Áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, với giá bán bình quân 55.000 đồng/kg, người dân thu lãi 17 triệu đồng trên 1.000 con gà đạt 13 tuần tuổi.
Nuôi gà VietGAHP sạch bệnh, lãi đều
Nhằm nâng cao chất lượng đàn gia cầm tại tỉnh Thái Nguyên, cũng như khuyến khích người chăn nuôi sản xuất hàng hóa quy mô lớn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp UBND xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ triển khai mô hình "Nhân rộng chăn nuôi gà lông màu theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm", quy mô 4.400 con.
Các hộ tham gia sử dụng sử dụng giống gà Lai Hồ. Sau 13 tuần tuổi, tỷ lệ nuôi sống đạt 95%, trọng lượng bình quân 2,6kg.
Để sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn VietGAHP, công tác phòng bệnh được đặc biệt chú trọng, từ khâu chọn con giống khỏe, sạch bệnh đến thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin.
Cán bộ khuyến nông đặc biệt khuyến cáo người dân, phải coi an toàn sinh học là yếu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi.
Tham gia mô hình, anh Phạm Văn Định luôn tuân thủ quy trình VietGAHP từ khâu chọn giống, lựa chọn thức ăn, phòng bệnh, áp dụng phương pháp bán chăn thả có hàng rào và sử dụng đệm lót sinh học. Nhờ đó, đàn gà của anh Định luôn khỏe mạnh, phát triển đồng đều và sạch bệnh.
Anh PHẠM VĂN ĐỊNH - Xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên
Các trại nuôi đều được xây lưới bao, nền láng xi măng đảm bảo chất thải không tràn ra ngoài gây ô nhiễm. Ngoài ra, các trại đều ứng dụng giải pháp đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón cho cây trồng.
Hạch toán kinh tế sơ bộ cho thấy, với 1.000 con gà trong mô hình đạt 13 tuần tuổi, áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, với giá bán bình quân 55.000 đ/kg, người dân thu lãi 17 triệu đồng.
Ông HÀ TRỌNG TUẤN - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên
Với quy mô chăn nuôi từ 500 - 3.000 con/hộ đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, đẩy mạnh hướng phát triển chăn nuôi trang trại công nghiệp và bán công nghiệp trên huyện Đồng Hỷ.
Trong quá trình thực hiện các hộ tham gia được tư vấn thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hóa Trung.
Trên cơ sở theo dõi, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện, Tổ hợp tác đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAHP theo quy định.
Khi đã hoàn chỉnh quy trình sản xuất ra sản phẩm an toàn với sản lượng lớn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cũng hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ cho các hộ dân chăn nuôi theo quy trình VietGAHP.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đề nghị người dân chủ động chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, từng bước nhân rộng, tạo chuỗi liên kết để giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương.