| Hotline: 0983.970.780

Đệm lót sinh học - người bạn đồng hành của chăn nuôi nông hộ

Thứ Năm 07/11/2024 , 14:53 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Việc tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp để tạo đệm lót sinh học bằng cách kết hợp chế phẩm vi sinh mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi.

Chế phẩm vi sinh giúp người chăn nuôi tận dụng được nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất độn chuồng trại. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chế phẩm vi sinh giúp người chăn nuôi tận dụng được nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất độn chuồng trại. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Phú Bình (Thái Nguyên) cho biết, để tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm hữu ích từ sản xuất lúa, đồng thời định hướng cho người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Trung tâm đã hướng dẫn bà con sử dụng các phương pháp sinh học để xử lý vỏ trấu làm chất độn chuồng trại trong chăn nuôi gia cầm, từ đó vừa đảm bảo phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Phú Bình, thực tế cho thấy việc tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp để tạo vùng đệm lót sinh học bằng cách kết hợp sử dụng các chế phẩm vi sinh đã mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi.

Cụ thể, đàn gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học sẽ khỏe mạnh, ít bệnh tật, phát triển đồng đều hơn. Đàn gia cầm cũng sẽ tăng trọng nhanh hơn do được tăng khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, từ đó sẽ cho chất lượng thịt thơm ngon hơn so với chăn nuôi theo phương thức truyền thống.

Trang trại chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học tại huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trang trại chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học tại huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Đặc biệt, việc phân giải phân, nước tiểu của đàn gà làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng trại hầu như không còn, qua đó tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi, cải thiện môi trường sống cho người lao động và tạo cơ hội để phát triển chăn nuôi bền vững”, ông Nguyễn Văn Khiêm phân tích.

Bên cạnh đó, trong quá trình chăn nuôi, người dân cũng sử dụng thêm chế phẩm men cao tỏi để tăng cường khả năng kháng bệnh về đường hô hấp và tiêu hoá của đàn gà. Đồng thời, chế phẩm men cao tỏi cũng có tác dụng kháng khuẩn, khử mùi hôi chuồng trại, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn trên đàn gà.

“Việc ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật trong chăn nuôi sẽ mở ra nhiều cơ hội để người dân tiếp cận với nhiều phương thức sản xuất mới giúp giảm chi phí, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cả người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Khiêm nhấn mạnh.

Từ việc tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp để tạo vùng đệm lót sinh học, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học của người dân Phú Bình, ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT), cho biết, trong thời gian qua, công tác ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi thú y nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn gia cầm sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn gia cầm sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2024, Bộ NN-PTNT đã công nhận 30 tiến bộ kỹ thuật về giống gà, 5 quy trình chăn nuôi và 3 chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi gà. Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới được công nhận, những tổ hợp lai mới vào trong sản xuất, qua đó góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất của các nông hộ.

“Thông qua các hoạt động khuyến nông, những mô hình tiêu biểu cũng như các lớp đào tạo, tập huấn, trình độ kỹ thuật của người chăn nuôi đã được nâng cao rõ rệt. Trên cơ sở phát huy tiềm năng, điều kiện, lợi thế bản địa của từng vùng miền, kết hợp với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, ngành chăn nuôi tại các địa phương sẽ có cơ hội để phát triển một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu”, ông Lê Minh Lịnh nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Phú Bình, việc ứng dụng các khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất thực tế của bà con địa phương đang gặp phải không ít khó khăn đến từ quy mô chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ, kiến thức về chăn nuôi của một số hộ còn hạn chế.

“Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa đúng quy trình kỹ thuật về đệm lót sinh học. Nhiều hộ vẫn còn sử dụng kháng sinh hóa học, thậm chí đang lạm dụng kháng sinh hóa học để phòng trị bệnh dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, đồng thời gây tồn dư lượng chất kháng sinh trong thịt gia cầm, ảnh hưởng sức khỏe cho người sử dụng”, ông Nguyễn Văn Khiêm nêu thực trạng.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.