TS. Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam chỉ ra các điểm nghẽn trong nuôi biển và giải pháp tháo gỡ.
Phát triển nuôi biển là xu thế tất yếu
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi biển, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn song hành. Nhưng rõ ràng tạo dựng nên hệ sinh thái nuôi biển bền vững là hướng đi để ngành thủy sản Việt Nam tạo nên sự đột phá trong thời gian tới.
Trữ lượng thủy sản ở các vùng biển giảm mạnh, đã gióng lên hồi chuông báo động từ nhiều năm qua, đặt ra vấn đề chuyển đổi từ khai thác thủy sản sang nuôi biển tự nhiên để vừa đảm bảo sinh kế cho cộng đồng cư dân ven biển vừa bảo tồn biển, phát triển nguồn lợi.
Cục Thủy sản cho biết, nước ta có khoảng 500.000 ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn.Trên thực tế, có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển, nhưng có thể tạm chia thành các vùng chính như sau. Thứ nhất vùng phía Bắc, nơi các cửa sông, cửa biển có thể phát triển nuôi cá, nhuyễn thể, giáp xác. Vùng thứ 2 là Duyên hải miền Trung, ở vùng này có thể nuôi cá biển quy mô lớn, sản lượng lớn. Vùng thứ 3 là Đông Nam bộ và vùng thứ 4 là Tây Nam bộ.Đối tượng nuôi biển hiện nay cũng khá phong phú, đa dạng. Từ các loại cá đến các loại nhuyễn thể (ngao, sò, hàu…), giáp xác (tôm hùm…) đến nhóm thứ 4 là nhóm rong biển cũng đang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển. Bên cạnh đó, nuôi biển còn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua hàng loạt các chính sách, chủ trương. Nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng đến nay vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên nuôi biển chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.