã và 75 cơ sở trang trại chăn nuôi được công nhận là vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Đặc biệt, có những vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh được xây dựng và đáp ứng các tiêu chí theo tiêu chuẩn của Tổ chức thú y thế giới hướng đến xuất khẩu sản phẩm động vật.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khả quan nhưng thực tế hoạt động chăn nuôi tại Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70%. Chăn nuôi với mật độ cao, rất dễ tái phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đặc biệt trong thời điểm giá cả sản phẩm chăn nuôi đang ổn định, có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Chính vì vậy, để hạn chế tối đa nguy cơ thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, trong bối cảnh vật tư đầu vào tăng cao thì người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và phòng, chống dịch bệnh để đàn vật nuôi phát triển tốt cho năng suất và chất lượng cao ở lứa bán Tết.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.