| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển khó tiếp cận vốn, bảo hiểm vì thiếu 'sổ xanh'

Thứ Tư 06/12/2023 , 15:09 (GMT+7)

Giá trị trang trại nuôi biển có khi lên đến hàng tỷ đồng nhưng chưa được ngân hàng xem là tài sản, nên vẫn khó khăn khi vay vốn hay tiếp cận bảo hiểm.

Quan tâm đến nuôi biển

Theo thống kê, trữ lượng thủy sản ở biển Đông khoảng 3,9 triệu tấn. Hiện nước ta đã khai thác tới 3,6 triệu tấn/năm, nghĩa là đã đạt ngưỡng. Do đó, nuôi trồng thủy sản trên biển (hay nuôi biển) được cho là giải pháp để giảm cường lực khai thác.

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha với 10 triệu m3 lồng nuôi; sản lượng khoảng 850.000 tấn; giá trị xuất khẩu từ 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha với 12 triệu m3 lồng nuôi; sản lượng 1,45 triệu tấn và giá trị xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.  

Tính đến hết năm 2022, tổng số cơ sở nuôi biển của nước ta theo thống kê chưa đầy đủ vào khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè. Ảnh: Hồng Thắm.

Tính đến hết năm 2022, tổng số cơ sở nuôi biển của nước ta theo thống kê chưa đầy đủ vào khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè. Ảnh: Hồng Thắm.

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

Đánh giá về tiềm năng trong việc phát triển nuôi biển, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Việt Nam có 3.260km bờ biển và 1 triệu km mặt biển, trong đó có khoảng 500.000ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn.

“Về đối tượng nuôi cũng khá phong phú, đa dạng, từ các loại cá đến các loại nhuyễn thể, giáp xác, rong biển cũng đang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển. Bên cạnh đó, nuôi biển còn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua hàng loạt chính sách, chủ trương”, ông Khôi nói thêm.

Chưa thay đổi được trong thực tế

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, phát triển nuôi biển ở nước ta có nhiều tiềm năng, cơ hội, nhưng cũng còn không ít “điểm nghẽn” cần phải được tháo gỡ như: Thiếu quy hoạch; thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, ngư dân còn rắc rối; cần sớm ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về nuôi biển; chưa có cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm cho việc đăng ký, đăng kiểm cho cơ sở và phương tiện nuôi biển; chưa có chương trình đào tạo nhân lực cho ngành nuôi biển…

Phát triển nuôi biển ở nước ta có nhiều tiềm năng, cơ hội, nhưng cũng còn không ít 'điểm nghẽn' cần phải được tháo gỡ. Ảnh: ĐT.

Phát triển nuôi biển ở nước ta có nhiều tiềm năng, cơ hội, nhưng cũng còn không ít “điểm nghẽn” cần phải được tháo gỡ. Ảnh: ĐT.

Ông Dũng nói, xưa nay ta vẫn coi nuôi biển là chuyện của dân làm, nghề cá nhân dân, dân đầu tư, dân làm lấy, dân chịu mọi rủi ro, dân hưởng mọi chuyện. Quan niệm đó cần phải được thay đổi một cách căn bản sau Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017.

Luật Thủy sản 2017 đã thiết lập hành lang pháp lý, chuyển từ nghề cá nhân dân theo kiểu cũ sang nghề cá thương mại theo hướng bền vững. Điều này gắn với nghề nuôi biển một điểm, đó là trước Luật Thủy sản năm 2017, biển vẫn được coi là tài sản chung, chung ở đây là tài sản quốc gia, sở hữu quốc gia nhưng ai muốn làm gì ở biển thì làm; muốn nuôi con gì thì nuôi; nuôi bao nhiêu, nuôi ở đâu, nuôi bằng cách nào thì tùy.

Tuy nhiên, sau khi Luật Thủy sản năm 2017 ra đời, điều này đã được thay đổi, đó là trong những khu vực biển nhất định, người nuôi phải được cấp quyền sử dụng khu vực biển, tương tự như trên đất. "Đây là điểm thay đổi cơ bản nhưng chúng ta mới chỉ thay đổi trên Luật và Nghị định chứ chưa thay đổi được trong thực tế", ông Dũng phân tích thêm.

“Sổ xanh” trên biển tương tự sổ đỏ trên đất

Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho hay: “Nếu một doanh nghiệp đầu tư nuôi biển và đơn vị đó được cấp quyền sử dụng khu vực biển trong vòng 30 năm thì quyền sử dụng khu vực biển đấy được coi là tài sản. Tôi tạm gọi quyền sử dụng khu vực biển là ‘sổ xanh’. Có thể dùng ‘sổ xanh’ này để thế chấp ngân hàng, nếu không trả nợ ngân hàng sẽ thu hồi, làm chủ quyền sử dụng ‘sổ xanh’ đó, tương tự như ‘sổ đỏ’ trên đất. Đây là điểm gút nhất hiện nay, nếu không thể giải quyết được thì không thể giải quyết gì hết”.

Lý giải vì sao các trang trại nuôi biển hiện nay khó tiếp cận vốn, bảo hiểm, ông Dũng phân tích, một chiếc xe đạp hay xe máy muốn được ngân hàng coi là tài sản phải được đăng ký, cấp số. Các cơ sở nuôi biển hiện nay chưa được xem là tài sản vì chưa được đăng ký, cấp số.

Các cơ sở nuôi biển hiện nay chưa được xem là tài sản vì chưa được đăng ký, cấp số. Ảnh: ĐT.

Các cơ sở nuôi biển hiện nay chưa được xem là tài sản vì chưa được đăng ký, cấp số. Ảnh: ĐT.

“Một chiếc xe đạp chưa đến 1 triệu, một xe máy chỉ vài chục triệu được xem là tài sản, trong khi số tiền đầu tư hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng lại chưa được xem là tài sản. Việc chưa đăng ký, đăng kiểm còn dẫn đến hậu quả nữa, tức là chưa có ai bảo hiểm cho nó. Câu chuyện hiện nay là chưa có cơ sở pháp lý kỹ thuật để đánh giá và cấp đăng ký, đăng kiểm; cơ quan cấp và thủ tục cấp cũng chưa có”, ông Dũng thẳng thắn bày tỏ.

Ông Dũng chia sẻ: “Kinh nghiệm của Australia trong vấn đề bảo hiểm cho nuôi biển rất hay. Ví dụ, tôi có một trang trại nuôi biển trị giá khoảng 2 tỷ đồng, tôi mua bảo hiểm bão cấp số 8 và đóng tiền theo mức thang quy định. Chỉ cần theo thông báo của viện khí tượng quốc tế, cơn bão đi vào đúng tọa độ trang trại thì sẽ được hưởng bảo hiểm, không cần quan tâm đến việc trang trại có thiệt hại hay không. Tôi cho rằng đây là một giải pháp tạm thời rất tuyệt vời”.

“Câu chuyện này khác với mọi bảo hiểm của Việt Nam. Bảo hiểm của Việt Nam là khi mua phải có thiệt hại mới được trả tiền, mà câu chuyện đánh giá thiệt hại mới là vấn đề oái ăm mà dân than trời", ông Dũng nói thêm.

Số liệu của Cục Thủy sản cho biết, tổng số cơ sở nuôi biển của nước ta theo thống kê chưa đầy đủ  tính đến hết năm 2022 khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè. Trong đó, số cơ sở nuôi trồng sản trên biển từ bờ đến 3 hải lý là 6.506 cơ sở, 244.402 lồng bè; từ 3 - 6 hải lý là 914 cơ sở nuôi cá biển, 4.299 lồng bè; và trên 6 hải lý là 27 cơ sở nuôi cá biển, 137 lồng bè.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.